Khám phá cổ trấn của dân tộc Thổ Gia, ‘treo mình’ trên thác nước suốt 2.000 năm
Phù Dung không chỉ là cổ trấn với bề dày lịch sử mà còn là điểm du lịch hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên và phong tục dân tộc giản dị.
Phù Dung là một thị trấn cổ được xây dựng hơn 2.000 năm trước ở Trung Quốc, tọa lạc tại huyện Vĩnh Thuận, thuộc châu tự trị của người Thổ Gia và Miêu. Ban đầu, nơi này được gọi là Vương Thôn, là quê hương của vua Thổ Gia nhưng sau khi bộ phim nổi tiếng tên "Phù Dung trấn" của đạo diễn Tạ Tấn ra mắt vào năm 1986, tên thị trấn đã được đổi thành Phù Dung.
Phù Dung trấn nằm trong khu vực miền núi của tỉnh Hồ Nam, cách thành phố Trương Gia Giới khoảng 100 km. Được bao quanh bởi những ngọn núi và suối nước, thị trấn cổ này giữ lại những di tích văn hóa và kiến trúc lâu đời của người Thổ Gia. Nằm trên một ngọn núi nhưng nếu nhìn từ phía xa, ngôi làng hàng nghìn năm tuổi như "treo mình" trên ngọn thác.
Ban đầu, cư dân trong vùng chủ yếu là người Thổ Gia, nhưng hiện nay, nơi này có khoảng 17.000 cư dân sinh sống trong đó có cả người Hán. Kiến trúc bên trong khu cổ trấn bao gồm những ngôi nhà gỗ và đường lát đá, được xây dựng từ hơn 2.000 năm trước.
Quỹ đất ở đây thường được coi như "tấc đất tấc vàng", nên các ngôi nhà cổ bằng gỗ được xây dựng chênh vênh bên thác nước để tối ưu hóa diện tích sử dụng. Do đó, nơi này thường được du khách gọi với cái tên khác là "cổ trấn treo trên thác nước".
Lý giải về lý do xây dựng nhà bên thác nước, người dân địa phương nói đây là một vị trí đắc địa, tầm nhìn độc đáo: hai mặt vách đá đứng thẳng như mũi dao, và để tiếp cận được, người ngoài chỉ có thể sử dụng hai bến thuyền. Điều này khiến thị trấn này ở trong một vị trí "dễ thủ, khó công".
Người Thổ Gia đã cai trị ở đây suốt 800 năm, trải qua nhiều triều đại và giai đoạn lịch sử loạn lạc. Nếu xem xét khía cạnh an toàn quân sự, địa điểm này rất phù hợp, liền kề khu vực là một tuyến đường thủy từng là nơi giao thương lớn của vùng.
Vậy tại sao những ngôi nhà gỗ nằm chênh vênh trên vách đá bên thác nước vẫn tồn tại suốt hàng trăm năm?
Theo các chuyên gia phân tích, khu vực này trước đây là một biển, khi lớp vỏ trái đất đã chuyển động đã tạo ra những phần đá nứt ra và rơi xuống, quá trình bào mòn của nước đã tạo ra điều kiện địa lý hiện tại. Đá tại cổ trấn hình thành từ trầm tích đáy biển nên rất chắc chắn. Các ngôi nhà gỗ được xây dựng với cột chống để tránh nước ngấm vào, dù thoạt nhìn có vẻ nguy hiểm nhưng nền đất ở đây rất ổn định và vững chắc.
Ngoài hoạt động du lịch, cộng đồng địa phương còn phát triển nhiều làng nghề khác như chế tác sừng, sản xuất mì và thịt hun khói.
Thời gian lý tưởng nhất để thăm quan Phù Dung cổ trấn là từ tháng 4 đến tháng 9 hoặc vào mùa đông khi tuyết bắt đầu rơi. Để tận hưởng trọn vẹn trải nghiệm, du khách nên mang theo giày thể thao hoặc giày bệt để thuận tiện cho việc di chuyển và khám phá.