Hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đối đầu, 'kho thuốc súng' của châu Á sắp phát hỏa?
"Kho thuốc súng" Nam Á đang nóng lên trở lại khi căng thẳng bùng phát sau vụ tấn công đẫm máu ở Kashmir, đẩy Ấn Độ và Pakistan — hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân — vào vòng xoáy xung đột vũ trang.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang sau vụ tấn công khiến nhiều khách du lịch thiệt mạng ở Kashmir tuần trước, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Dù các chuyên gia nhận định một cuộc chiến tranh quy mô lớn khó có khả năng xảy ra — phần nào do địa hình đồi núi hiểm trở của khu vực Kashmir — chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khả năng cao sớm có hành động đáp trả.

Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự cục bộ giữa hai nước hiện nay đang lên cao. Ấn Độ lên án đây là hành động khủng bố và cáo buộc Pakistan đứng sau vụ thảm sát. Trong khi đó, Islamabad bác bỏ cáo buộc, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả nếu bị tấn công từ phía bên kia biên giới.
Mỹ đã lên tiếng kêu gọi kiềm chế và cố gắng đóng vai trò trung gian, trong bối cảnh cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền đối với vùng Kashmir— nơi từng là chiến trường của nhiều cuộc xung đột giữa hai nước.

Trong trường hợp xung đột bùng phát, Ấn Độ có lợi thế rõ rệt về quân số, với khoảng 1,47 triệu binh sĩ trong lực lượng vũ trang — gấp đôi Pakistan, theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Về ngân sách quốc phòng, phía Ấn Độ cũng vượt trội. Quốc gia này chi tiêu tới khoảng 86 tỷ USD trong năm ngoái, cao gấp tám lần Pakistan và nằm trong top 5 quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, địa hình núi non hiểm trở ở Kashmir làm hạn chế đáng kể các phương án triển khai quân sự cho cả hai bên. Một phần lớn lực lượng Ấn Độ hiện đang được điều động bảo vệ biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc — nơi từng xảy ra các cuộc đụng độ tranh chấp lãnh thổ ở dãy Himalaya. Trong khi đó, Pakistan lại tập trung lực lượng tại biên giới phía Tây với Afghanistan, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới từ các tay súng cực đoan.
Cả hai quốc gia đều đang đầu tư mạnh vào công nghệ giám sát và máy bay không người lái. Trong tuần này, quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái do thám của Ấn Độ tại khu vực biên giới tranh chấp.
Ông Harsh Pant, Phó Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Observer Research Foundation tại New Delhi, nhận định rằng Ấn Độ đang ở trong thế bất lợi chiến lược do phải đối mặt với hai mặt trận cùng lúc.
“Quân đội Ấn Độ đông đảo hơn, nhưng họ đang phải chia lực để đối phó với cả Trung Quốc và Pakistan — trong khi hai nước này đôi khi lại hợp tác với nhau", ông Pant cho biết.

Cân bằng hạt nhân mong manh
Một cuộc đối đầu quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan luôn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng do cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, mỗi nước hiện có khoảng 170 đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của mình. Với Pakistan, năng lực hạt nhân được xem là một công cụ răn đe nhằm ngăn chặn hành động quân sự từ Ấn Độ — quốc gia có quy mô kinh tế vượt trội.
Cả hai nước vẫn đang tích cực sản xuất vật liệu phân hạch và đồng thời chạy đua nâng cấp hệ thống phóng — bao gồm các loại tên lửa có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương.
Ấn Độ duy trì chính sách “không sử dụng trước” (no-first-use) trong chiến lược hạt nhân, và chưa phát triển hoặc tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức công phá thấp dùng trong chiến trường. Ngược lại, Pakistan không cam kết chính sách tương tự và đã phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật Nasr (Hatf-9) với tầm bắn khoảng 70km — được thiết kế để sử dụng trong các tình huống chiến thuật gần biên giới.
Cả hai quốc gia đang hướng tới việc hoàn thiện năng lực răn đe hạt nhân trên ba mặt trận: đất liền, trên không và trên biển. Ấn Độ hiện có lợi thế về tầm bắn với tên lửa Agni-V, hệ thống tên lửa di động có thể đạt tới 5.000–8.000 km, đủ để vươn tới nhiều khu vực trên thế giới. Trong khi đó, Pakistan đang phát triển tên lửa Shaheen-3 với tầm bắn dự kiến khoảng 2.750 km — đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ, tùy thuộc vào vị trí phóng.

Cả Ấn Độ và Pakistan đều nằm trong nhóm các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với phần lớn trang thiết bị đến từ các đối tác bên ngoài. Trong khi Ấn Độ từng phụ thuộc nhiều vào Nga, những năm gần đây nước này đã đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung, hướng sang các nhà sản xuất vũ khí phương Tây như Mỹ và Pháp.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn gần đây. Tỷ lệ nhập khẩu từ Nga đã giảm mạnh — từ mức 76% trong giai đoạn 2009–2013 xuống còn 36% trong giai đoạn 2019–2023 — khi New Delhi tìm cách hiện đại hóa lực lượng bằng công nghệ quốc phòng từ phương Tây.
Ở chiều ngược lại, Pakistan ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc trang bị khí tài quân sự. SIPRI cho biết, trong giai đoạn 2019–2023, 82% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan đến từ Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 51% trong giai đoạn 2009–2012.
Trong một bài viết đăng tháng 12 năm ngoái trên Tạp chí của Viện Nghiên cứu Chiến lược Islamabad, nhà nghiên cứu Sardar Jahanzaib Ghalib nhận định rằng sự mất cân bằng quyền lực trong khu vực — với lực lượng quân sự Ấn Độ ngày càng mở rộng — đã buộc Pakistan phải tìm kiếm các chiến lược đối trọng nhằm giảm thiểu sự áp đảo về quân sự thông thường từ phía đối thủ.
Tham khảo BNN, Politico
>> Từ Berlin đến Seoul, các đồng minh Mỹ chuẩn bị cho kịch bản Washington rút lại 'chiếc ô hạt nhân'