'Khối vàng lộ thiên' giá lên đến trăm tỷ đồng ở Việt Nam
Loại gỗ này được bán với giá thành đắt đỏ tại Việt Nam.
Trên thế giới tồn tại không ít loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao, thậm chí còn bị cấm khai thác. Trong đó, Việt Nam cũng có 1 loại gỗ quen thuộc, nổi tiếng đắt đỏ là gỗ sưa.
Gỗ sưa có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, xuất hiện ở Việt Nam và là 1 loại gỗ quý hiếm. Đây là loại gỗ thuộc nhóm IA, trong danh sách các loài động, thực vật quý hiếm cần được bảo tồn ở nước ta. Từ xưa tới nay, nhắc gỗ sưa người ta đều nghĩ ngay đến loại gỗ đặc biệt, được Nhà nước nghiêm cấm khai thác và sử dụng với mục đích thương mại.
Gỗ sưa có thân cao khoảng 6-12m (thậm chí có cây cao tới 15m), lá mọc cách, thân có màu vàng nâu hoặc màu xám. Hoa của cây gỗ sưa mọc ra từ nách lá, có màu trắng và mùi thơm dịu nhẹ. Đây là loại cây ưa sáng, cần độ ẩm cao và đất sâu. Sưa được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, thường có ở rừng mưa nhiệt đới gió mùa và rừng mưa nhiệt đới. Loại gỗ này có mùi thơm dễ chịu, thân có văn hoa đẹp mắt, gỗ có thớ mịn vô cùng đặc biệt.
Sưa được chia thành 2 loại chính là sưa đỏ và sưa trắng, ngoài ra còn có sưa vàng. Trong đó, sưa đỏ có giá trị kinh tế cao hơn, có màu sắc ấn tượng và gỗ cứng hơn. Người ta căn cứ theo màu hoa cũng như màu của lõi gỗ để phân biệt các loại sưa. Nếu như sưa trắng cho hoa trắng, quả to, đốt lên không ngửi thấy mùi thì sưa đỏ lại có mùi thối khi tiếp xúc với lửa. Vì vậy, loại sưa này còn được gọi là sưa trắc thối, thường được dùng với nhiều mục đích khác nhau.
Người ta thường trưng dụng sưa đỏ để làm hương liệu, nội thất hoặc dược liệu. Vì độ quý hiếm và giá trị kinh tế cao, đây là loại gỗ không phải ai cũng có được. Theo chuyên gia, đây là loại gỗ quý, không bị mối mọt, nứt hay biến dạng nên rất được ưa chuộng ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc. Tại Trung Quốc, người ta còn sử dụng gỗ sưa để làm các vật dụng hoàng gia vì độ bền lâu, chất lượng.
Theo báo Dân Trí, người xưa ví gỗ sưa là "khối vàng lộ thiên" vì chúng quá quý hiếm và đắt đỏ. Được biết, những cây gỗ sưa cổ thụ có giá trị lên đến trăm tỷ đồng, cây gỗ sưa 20 năm có giá trị khoảng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, vì gỗ sưa có giá trị cao nên không ít người muốn trộm cắp và khai thác trái phép. Hiện tại, việc nhân giống, trồng và bảo vệ loại cây này vẫn được thực hiện tại Việt Nam nhằm đảm bảo loại cây gỗ quý hiếm này không tuyệt chủng.