Khi nào có một Eximbank (EIB) mới?
Cả thập kỷ nay, cuộc chiến giữa các “nhóm cổ đông” luôn là đề tài nóng bỏng khi nhắc đến Eximbank. Phải đến khi những gương mặt cổ đông tổ chức lớn xuất hiện, thị trường mới kỳ vọng về một sự thay đổi mang tính bước ngoặt của nhà băng này.
Tổn thất vì "Game" tranh quyền
Biến động bắt đầu khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, nhóm cổ đông nào cũng muốn "có chân" trong HĐQT. Tại Eximbank (EIB), có 2 người từng hai lần ngồi ghế chủ tịch HĐQT. Đó là bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Yasuhiro Saitoh.
Tháng 3/2019, tại Nghị quyết HĐQT số 112, bà Tú từng được bầu làm Chủ tịch Eximbank, thay ông Lê Minh Quốc. Quyết định chưa ráo mực đã vấp phải những tranh cãi khi ông Lê Minh Quốc - người tiền nhiệm - khởi kiện. Sau đó tòa án đề nghị ngừng thực hiện bổ nhiệm này. Giữa tháng 2/2022, Eximbank lại ra Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Eximbank có nhiều lần đại hội cổ đông bất thành |
Ngay cả khi những lãnh đạo kỳ cựu như bà Lương Thị Cẩm Tú – Nguyên CEO một ngân hàng ở phía Nam 2 lần được bầu làm chủ tịch, cũng không đủ để tập hợp được sự ủng hộ của các cổ đông, “game” tranh quyền tại EIB không có hồi kết. Đến nay, bà Tú vẫn ngồi ghế HĐQT tại Eximbank, trong vai trò Phó Chủ tịch.
Sự bất ổn ở thượng tầng đã khiến hình ảnh của Eximbank trở nên “xấu xí”, tin đồn “bủa vây” khiến nhiều nhà đầu tư e ngại sự bất ổn, cũng đành rút lui. Cổ đông ngoại SMBC "dứt áo" ra đi sau 16 năm gắn bó để tìm đến bến đỗ mới.
Tình hình kinh doanh của ngân hàng này cũng trải qua nhiều năm bết bát. Năm 2019, tổng tài sản của Eximbank là hơn 167.000 tỷ đồng, vốn sở hữu hơn 15.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 866 tỷ đồng. Trong khi, vào năm đó, ngân hàng SHB đã có tổng tài sản lên tới 366.000 tỷ đồng gấp hơn 2 lần so với Eximbank, lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Từ mốc lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng vào năm 2011, Eximbank chỉ lãi hơn 2.700 tỷ đồng vào năm 2023. Trong khi các ngân hàng khác như ACB, TPBank (TPB), OCB, SHB… dành nguồn lực cho các chiến lược đổi mới dài hạn, tạo nên sự chuyển mình rõ rệt, thì Eximbank lại thụt lùi rất xa so với những gì từng làm được trong quá khứ.
Cơ hội đảo ngược tình thế của EIB?
Thời gian gần đây, EIB ghi nhận nhiều diễn biến mới trong cơ cấu cổ đông và ban điều hành.
Ban điều hành của Eximbank được bổ sung các nhân sự mới, đứng đầu là Quyền Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải, đã đưa EIB tiếp cận những những tư duy mới về thị trường và khách hàng. Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2024, Eximbank đạt gần 904 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tương ứng 194,4%, gấp ba lần so với cùng kỳ 2023.
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 223.684 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng 13,6%, lên 159.483 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng từ 156.329 tỷ đồng hồi đầu năm lên 167.270 tỷ đồng, tăng tương ứng 7%.
Về cơ cấu cổ đông, cập nhật đến ngày 10/10/2024, CTCP Tập đoàn Gelex hiện đang nắm giữ 174.695.614 cổ phần tương đương 10,00% tỷ lệ sở hữu cổ phần/vốn điều lệ Eximbank, là cổ đông nắm giữ quyền chi phối vốn lớn nhất.
Gelex là tập đoàn đầu tư, có thế mạnh về tài chính và nổi tiếng với các thương vụ M&A. Đáng chú ý, hậu M&A, các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Gelex đều có bức tranh kinh doanh khởi sắc, nội bộ ổn định. Mới đây, Gelex còn bắt tay với nhiều nhà đầu tư của Singapore phát triển mảng hạ tầng khu công nghiệp và năng lượng tái tạo.
Tiếp đến là sự trở lại của "ông lớn" quốc doanh Vietcombank, nắm giữ gần 78,9 triệu cổ phiếu EIB, tương đương tỷ lệ sở hữu 4,51%.
Thực tế, Vietcombank đã sở hữu lượng lớn cổ phiếu EIB hơn chục năm nay. Trước năm 2012, nhà băng này nắm hơn 8,19% vốn Eximbank, nhưng sau đó giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này xuống 4,5%, theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Giá gốc của 78,9 triệu cổ phiếu EIB mà Vietcombank mua vào là gần 400 tỷ, hiện có thị giá tương đương hơn 1.400 tỷ đồng.
Công bố về cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của Eximbank tính đến 10/10/2024 (Nguồn: Eximbank) |
Khả năng chuyển trụ sở của Eximbank là một cột mốc khiến thị trường quan tâm khi các cổ đông lớn của ngân hàng này đều có trụ sở chính tại Hà Nội. Cũng đã xuất hiện nhiều đồn đoán về một bước ngoặt lớn trong việc tái cơ cấu Eximbank.
Các cổ đông tổ chức vẫn tiếp tục rót tiền vào Eximbank cho thấy ngân hàng này vẫn có những lợi thế riêng biệt. Chỉ cần được dẫn dắt bởi một chiến lược đúng đắn, khả năng sẽ có một “Eximbank mới” ổn định và đột phá hơn.
Eximbank: Đã đến lúc khép lại “thập kỷ hỗn độn”
Eximbank (EIB): Trưởng Ban Kiểm soát bị xem xét miễn nhiệm, vợ bán toàn bộ cổ phiếu nhằm thu hồi vốn