Thế giới

Mỹ giáng đòn khiến hơn 5 triệu người có nguy cơ mất việc, Trung Quốc lập tức kích hoạt 'vũ khí bí mật' để vực dậy nền kinh tế

Lam Vy 06/05/2025 00:09

Số người được cấp phép lái xe công nghệ ở Trung Quốc đã tăng mạnh – từ 2,9 triệu vào năm 2020 lên tới 7,5 triệu vào năm 2024.

Khi cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc hụt hơi trước mức thuế 145% do Mỹ áp đặt, hàng triệu việc làm đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Theo Goldman Sachs, khoảng 16 triệu lao động Trung Quốc đang tham gia vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Ngân hàng Nomura thậm chí dự báo con số có thể lên tới 5,7 triệu người mất việc trong ngắn hạn và 15,8 triệu người về lâu dài khi cú sốc lan rộng trong nền kinh tế.

Để giảm thiểu thiệt hại, chính quyền Trung Quốc đang nhanh chóng tung ra các biện pháp ứng phó. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 25/4, lãnh đạo nước này cam kết tăng hoàn trả bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Tuy nhiên, “cứu cánh” thực sự cho thị trường lao động lại đến từ một lực lượng khác: Nền kinh tế gig (lao động tự do, thời vụ) khổng lồ.

Từ nghi ngờ đến cứu tinh

Từng bị nghi ngờ, lĩnh vực kinh tế gig nay đang dần được “minh oan” và biến hình thành thị trường lao động điện tử lớn nhất thế giới – có sự hậu thuẫn của nhà nước và ngày càng được tích hợp hệ thống an sinh xã hội.

Lý do chính là quy mô khổng lồ. Tổng liên đoàn Lao động Trung Quốc ước tính có khoảng 84 triệu người đang sống nhờ các “hình thức việc làm mới” như giao đồ ăn và gọi xe công nghệ.

Chính phủ thậm chí cho rằng con số này có thể lên đến 200 triệu người nếu tính cả những ai làm việc bán thời gian hoặc tự làm chủ. Nhóm lao động này đông hơn rất nhiều so với 54 triệu người đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước ở thành phố, và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số 734 triệu lao động của cả nước.

Chỉ riêng nền tảng giao hàng Meituan đã sử dụng khoảng 7,5 triệu tài xế giao hàng – trả tổng thu nhập hàng năm lên tới 11 tỷ USD. Nhiều tài xế gọi công việc này là guodu – "bến đò tạm", như một công việc chuyển tiếp qua thời gian khó khăn.

Wan, 36 tuổi, là một ví dụ điển hình. Sau khi thất nghiệp, anh chọn công việc giao đồ ăn vì có thể kiếm được 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (hơn 35 triệu đồng). Mỗi ngày anh chạy xe từ 6h sáng tới 9h tối trên khắp Bắc Kinh. “Bây giờ từng đồng đều quan trọng”, anh nói.

Mỹ giáng đòn khiến hơn 5 triệu người có nguy cơ mất việc, Trung Quốc lập tức kích hoạt 'vũ khí bí mật' để vực dậy nền kinh tế - ảnh 1
Số lượng tài xế giao hàng của Meituan (tính theo triệu người), giai đoạn từ năm 2018 đến 2023 (trái). Số lượng giấy phép lái xe công nghệ (tính theo triệu), từ năm 2020 đến 2024 (phải)

Gig economy: "Mỏ vàng" tạm thời giữa cơn khủng hoảng

Bất chấp xung đột thương mại và sự ảm đạm trong tiêu dùng, nền kinh tế gig của Trung Quốc vẫn tăng trưởng. Số lượng nhân sự của Meituan – chủ yếu qua các công ty trung gian – đã tăng 41% so với năm 2021. Hồi tháng 3, công ty này dự báo doanh thu sẽ tăng khoảng 15% mỗi năm đến năm 2027.

Số người được cấp phép lái xe công nghệ ở Trung Quốc đã tăng mạnh – từ 2,9 triệu vào năm 2020 lên tới 7,5 triệu vào năm 2024. Các công ty trong ngành đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần, dẫn đến một “cuộc đua tuyển dụng” chưa từng có. JD.com – một tên tuổi mới tham gia thị trường giao đồ ăn – tuyên bố sẽ tuyển thêm 100.000 tài xế trước cuối tháng 7 năm nay.

Dù làn sóng tuyển dụng ồ ạt khiến giá cổ phiếu của các công ty công nghệ tiêu dùng sụt giảm, nhưng đây lại là điều mà Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới: Tạo thêm việc làm và mở rộng hệ thống an sinh cho người lao động.

