Công nghệ

Khi ai cũng có thể trở thành lập trình viên mà không cần biết code

Gia Bảo 21/05/2025 8:27

Trào lưu Vibe Coding đang làm thay đổi thế giới lập trình khi ai cũng có thể tạo ứng dụng chỉ bằng cách trò chuyện với AI.

Chỉ vài năm trước, để tạo ra một ứng dụng di động hay xây dựng một website, bạn cần học ngôn ngữ lập trình, nắm vững thuật toán và mất hàng trăm giờ luyện tập. Thế nhưng hiện tại, một xu hướng mới đang dần thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận lập trình: viết code mà không cần thực sự hiểu lập trình. Trào lưu này được gọi là Vibe Coding – một khái niệm tưởng chừng đầy mơ hồ nhưng đang được hàng nghìn người trên thế giới áp dụng để tạo ra sản phẩm công nghệ thực thụ, từ học sinh tiểu học đến sinh viên đại học.

Vibe Coding là cách tiếp cận viết phần mềm dựa trên cảm hứng, trực giác và ngôn ngữ tự nhiên, thay vì những dòng lệnh khô khan. Cốt lõi của phương pháp này nằm ở việc người dùng không cần học cú pháp hay logic lập trình phức tạp. Thay vào đó, họ chỉ cần diễn đạt ý tưởng hoặc yêu cầu bằng tiếng Anh, và phần còn lại do trí tuệ nhân tạo đảm nhận. Nói một cách đơn giản, AI sẽ là người lập trình viên thay bạn, dịch ý tưởng thành mã nguồn, đồng thời tự động xây dựng ứng dụng hoàn chỉnh.

Khi ai cũng có thể trở thành lập trình viên mà không cần biết code
Vibe Coding là cách tiếp cận viết phần mềm dựa trên cảm hứng, trực giác và ngôn ngữ tự nhiên, thay vì những dòng lệnh khô khan.

Từ khi Andrej Karpathy, cựu giám đốc AI của Tesla và là một trong những đồng sáng lập OpenAI, công khai nhắc đến khái niệm này, Vibe Coding nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng công nghệ toàn cầu. Ông mô tả trải nghiệm viết code cùng AI giống như “quên mất rằng mình đang viết code” vì mọi thứ trở nên quá tự nhiên và trực quan.

Một trong những ví dụ truyền cảm hứng nhất đến từ Fay Robinett, cô bé 8 tuổi sống tại Mỹ. Dù chưa từng học qua bất kỳ khóa học lập trình chính thống nào, Fay đã sử dụng các công cụ AI như Cursor hay Claude Code để tạo chatbot mô phỏng chính bản thân mình. Cô bé còn xây dựng chatbot có thể nói chuyện theo phong cách Harry Potter và thiết kế cả một mô hình công viên giải trí trong thế giới ảo. Điều đáng nói là mọi thứ được tạo ra chỉ bằng lời nói, ý tưởng và một vài cú nhấp chuột.

Không chỉ có trẻ em, nhiều sinh viên đại học cũng đang biến AI thành cộng sự lập trình đáng tin cậy. Rishab Jain, sinh viên Đại học Harvard, đã xây dựng một công cụ dịch thuật cho các văn bản tôn giáo cổ của đạo Sikh sang tiếng Anh bằng cách sử dụng nền tảng Replit. Ứng dụng này giúp những người truyền đạo ở nước ngoài dễ dàng tiếp cận tài liệu thiêng liêng bằng ngôn ngữ hiện đại.

Những công cụ làm nên thành công của Vibe Coding đang ngày càng phổ biến. Cursor Composer cho phép người dùng chỉ cần mô tả tính năng, còn lại hệ thống sẽ tự sinh mã. GitHub Copilot của Microsoft hoạt động như một trợ lý lập trình thông minh, tự động hoàn thiện đoạn code theo ngữ cảnh. Replit Agent thậm chí có thể giúp bạn xây dựng ứng dụng từ đầu đến cuối, bao gồm cả phần giao diện và backend, mà không cần bạn phải biết HTML hay JavaScript.

Tuy vậy, làn sóng Vibe Coding không hoàn toàn không có mặt trái. Dù AI ngày càng thông minh, mã nguồn do máy tạo ra không phải lúc nào cũng tối ưu hoặc an toàn. Người dùng vẫn cần hiểu một số kiến thức cơ bản để kiểm tra, hiệu chỉnh hoặc mở rộng ứng dụng nếu cần thiết. Ngoài ra, sự phụ thuộc quá mức vào các công cụ AI có thể khiến người dùng khó phát triển kỹ năng tư duy logic – một yếu tố cốt lõi của ngành lập trình.

>> Cha đẻ của Chat GPT đưa ra lời khuyên ngắn gọn nhưng thấm thía cho gen Z để không bị thất nghiệp

OpenAI bạo chi 3 tỷ USD mua công ty khởi nghiệp về công cụ lập trình

Cựu CEO Google chỉ thẳng ‘số phận’ của nghề lập trình viên, phụ huynh tham khảo để định hướng nghề nghiệp cho con

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khi-ai-cung-co-the-tro-thanh-lap-trinh-vien-ma-khong-can-biet-code-290222.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Khi ai cũng có thể trở thành lập trình viên mà không cần biết code
    POWERED BY ONECMS & INTECH