Dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) đang tiềm ẩn nhiều vấn đề khi có thể làm thay đổi dòng chảy sông Mê Kông và trực tiếp ảnh hưởng đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) của Campuchia có tổng vốn 1,7 triệu USD với chiều dài khoảng 180km, nối sông Mê Kông với biển của Campuchia phía Tây Nam. Kênh sẽ có 3 đập đường thủy, 11 cầu và 208km đường hai bên và dự kiến được Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng, vận hành và chuyển giao. Đây là hình thức cho phép thi công vận hành, thu lợi nhuận trong khoảng 50 năm.
Công trình này của nước láng giềng Campuchia tồn tại nhiều quan ngại đến Việt Nam. Trong ngày 23/4, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc họp tham vấn. Tại cuộc họp, có nhiều chuyên gia và các nhà quản lý đã bày tỏ quan ngại về dự án kênh đào 1,7 tỷ USD của Campuchia sẽ có các tác động tiêu cực đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Trong số đó, PGS, TS. Lê Anh Tuấn - Nguyên Phó Viện trưởng của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ bày tỏ dự tính khi đó kênh đào Phù Nam Techo thì sự thiếu hụt nước tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở nên trầm trọng hơn và thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới hơn một nửa diện tích canh tác của vùng này vào mùa khô trong tương lai. Đặc biệt, dự án có thể làm thay đổi nghiêm trọng về việc phân bổ nước về vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, gây ra ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng quan điểm với PGS, TS. Lê Anh Tuấn, ông Phạm Hồ Quốc Tuấn - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, kênh đào Phù Nam Techo có thể lấy thêm một lượng nước (hiện vẫn chưa rõ lấy thêm một lượng là bao nhiêu) vào mùa khô thì dòng chảy về hạ lưu chắc chắn sẽ sụt giảm. Việc này dẫn tới khả năng thiếu hụt lượng nước vào mùa khô, từ đó sẽ có tác động đối với Đồng bằng sông Cửu Long là điều chắc chắn.
Chia sẻ trên báo Công Thương, Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân - Nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, về sơ bộ việc này không quá quan ngại, song cũng cần đợi những số liệu cụ thể để đánh giá.
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện chúng ta đang lấy nước từ sông Tiền, sông Hậu để tưới cho khu vực Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên, hiệu quả rất cao. Thêm vào đó, trong mùa lũ, nước từ Campuchia rất nhiều và tràn qua Tứ giác Long Xuyên, một phần xuống Hồng Ngự (Đồng Tháp). Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, lưu lượng nước xuống Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới không thay đổi bao nhiêu. Do đó, chúng ta chưa vội nói việc xây dựng dự án kênh đào Funan Techo gây thiệt hay không. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này sẽ không gây thiệt hại lớn cho Việt Nam.
Hiện nay, dự án kênh đào Funan Techo còn nhiều thông tin chưa được phía Campuchia cung cấp đầy đủ, do đó còn nhiều cái mơ hồ, khiến chưa hình dung được kênh đào này ảnh hưởng ra sao tới sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết, đến nay, trên cơ sở nghiên cứu các thông tin thông báo về dự án cho Ủy hội sông Mê Kông quốc tế của Campuchia, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã tiến hành trao đổi song phương với phía Campuchia.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng đề nghị phía Campuchia chia sẻ những thông tin chi tiết về dự án, trong đó bao gồm báo cáo khả thi dự án, tiến hành nghiên cứu chung về tác động của dự án và áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.
Tỉnh có chung đường ranh giới với TP. HCM định hướng trở thành trung tâm kinh tế vào năm 2030
Bình Dương sẽ có cảng sông ‘sát vách’ tuyến đường Vành đai 18.000 tỷ đồng