Khối tự doanh bất ngờ mua ròng 1.400 tỷ đồng trong phiên VN-Index 'quay xe': Tâm điểm VPB, VIX và HPG
Khá bất ngờ khi phiên hôm nay trong lúc VN-Index liên tục biến động, khối tự doanh lại tranh thủ "gom" hàng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/4, các nhà đầu tư “thở phào” sau một phiên đi “tàu cao tốc” với chỉ số VN-Index. Nếu như buổi sáng VN-Index có lúc tăng gần 6 điểm, vượt 1.222 điểm làm dấy lên kỳ vọng, thì đầu giờ chiều, kịch bản “đánh úp bắt đầu”.
Đầu phiên chiều, có lúc VN-Index giảm đến 24 điểm, về dưới 1.193 điểm, mất đi ngưỡng kháng cự 1.200 điểm. Tuy vậy rất nhanh sau đó, “nến VN-Index” đã rút chân.
“Sóng” vẫn chưa hết khi dù đã rút đến gần tham chiếu, sau đó VN-Index còn một nhịp giảm 13 điểm trước khi “quay xe”.
Kết phiên, Vn-Index chỉ còn giảm chưa đến 1 điểm, thanh khoản giữ mức cao với hơn 1,34 tỷ cổ phiếu giao dịch, tổng giá trị 30.132 tỷ đồng. Toàn sàn có 140 mã tăng, trong đó có 2 mã tăng trần, 361 mã giảm trong đó có 10 mã giảm sàn, còn lại 58 mã đứng giá.
>> Cú ‘rút chân’ thần sầu của VN-Index
Nhóm VN-30 đóng cửa với 14 mã tăng, 13 mã giảm và 3 mã đứng giá, không có mã tăng trần cũng không có mã giảm sàn. Tổng 417,2 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị 12.355 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng cửa với 13 mã tăng, 13 mã giảm và 4 mã đứng giá. Tổng 100 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị 2.261 tỷ đồng.
Sàn HNX ghi nhận phiên có 129 mã giảm trong đó có 7 mã giảm sàn, có 67 mã tăng trong đó có 5 mã tăng trần, và 45 mã đứng giá.
>> Khối ngoại mua ròng trở lại phiên VN-Index rút chân, cổ phiếu VN30 vẫn chịu áp lực bán lớn
Khối tự doanh công ty chứng khoán cũng bất ngờ mua gom lượng lớn với hơn 71,7 triệu cổ phiếu mua vào và chỉ bán ra hơn 23 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán mua vào 2.000 tỷ đồng và giá trị chứng khoán bán ra gần 600 tỷ đồng, tương ứng tự doanh mua ròng khoảng 1.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tự doanh mua thỏa thuận đến 23,7 triệu cổ phiếu VPB với giá trị gần 463 tỷ đồng. Ngoài ra, các công ty chứng khoán còn mua gom trên sàn gần 5,1 triệu cổ phiếu VPB và bán ra 2,3 triệu cổ phiếu. Tính chung trong phiên tự doanh mua ròng 514 tỷ đồng với cổ phiếu VPB.
Ngoài tiêu điểm VPB, cổ phiếu HPG cũng đáng chú ý với hơn 4,6 triệu cổ phiếu mua vào và bán ra chỉ 1,25 triệu đơn vị, tương ứng tự doanh mua ròng khoảng 95 tỷ đồng với HPG. HPG không giữ được sắc xanh, kết phiên giảm 0,53% - phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp và là phiên giảm thứ 6 trong số 10 phiên giao dịch gần đây nhất.
MBB được tự doanh mua vào nhiều thứ 3 với 3,5 triệu cổ phiếu và chỉ bán ra gần 700.000 cổ phiếu, tương ứng mua ròng khoảng 86 tỷ đồng.
