Khánh Hòa thí điểm một số cơ chế để phát triển Khu kinh tế Vân Phong

02-06-2022 10:38|Quang Khánh

UBND tỉnh Khánh Hoà sẽ được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công

Mới đây, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa của Quốc Hội khóa XV, trong đó, để phát triển Khu kinh tế Vân Phong, các ngành nghề được ưu tiên thu hút đầu tư gồm: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải, công nghệ sinh học, dược liệu biển và sinh thái biển có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính, phải có quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng trở lên; Các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300ha trở lên hoặc có quy mô dân số trên 50.000 người; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf có quy mô vốn đầu tư từ 25.000 tỷ đồng trở lên.

Đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, cơ khí chính xác, chế biến dầu khí, điện tử, khu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

Xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics, dịch vụ hậu cần cảng biển, bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu phi thuế quan có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên.

UBND tỉnh Khánh Hoà cũng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hoà cũng sẽ được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công.

Cụ thể, về quản lý đất đai, HĐND tỉnh Khánh Hoà quyết định chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân…

Việc thực hiện chuẩn bị thu hồi đất tại Khu Kinh tế Vân Phong và huyện Cam Lâm đối với: dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất,... sẽ tập trung sử dụng vốn ngoài ngân sách thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và có quy mô từ 300ha trở lên, căn cứ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện…

Về tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công: HĐND tỉnh Khánh Hoà quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo quy định pháp luật đầu tư công, có quyền quyết định cho phép tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể.

'Hiến kế' để tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam trở thành TP trực thuộc Trung ương

Khánh Hoà muốn chi 5.400 tỷ đồng làm tuyến đường ven biển

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khanh-hoa-thi-diem-mot-so-co-che-de-phat-trien-khu-kinh-te-van-phong-127064.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khánh Hòa thí điểm một số cơ chế để phát triển Khu kinh tế Vân Phong
    POWERED BY ONECMS & INTECH