Huyện ngoại thành sẽ sở hữu tòa nhà chọc trời cao nhất Việt Nam, lọt 'tầm ngắm' xây sân vận động sức chứa 60.000 người
Dự kiến cuối năm nay, huyện này sẽ trở thành quận mới của thủ đô Hà Nội.
Mới đây, Tập đoàn Đầu tư và Tư vấn Quốc tế (JTA) công bố đang hợp tác với Tập đoàn T&T để nghiên cứu cơ hội đầu tư vào dự án Khu liên hợp thể thao tại Đông Anh, Hà Nội.
Theo kế hoạch, dự án sẽ có quy mô 330ha, bao gồm một sân vận động với sức chứa 60.000 người (gấp khoảng 1,5 lần sức chứa của sân vận động Quốc gia Mỹ Đình), cùng các khu phức hợp thể thao trong nhà và ngoài trời, trung tâm đào tạo vận động viên trẻ và các hạng mục đạt chuẩn Olympic. Ngoài ra, khu liên hợp sẽ bao gồm công viên chuyên đề và khu vui chơi giải trí theo mô hình Disneyland.
Theo thỏa thuận này, JTA sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc thu xếp tài chính và nguồn vốn để triển khai dự án. Tập đoàn T&T sẽ phối hợp với JTA trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn, nghiên cứu ý tưởng, quy hoạch, thiết kế, quản lý khai thác, vận hành và hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Được biết, sân vận động dự kiến nằm ở huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Đây là huyện nằm ở khu vực cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô; phía Đông giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía Tây giáp huyện Mê Linh; phía Bắc giáp huyện Sóc Sơn.
Huyện Đông Anh có diện tích tự nhiên 185km2, quy mô dân số đạt hơn 437.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Đây là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều lợi thế phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội Thủ đô.
Địa phương này được kết nối với thủ đô Hà Nội bởi ba cây cầu lớn là cầu Thăng Long; cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù (bắc qua sông Đuống) nối quận Long Biên.
Những năm gần đây, Đông Anh cũng nổi lên như một điển hình về sự bứt phá hạ tầng mạnh mẽ. Hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch kết nối thông suốt như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt); đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp); Quốc lộ 5 kéo dài gồm đường Trường Sa và đường Hoàng Sa…
Những năm trở lại đây, huyện Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.
Trong thời gian tới, Đông Anh là nơi sẽ có siêu dự án thành phố thông minh. Tòa tháp Trung tâm Tài chính cao 108 tầng sẽ cao nhất Việt Nam là điểm nhấn, trọng tâm của dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội, có diện tích 272ha, nằm ngay chân cầu Nhật Tân, thuộc địa phận ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ huyện Đông Anh.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 4,2 tỷ USD, do liên doanh Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản làm chủ đầu tư; hai bên đã ký thỏa thuận cùng phát triển siêu dự án này giữa năm 2017…
Tại cuộc họp đầu tháng 8, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu, phấn đấu ít nhất đến cuối năm 2024 huyện Đông Anh được công nhận thành quận. Huyện đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, đang phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng xem xét, công nhận các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng khu vực dự kiến thành lập quận, phường, làm cơ sở hoàn thiện Đề án trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt đề án thành lập quận.
Khi lên quận, Đông Anh sẽ phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính và thương mại quốc tế ở khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.