HDB cũng tạo ấn tượng khi được các công ty chứng khoán mua gom hơn 1,75 triệu cổ phiếu nhưng chỉ bán ra hơn 100.000 cổ phiếu, tương ứng tự doanh mua ròng hơn 37,4 tỷ đồng đối với HDB trong phiên.
“Cặp đôi” VHM và VRE cũng được tự doanh mua vào trên 1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu được khối tự doanh công ty chứng khoán mua hơn 1 triệu đơn vị còn có ACB, MWG, NVL, SHB, SSI, STB, TPB, VIB.
Không "triệu cổ" như những cổ phiếu ngân hàng hay bất động sản, DBC của Dabaco lại tạo dấu ấn khác biệt khi được tự doanh mua vào 522.600 cổ phiếu mà không bán ra cổ phiếu nào. Khối tự doanh mua gom DBC trong bối cảnh doanh nghiệp vừa công bố tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với rất nhiều kế hoạch phát triển.
Dabaco dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ để huy động vốn cho các dự án đang thực hiện như nhà máy sản xuất dầu đậu nành Dabaco, trại giống ở Thanh Hóa... Trong các kế hoạch tăng vốn, có việc doanh nghiệp chăn nuôi sẽ phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược - là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, hỗ trợ và đồng hành cùng Dabaco phát triển...
Ở chiều bán ra, VIX bất ngờ bị “xả” mạnh nhất với 5 triệu cổ phiếu mà chỉ mua vào 69.900 cổ phiếu, tương ứng tự doanh bán ròng khoảng 87 tỷ đồng với VIX. Kết phiên VIX giảm 1,65% - phiên giảm thứ 2 liên tiếp và là phiên giảm thứ 8 trong số 10 phiên giao dịch gần đây nhất.
STB cũng bị các công ty chứng khoán bán ra đến 3.4 triệu cổ phiếu và mua vào chỉ 2,5 triệu cổ phiếu – tương ứng tự doanh bán ròng 25 tỷ đồng với cổ phiếu STB. Cổ phiếu bị tự doanh xả mạnh còn có POW.
>> Chứng khoán rút chân - chứng sĩ mất hàng: Kịch bản 8 tháng trước có lặp lại?
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm khi “quay xe” nhiều nhất. SHB có hơn 33,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh, kết phiên tăng 1,32%. SHB đang “đà” tăng sau khi Phó Chủ tịch Đỗ Quang Vinh dự chi nghìn tỷ đồng mua trăm triệu cổ phiếu. Phiên hôm qua 15/4 có đến gần 99 triệu cổ phiếu “đổi chủ”. Đây cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của SHB.
HDB về mức giá tham chiếu với gần 7,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh. HDB vẫn duy trì giao dịch ở vùng đỉnh trong một thời gian dài. Tính chung 10 phiên giao dịch gần đây nhất, HDB đã có đến 7 phiên không giảm điểm, trong đó có 3 phiên tăng. Thanh khoản cổ phiếu cũng duy trì mức cao.
Ngoại trừ PGB tăng với thanh khoản thấp, thì TCB và MBB là các “điểm sáng”, tăng lần lượt 2,48% và 2,14% trong phiên. Có đến hơn 15,1 triệu cổ phiếu TCB được khớp lệnh. Còn MBB tạo ấn tượng với hơn 32,7 triệu cổ phiếu giao dịch.
Tuy vậy bất ngờ nhất vẫn là LPB với mức tăng 4,01%, kéo dài chuỗi tăng thành 6 phiên trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất. Sáng mai 17/4 LPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình. Một trong số các nội dung đó là việc đổi tên ngân hàng.
TCB, BID, CTG và MBB lọt Top 5 cổ phiếu kéo tăng nhiều điểm nhất cho thị trường.
Nhóm Bi4, VCB đã quay đầu rút chân, tuy vậy cuối phiên vẫn giảm 1,09% và là cổ phiếu kéo giảm thị trường nhiều nhất. CTG và BID đều tăng ấn tượng lần lượt 1,79% và 1,21%.