Kéo lưới đánh cá, ngư dân vớt phải khối kim loại hàng trăm kg: Chuyên gia xác định là bảo vật hiếm có, quả chuông lâu đời thứ hai ở Việt Nam
Quả chuông này có số phận kỳ lạ bởi từ khi ra đời đến nay, thời gian chuông ở dưới biển nhiều hơn thời gian được treo tại chùa.
Báu vật bị vùi lấp hàng trăm năm
Chuông Vân Bản đã chiếm giữ "ngôi vị" quả chuông cổ nhất Việt Nam suốt từ năm 1958 cho đến năm 1986 - khi chuông Thanh Mai (niên đại 798) được phát hiện và "soán ngôi". Đến nay, hồng chung Vân Bản vẫn giữ vị trí là quả chuông lâu đời thứ hai của Việt Nam.
Chuông Vân Bản nguyên là chuông của chùa Vân Bản, được đúc bằng đồng với chiều cao 127cm, đường kính miệng 80cm, có hình trụ đứng và nặng 300kg. Mặc dù không có niên đại khắc trên thân chuông, các nhà sử học đã xác định rằng chuông được đúc trong thời Trần (thế kỷ XIII).
Thân chuông có nhiều đường gân ngang và dọc, chia thành 8 ô, trong đó 4 ô trên có hình thang đứng và 4 ô dưới có hình chữ nhật. Chuông có 6 núm gõ, mỗi núm được bao quanh bởi 16 núm tròn nhỏ, tạo thành hình bông cúc. Phần vành miệng chuông được trang trí 52 cánh sen, trong khi quai chuông được thiết kế với hình hai con rồng đấu lưng vào nhau, vị trí giao nhau trang trí hình búp sen - một đặc trưng của mỹ thuật thời Trần.
Hai ô trên thân chuông có khắc minh văn chữ Hán: một ô có 16 cột, một ô có 10 cột, gồm 250 chữ Hán theo thể hành thư. Nội dung nói về việc nhà sư tu hành khổ hạnh Hướng Tâm và Cư sĩ Đại Ố có công khai phá núi non, mở mang đất đai, dựng chùa Vân Bản. Những người hiến đất cho chùa là thị vệ nhân dũng thủ Nguyễn Văn Kịp và vợ Chu Thị Trãi, anh vợ Chu Lâm.
Chuông được quan Tả bộc xạ cung tiến vào chùa. Minh văn còn nhắc nhở đời sau phải phát tâm công đức giữ gìn, không để chùa bị hủy hoại... Tuy nhiên, minh văn không nêu rõ thời gian chuông ra đời, chữ không còn rõ nét.
Số phận kỳ lạ của chuông Vân Bản
Tương truyền, tháp Tường Long và chùa Vân Bản thời Lý là nơi đầu tiên đặt quả chuông Vân Bản.
Bảo tháp Tường Long nằm cạnh chùa Vân Bản có từ thời Lý, được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng. Tuy nhiên trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay, bảo tháp và ngôi chùa xưa đã trở thành phế tích.
Theo các bậc cao niên, xưa kia phía Tây của núi Tháp (tức nơi có tháp Tường Long) có một khe ăn sâu xuống biển. Khe này gần bến đò Họng, tức Nò Hầu.
Tương truyền, khi chùa Tháp bị đổ nát, chuông lăn xuống bến Nò Hầu. Ít lâu sau, dân chúng hò nhau trục vớt được quả chuông ở bến đò Họng, rồi rước về chùa Nam gần đó, sau này gọi là chùa Vân Bản.
Trải qua vài trăm năm sau, do một trận bão lớn, chùa Vân Bản cổ bị đổ sập, quả chuông lại bị rơi lăn xuống biển ở chân núi Tháp.
Đến thời Lê, chùa Vân Bản được dân chúng xây lại nhỏ hơn và ở vị trí thấp hơn ngay chân núi. Khi khánh thành chùa mới, các Phật tử mò tìm, trục vớt quả chuông cổ từ bến Đò Họng, đem về treo ở chùa.
Không lâu sau đó, chuông Vân Bản lại tiếp tục chìm xuống biển. Lần chìm thứ ba của đại hồng chung có nhiều giả thiết khác nhau. Có người cho rằng, chuông Vân Bản bị thất lạc từ thế kỷ XV do dân làng cất giấu nơi lòng biển cả để tránh cuộc tàn sát, vơ vét di sản văn hóa Đại Việt của giặc Minh. Cũng có người cho rằng Trời Phật muốn giữ lại báu vật cho dân nước Nam, không muốn đại hồng chung rơi vào tay giặc nên giấu chuông xuống biển.
Vào một buổi sáng mùa hè năm 1958, một ngư dân quăng lưới kéo chài thấy vướng phải một vật cản lớn, không thể kéo lên. Sau đó, ngư dân hò nhau lặn xuống xem thì phát hiện một quả chuông đồng khổng lồ bị mắc trong lưới. Khi chuông vớt lên, người dân đoán đó có thể là cổ vật. Sau đó, các nhà khảo cổ học giám định và xác định đây chính là đại hồng chung chùa Vân Bản năm xưa.
Như vậy, từ khi ra đời đến nay, thời gian chuông Vân Bản "ngụ cư" dưới nước nhiều hơn thời gian được treo tại chùa. Chuông không chỉ có giá trị độc bản về minh văn, mà còn phản ánh trình độ đúc đồng thể khối lớn của ông cha ta, với những họa tiết hoa văn tinh xảo, mang đậm dấu ấn của nghệ thuật Phật giáo - một tôn giáo đã trở thành Quốc giáo thời Lý-Trần.