Tài chính quốc tế

Bài học từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dành cho ông Trump khi thổi bùng chiến tranh thương mại

Vũ Bấc 06/02/2025 - 12:21

Lệnh cấm xuất khẩu niken của Indonesia năm 2014 từng được ca ngợi như một bước đi chiến lược để thúc đẩy công nghiệp chế biến trong nước. Tuy nhiên, sau một thập kỷ, bài học từ Indonesia cho thấy rằng chính sách bảo hộ tài nguyên không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia - nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á - vào năm 2014 có thể là tấm gương tham khảo cho chính quyền Trump trong cuộc chiến thương mại toàn cầu sắp tới.

Làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng toàn cầu sau tuyên bố áp thuế mới của Tổng thống Trump cuối tuần qua. Xu hướng này phản ánh nỗ lực của nhiều quốc gia nhằm tăng cường năng lực sản xuất nội địa, từ Chile với quy định về lithium đến Venezuela với chính sách quốc hữu hóa dầu mỏ.

Bài học từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dành cho ông Trump khi thổi bùng chiến tranh thương mại - ảnh 1
Khu công nghiệp Morowali của Indonesia

Indonesia, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới, từng gây chấn động khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu kim loại thô vào năm 2014. Mục tiêu của họ là thúc đẩy công nghiệp chế biến trong nước. Sau một thập kỷ, kết quả của chính sách này cung cấp những bài học quý giá, đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển ngành sản xuất pin xe điện.

Quy trình chế biến niken từ quặng thô đến sản phẩm cuối cùng rất phức tạp. Với thép không gỉ, niken được tinh luyện qua các công đoạn trung gian trước khi kết hợp với kim loại khác.

Riêng với pin xe điện, quá trình còn phức tạp hơn: niken cần được chế biến thành niken sunfat tinh khiết qua nhiều bước xử lý hóa học. Yêu cầu kỹ thuật cao này tạo thành rào cản lớn với các nước đang phát triển.

Tăng trưởng ngoạn mục của ngành thép không gỉ

Chính sách cấm xuất khẩu của Indonesia đã mang lại thành công ấn tượng trong lĩnh vực thép không gỉ. Số liệu thống kê cho thấy kim ngạch xuất khẩu đã tăng vọt từ 564 triệu USD năm 2017 lên tới 11,9 tỷ USD vào năm 2022. Làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc cùng sự tăng cường đầu tư của các công ty nội địa đã góp phần tạo nên bước nhảy vọt này.

Tuy nhiên, bức tranh thành công này cần được nhìn nhận một cách thận trọng hơn. Ngay cả ngành công nghiệp đồng Chile - thường được coi là hình mẫu thành công về chính sách bảo hộ tài nguyên - cũng chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn sau 50 năm thực hiện. Trong khi đó, chính sách tương tự tại Venezuela đã khiến năng lực sản xuất suy giảm, còn tại Mông Cổ, quy định về sở hữu mỏ địa phương đã khiến đầu tư khai thác giảm tới 80%.

Ngành pin xe điện: Khởi đầu không như kỳ vọng

Trái ngược với thép không gỉ, ngành sản xuất pin xe điện của Indonesia đang gặp nhiều khó khăn, bất chấp việc nắm giữ trữ lượng niken lớn nhất thế giới. Xuất khẩu linh kiện pin đã sụt giảm 36% trong giai đoạn 2014-2022.

Cho đến năm 2022, ngành này mới nhận được khoản vay lớn đầu tiên trị giá 711 triệu USD. Đây là minh chứng cho thấy rào cản công nghệ trong sản xuất pin không thể vượt qua chỉ bằng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đơn thuần.

Đặc biệt với những ngành đòi hỏi công nghệ cao như pin xe điện, cần có chiến lược toàn diện hơn, bao gồm đầu tư vào nghiên cứu phát triển, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp.

Bài học từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dành cho ông Trump khi thổi bùng chiến tranh thương mại - ảnh 2
Một bãi khai thác niken ở Bắc Konawe, trên đảo Sulawesi của Indonesia

Bức tranh thành công ban đầu của ngành công nghiệp niken Indonesia đã dần bị lu mờ bởi những tác động tiêu cực ngày càng rõ nét. Hiện nay, ngành này đang vận hành 132 nhà máy điện than độc lập với tổng công suất 15,2 GW, trong khi 14,4 GW khác đang được xây dựng. Đáng báo động là mỗi tấn niken sản xuất thải ra tới 58,6 tấn khí CO2.

Các nghiên cứu dự báo nếu không có kế hoạch loại bỏ dần vào năm 2040, những nhà máy này có thể gây ra 27.000 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí và tạo ra gánh nặng y tế lên tới 20 tỷ USD. Tại Sulawesi - trung tâm chế biến niken lớn của đất nước, các cộng đồng ngư dân đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng từ các khu công nghiệp.

Chính sách bảo hộ của Indonesia cũng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế. Năm 2019, Liên minh châu Âu, với sự ủng hộ của Mỹ, đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về các hạn chế xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ Indonesia vào năm 2023 để đối phó với làn sóng nhập khẩu gia tăng.

Trước những thách thức này, Indonesia đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược. Năm 2024, chính phủ công bố kế hoạch yêu cầu các dự án luyện kim mới phải sử dụng năng lượng tái tạo. Đồng thời, họ cũng tạm dừng cấp phép nhà máy luyện gang niken mới để ưu tiên nguồn lực cho các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất pin.

Những thay đổi này đã thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư lớn. Toyota đã cam kết đầu tư 1,8 tỷ USD vào năm 2022, trong khi Hyundai và LG Energy đã công bố kế hoạch đầu tư 9,8 tỷ USD cho sản xuất pin tích hợp. Những động thái này cho thấy Indonesia đang dần chuyển hướng từ chính sách bảo hộ đơn thuần sang chiến lược phát triển công nghiệp bền vững và có giá trị gia tăng cao hơn.

Sự thay đổi trong chính sách của Indonesia - từ lệnh cấm xuất khẩu nghiêm ngặt sang thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế - là minh chứng cho thấy chính sách bảo hộ tài nguyên quá mức có thể mang lại nhiều bất lợi hơn là lợi ích. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc áp dụng các mức thuế quan mới và có khả năng rút khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai.

Tham khảo Forbes, Project Syndicate

>> Đi ngược đám đông, tỷ phú Đông Nam Á trúng lớn nhờ đặt cược vào nhiên liệu 'bẩn nhất thế giới'

Chỉ là 'nghệ thuật thương thuyết': Phố Wall phớt lờ cuộc chiến thương mại mà ông Trump vừa khởi xướng?

'Sao kê' viện trợ: USAID đã làm gì mà ông Trump và Elon Musk quyết đóng cửa?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/bai-hoc-tu-nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-danh-cho-ong-trump-khi-thoi-bung-chien-tranh-thuong-mai-136196.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bài học từ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á dành cho ông Trump khi thổi bùng chiến tranh thương mại
    POWERED BY ONECMS & INTECH