Cách đây vài năm, các nền tảng công nghệ bị gọi là biểu tượng của sự "mở rộng hỗn loạn". Nhưng giờ đây, thái độ đã thay đổi. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường từng công khai khen ngợi vai trò “ngày càng nổi bật” của các công ty nền tảng trong tiêu dùng và việc làm. Chính quyền Trung Quốc đang tích cực “gắn chặt” nền kinh tế gig như một giải pháp đệm cho các cú sốc vĩ mô.

Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn khuyến khích các nền tảng công nghệ tự xây dựng một hệ thống phúc lợi riêng, hoạt động song song với hệ thống an sinh xã hội của nhà nước. Chẳng hạn, từ tháng 2 vừa qua, JD.com đã bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế của mình. Meituan cũng cho biết sẽ triển khai thử nghiệm chính sách tương tự trong quý II năm 2025.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn là: Ai sẽ trả tiền? JD.com cam kết chi trả cả phần doanh nghiệp và người lao động. Nhưng nhiều tài xế vẫn hoài nghi. Một cụm từ lan truyền trên mạng xã hội là “lông cừu vẫn mọc từ lưng cừu” – tức cuối cùng thì chi phí vẫn bị khấu trừ vào thu nhập người lao động.

Tại thành phố Tuyền Châu, nơi Meituan vừa bắt đầu chương trình thí điểm hỗ trợ 50% phí hưu trí cho tài xế đủ điều kiện, một tài xế tên Lai, 30 tuổi, đã từ chối tham gia. Ngồi trên xe máy chờ đơn hàng, anh chia sẻ: “Khi chúng tôi về già, số người lao động sẽ ít đi, ai sẽ đóng tiền vào quỹ hưu trí để nuôi thế hệ tôi nữa?”.

Liệu có bền vững?

Mỹ giáng đòn khiến hơn 5 triệu người có nguy cơ mất việc, Trung Quốc lập tức kích hoạt 'vũ khí bí mật' để vực dậy nền kinh tế - ảnh 2
Tổng liên đoàn Lao động Trung Quốc ước tính có khoảng 84 triệu người đang sống nhờ các “hình thức việc làm mới” như giao đồ ăn và gọi xe công nghệ

Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu chi phí an sinh đè nặng lên các công ty công nghệ, mô hình gig có thể không còn bền vững. Để bảo vệ tính linh hoạt của thị trường lao động, nhà nước cần có cơ chế điều chuyển thu nhập hiệu quả hơn cho nhóm lao động này. Bằng không, các công ty và cả tài xế có thể sụp đổ cùng lúc với ngành sản xuất truyền thống vì chiến tranh thương mại.

Về dài hạn, chính công nghệ cũng là mối đe dọa với gig economy. Meituan đang dẫn đầu trong việc triển khai giao hàng bằng xe tự lái và drone, với gần 5 triệu đơn hàng qua xe tự động và 1,45 triệu đơn qua máy bay không người lái.

Tóm lại, nền kinh tế gig là minh chứng cho khả năng thích nghi của Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại kéo dài. Thay vì viễn cảnh công nhân kỹ thuật cao chế tạo chip bán dẫn, Trung Quốc hiện sở hữu một đội quân giao đồ ăn khổng lồ, giúp nền kinh tế "tiếp tục lăn bánh".

Câu chuyện của Lai là minh chứng sống động. Sau một năm làm tài xế giao hàng, anh quyết định nghỉ việc để về Yiwu – trung tâm thương mại miền Đông – giúp họ hàng bán hàng trên Amazon. Anh tin rằng chiến tranh thương mại sẽ sớm kết thúc. Nhưng nếu không, anh sẵn sàng quay lại – cùng chiếc xe máy và túi đựng đồ ăn quen thuộc.

Theo The Economist

>> Đếm ngược thời khắc đàm phán: Hàng loạt quốc gia châu Á sẽ tung 'át chủ bài' gì để thoát bẫy thuế Mỹ?

Apple tháo chạy, giá cước đảo chiều: Mỹ sắp đối mặt cơn địa chấn hậu thuế quan

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo Washington về xung đột thuế quan

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/my-giang-don-khien-hon-5-trieu-nguoi-co-nguy-co-mat-viec-trung-quoc-lap-tuc-kich-hoat-vu-khi-bi-mat-de-vuc-day-nen-kinh-te-141737.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Mỹ giáng đòn khiến hơn 5 triệu người có nguy cơ mất việc, Trung Quốc lập tức kích hoạt 'vũ khí bí mật' để vực dậy nền kinh tế
    POWERED BY ONECMS & INTECH