Israel điều tra vụ tuồn thông tin mật cho báo chí liên quan đến Thủ tướng Netanyahu
Một trong những cố vấn truyền thông của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang bị cáo buộc cố tình làm rò rỉ thông tin cho hai cơ quan báo chí phương Tây, để tạo vỏ bọc chính trị cho nhà lãnh đạo Israel khi tiến trình đàm phán với Hamas bế tắc.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trong sự kiện ngày 3/11. (Ảnh: AP) |
Ngày 3/11, một tòa án Israel nới lỏng lệnh cấm phát ngôn, cho phép công bố tên của nghi phạm chính trong vụ án là Eli Feldstein, người mà truyền thông Israel cho biết là một trong những cố vấn truyền thông của ông Netanyahu.
Vụ rò rỉ thông tin mật cho hai cơ quan truyền thông châu Âu được cho là do Feldstein thực hiện.
Người này không phải nhân viên chính thức, nhưng đã trở thành cố vấn của Thủ tướng Netanyahu. Feldstein trước đó từng làm cố vấn cho Bộ trưởng An ninh quốc gia cực hữu Itamar Ben-Gvir.
Tòa án không công bố tên của ba nghi phạm khác cũng đang bị điều tra liên quan đến vụ rò rỉ.
Thông tin từ tài liệu bị rò rỉ đã được đăng trên báo Jewish Chronicle có trụ sở tại London, sau đó đã bị gỡ bỏ. Bài báo nói rằng Hamas đã lên kế hoạch đưa các con tin ra khỏi Dải Gaza qua Ai Cập. Một bài viết khác trên báo Bild của Đức cho rằng Hamas đang kéo dài đàm phán như một hình thức chiến tranh tâm lý đối với Israel.
Truyền thông Israel và các nhà quan sát khác nhận thấy hai bài báo này hoàn toàn có lợi cho ông Netanyahu trong tiến trình đàm phán và giúp ông thoát khỏi trách nhiệm khi đàm phán thất bại.
Ông Netanyahu không đề cập đến vụ việc trong chuyến thăm biên giới phía bắc của Israel ngày 3/11.
Hai bài báo được đăng tải vào thời điểm Thủ tướng Netanyahu tuyên bố Israel sẽ kiểm soát lâu dài hành lang Philadelphi dọc biên giới Dải Gaza - Ai Cập. Hamas đã bác bỏ yêu cầu này và cáo buộc ông Netanyahu cố tình phá hoại đàm phán, trong đó Mỹ, Qatar và Ai Cập đóng vai trò trung gian.
Hai bài báo cũng giúp ông Netanyahu có vỏ bọc chính trị khi phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội từ gia đình các con tin và dư luận Israel, khi họ cáo buộc ông thất bại trong đàm phán. Sự bất mãn lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 9, với nhiều cuộc biểu tình rầm rộ và kêu gọi tổng đình công, sau khi Hamas giết chết 6 con tin.
Một tài liệu của tòa án xác nhận cảnh sát, quân đội và cơ quan an ninh nội bộ Shin Bet đang điều tra và bắt một số nghi phạm để thẩm vấn.
Vụ rò rỉ đã gây ra bê bối tại Jewish Chronicle, khi nhiều cây bút phụ trách chuyên mục từ chức để phản đối bài báo có lợi cho nhà lãnh đạo Israel. Tờ báo có trụ sở tại London đã xóa bài viết đáng ngờ và các bài khác của một nhà báo tự do.
Trong khi đó, bài viết trên báo Bild cho rằng Hamas không nghiêm túc với việc đàm phán và sử dụng chiến tranh tâm lý để kích động chia rẽ ở Israel. Ông Netanyahu đã dẫn bài báo trong cuộc họp với nội các của mình sau đó.
Ông Netanyahu vẫn đang đối mặt với ba vụ án, trong đó hai vụ liên quan đến cáo buộc ông đã ưu ái các ông trùm truyền thông để đổi lấy việc họ đăng tin bài tích cực về ông.
Văn phòng của ông hạ thấp vụ bê bối mới nhất và cáo buộc ngành tư pháp thiên vị. Văn phòng của ông cũng phủ nhận lập luận cho rằng vụ bê bối sẽ tác động đến các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Những người chỉ trích ông Netanyahu cho rằng cáo buộc này là vấn đề nghiêm trọng.
Trong bài viết đăng tờ Israel Hayom, nhà báo Yoav Limor gọi đây là "một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất mà Israel từng phát hiện".
"Thiệt hại mà nó gây ra vượt ra ngoài phạm vi an ninh quốc gia và làm nảy sinh nghi ngờ văn phòng thủ tướng đã cố phá hỏng thỏa thuận con tin, đi ngược lại những mục tiêu của cuộc chiến".
>> Thông tin mật của IDF bị lộ, Thủ tướng Israel thị sát gần biên giới Lebanon
Thông tin mật của IDF bị lộ, Thủ tướng Israel thị sát gần biên giới Lebanon
IDF hạ lữ đoàn trưởng Hezbollah, Thái Lan gửi công hàm phản đối tới Israel