Khởi tố tội đặc biệt nghiêm trọng, vì sao bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn được tại ngoại?
Cựu CEO Quốc Cường Gia Lai (QCG), bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại trong quá trình cơ quan chức năng điều tra vụ án liên quan đến khu đất 39-39B Bến Vân Đồn.
Mới đây, CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) đã phát đi thông báo liên quan đến bà Nguyễn Thị Như Loan - nguyên Tổng Giám đốc công ty. Cụ thể, bà Loan đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an thay đổi biện pháp ngăn chặn vào ngày 11/11/2024. Hiện nay, bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại trong quá trình cơ quan chức năng điều tra vụ án.
Trước đó, ngày 19/7/2024, bà Loan đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Quyết định này được C03 đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án liên quan đến vi phạm quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP. HCM có diện tích hơn 6.200m2.
Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến khu đất 39-39B Bến Vân Đồn |
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” mà bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố là tội đặc biệt nghiêm trọng, với mức án có thể lên đến 20 năm tù.
Theo Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo về các tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc bà Loan bị tạm giam sau khi bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng là hoàn toàn hợp lý.
Với các tội đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, trừ những trường hợp đặc biệt như người già yếu, phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rằng trong quá trình điều tra, nếu bị can thể hiện sự thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả và hỗ trợ cơ quan điều tra, đồng thời có nơi cư trú rõ ràng hoặc có bảo lãnh từ người thân, thì có thể xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn.
Dựa trên những quy định này, bà Thơ cho rằng, trong trường hợp bà Loan đáp ứng đủ các điều kiện trên, việc cơ quan điều tra thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời thể hiện tính nhân đạo trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.
>> Quốc Cường Gia Lai (QCG): Bà Nguyễn Thị Như Loan được tại ngoại