JICA cam kết thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA nói riêng và thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung.
Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện, Văn phòng JICA Việt Nam đưa ra thông điệp trên khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ trước thềm chuyến công tác sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Tokyo, tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản từ ngày 15-18/12.
Đồng hành xây dựng hạ tầng chất lượng cao
Ông Sugano cho biết, ODA của Nhật Bản tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, như giao thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó, có thể kể đến hàng nghìn km đường bộ đạt tiêu chuẩn đường 2 làn chất lượng cao tại Việt Nam. Cùng với đó, tính đến cuối năm 2022, tổng công suất của các nhà máy điện xây dựng từ nguồn vốn ODA và vốn PSIF của Nhật là 5.226 MW, tương đương khoảng 6,5% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
Hợp tác giữa hai bên cũng có thể được nhìn thấy qua những công trình mang tính biểu tượng, như: Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Nhà ga số 2), cầu Nhật Tân (Hà Nội), nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, tuyến đường sắt đô thị TPHCM Metro số 1 (TPHCM).
Đặc biệt, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM đến nay đã đạt khoảng 96%.
Về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các quốc lộ quan trọng ở phía bắc (Quốc lộ 3, 5, 18, đường vành đai 3), cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân (mở rộng), cảng Lạch Huyện, cầu Nhật Tân, cầu Bính, cầu Bãi Cháy, đã được đầu tư xây dựng.
Theo ông Sugano, khoản vay ODA trị giá 50.000 triệu yên Nhật (tương đương 8.750 tỷ đồng) với mục đích hỗ trợ tài chính cho các chính sách của Chính phủ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hậu đại dịch COVID-19, mà JICA ký với Chính phủ Việt Nam vào đầu tháng 7 năm nay có thể được coi là một "dự án tiên phong" của chương trình ODA thế hệ mới.
"Nhật Bản đang tiếp tục thảo luận với các cơ quan chức năng của Việt Nam về ODA thế hệ mới nhằm cung cấp vốn ODA một cách linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ Việt Nam", ông Sugano nhấn mạnh.
Đại diện JICA thông báo, trong thời gian tới, JICA sẽ tập trung hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trên 4 lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong lĩnh vực y tế và đối phó với biến đổi khí hậu.
Ông Sugano Yuichi khuyến nghị, để triển khai hiệu quả các dự án ODA, Việt Nam cần phải có những quy định rõ ràng, dễ hiểu và thủ tục nhanh chóng. Sự chậm trễ trong quy trình, thủ tục có thể khiến tổng chi phí dự án tăng do lạm phát, biến động tỉ giá, giá vật tư, thiết bị tăng cao trong thời gian dự án bị kéo dài.
Đặc biệt, "chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ cải thiện các thủ tục phê duyệt phức tạp và chồng chéo, giảm tải số lượng các tài liệu cần trình nộp liên quan đến dự án, cũng như thay đổi các quy định về cho vay lại. Tôi tin rằng khi quy định được cải thiện thì nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng hiệu quả hơn", ông Sugano nói.
Tổng vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam chiếm hơn 30% tổng vốn ODA cam kết của cộng đồng quốc tế và Nhật Bản trở thành nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Tính từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3/2023, tổng giá trị cam kết vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam là 18,9 tỷ yên Nhật (khoảng 3.100 tỷ đồng).
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 8 vừa qua, khi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao JICA Yamada Junichi thông báo về định hướng hỗ trợ ODA thế hệ mới cho Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm các khoản tín dụng dự phòng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng y tế công cộng, thảm họa thiên tai, hỗ trợ các khoản vay thông qua trung gian và tài trợ vốn chủ sở hữu để khu vực tư nhân thực hiện các dự án hạ tầng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những đề xuất về nội dung hợp tác ODA thế hệ mới do JICA đề xuất do phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, đồng thời giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, trao đổi cụ thể với JICA.
Hải Dương cam kết tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác thành công
Đại sứ Nhật Bản: Sẽ có hội đàm cấp cao Nhật-Việt đầu tiên sau cột mốc mới