Không cần mua vàng, gia chủ làm ngay 5 việc này trong ngày vía Thần Tài để cả năm may mắn thuận lợi, buôn may bán đắt
Theo quan niệm dân gian, vào ngày vía Thần Tài, gia chủ nên thực hiện 5 việc này sẽ giúp thu hút tài lộc, kinh doanh thuận lợi và cả năm sung túc.
Lau dọn bàn thờ Thần Tài
Trước khi bày mâm cúng, gia chủ cần vệ sinh bàn thờ và tượng Thần Tài thật sạch sẽ. Việc này không chỉ nên làm vào ngày vía Thần Tài mà cần được duy trì thường xuyên trong suốt cả năm.
Bàn thờ Thần Tài thường được bài trí với bát hương đặt trên khay vàng giấy, hai bên có hai cây đèn nhỏ. Trước bát hương là khay nước gồm ba cốc nước và hai chén rượu. Khi thắp hương, có thể đốt ba nén nhang theo hướng Tây. Ngoài ra, chén nước trên bàn thờ cần được rửa sạch trước khi thay nước mới và không nên rót quá đầy, nên để cách miệng chén khoảng 1cm.
Sắm lễ cúng ngày vía Thần Tài
Vào ngày vía Thần Tài, nhiều gia đình tổ chức lễ cúng để cầu mong may mắn và tài lộc suốt cả năm. Gia chủ có thể chuẩn bị lễ vật chu đáo để bày tỏ lòng thành và đón nhận phúc lộc.
Theo truyền thống, mâm cúng vía Thần Tài bao gồm nhiều lễ vật mang ý nghĩa cầu may, tài lộc. Trong đó, các vật phẩm cơ bản thường có: nến, hương, nước (3 chén), rượu (3 chén), gạo tẻ (1 đĩa), muối (1 đĩa), tiền vàng mã, hoa tươi, mâm ngũ quả, trầu cau và mâm cỗ mặn (tùy từng gia đình).
Một trong những lễ vật quan trọng trong mâm cúng ngày vía Thần Tài là bộ tam sên.
Bộ tam sên (tam sinh, tam sanh) là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ trong phong tục thờ cúng Thần Tài. Bộ lễ vật này tượng trưng cho Thổ - Thủy - Thiên, thể hiện sự giao hòa giữa ba môi trường sống khác nhau và mang ý nghĩa linh thiêng trong nghi lễ cúng bái.
Bộ tam sên gồm:
· Một miếng thịt lợn (sống trên cạn) – có thể luộc hoặc quay nhưng phải đủ mỡ, nạc, da.
· Một con cua hoặc ba con tôm (sinh vật sống dưới nước).
· Một hoặc ba quả trứng vịt (đại diện cho loài có thể bay).
Không chỉ xuất hiện trong lễ cúng vía Thần Tài, bộ tam sên còn được sử dụng trong các nghi lễ như cúng khai trương, động thổ, cúng Thổ Thần, Thủy Thần...
Với người miền Nam, ngoài bộ tam sên, mâm cúng Thần Tài đầy đủ không thể thiếu món cá lóc nướng. Loài cá này được xem là biểu tượng của sức mạnh, hiền lành, không gây hại cho con người, mang đến tài lộc và may mắn. Hơn thế, cá lóc còn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Trong khi đó, ở miền Trung, đặc biệt là tại Huế, mâm cúng ngày vía Thần Tài thường có lưỡi heo hoặc mép bò, mang ý nghĩa cầu chúc công việc hanh thông, thuận lợi.
Những năm gần đây, nhiều gia đình còn bổ sung vào mâm cúng bánh bao tạo hình túi tài lộc, tiền vàng, thỏi vàng, quả đào... với màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Bên cạnh đó, các món ngọt như chè trôi nước, xôi gấc đỏ, xôi đậu xanh tạo hình chữ Phúc - Lộc - Thọ cũng được nhiều người lựa chọn để cầu mong năm mới đủ đầy, sung túc. Một số chị em khéo tay còn bày xôi ngũ sắc để tăng thêm phần may mắn.
Làm lễ đón Thần Tài
Ngay từ sáng mùng 10 tháng Giêng, gia chủ nên thực hiện một số nghi thức để chào đón Thần Tài và tài lộc. Trước khi cúng, cần tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và mở toàn bộ cửa nhà, đặc biệt là cửa sổ hướng Tây – hướng được cho là đón tài lộc – để thu hút nguồn năng lượng tích cực.
Mua vật phẩm phong thủy để cầu may
Theo quan niệm dân gian, mua vàng vào ngày vía Thần Tài là một cách cầu mong tài lộc, bởi vàng không chỉ có giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng của sự tích lũy và thịnh vượng. Tuy nhiên, giá vàng trước thềm ngày Thần Tài đang tăng cao và tiến sát mốc lịch sử. Sáng 3/2, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức 87,3 - 89,3 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với mức giá chốt phiên trước kỳ nghỉ Tết, giá mua và bán đều tăng 500.000 đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa hai chiều giao dịch tiếp tục duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Vì vậy, không phải ai cũng có đủ điều kiện để xin vía Thần Tài bằng cách mua vàng. Bên cạnh đó, việc mua vàng trong ngày này mang ý nghĩa cá nhân nhiều hơn là giá trị phong thủy hay tâm linh.
Thế nên, ngoài vàng, gia chủ có thể lựa chọn những vật phẩm phong thủy như tì hưu, thiềm thừ, bảo bình, túi tài lộc, tiền ngũ đế để đặt trên bàn thờ. Một số người còn chọn cách gửi tiết kiệm tại ngân hàng như một hình thức tượng trưng cho việc tích lũy tài lộc, thay vì mua vàng với giá cao trong dịp này.
Thực hiện đúng nghi lễ cúng ngày vía Thần Tài
Ở nhiều thành phố lớn, các gia đình có điều kiện thường đặt tiền, vàng thật lên bàn thờ Thần Tài để cầu may. Ngoài ra, một mâm cỗ mặn gồm thịt, xôi, chè… cũng được chuẩn bị với mong muốn công việc làm ăn thuận lợi.
Khi cúng, cần đảm bảo chén nước và chén rượu được vệ sinh sạch sẽ, rót vừa đủ, không để tràn. Hoa cúng phải là hoa tươi, tuyệt đối không dùng hoa nhựa, hoa giả. Mâm ngũ quả cần chọn trái cây tươi ngon, không bị khô héo hay sâu hỏng. Đặc biệt, sau khi cúng xong, gia đình nên giữ lại đồ cúng để sử dụng, tránh mang cho hoặc vứt bỏ, vì quan niệm cho rằng điều này có thể làm thất thoát tài lộc.
Khi làm lễ, gia chủ cần thành tâm, thái độ nghiêm túc, ăn mặc chỉnh tề để thể hiện sự tôn kính với Thần Tài.
>> Vía Thần Tài 2025 là ngày nào? Mua vàng có thật sự giúp may mắn, giàu sang cả năm?
3 tháng đầu năm Ất Tỵ 2025, 4 con giáp vận đỏ như son, may mắn gấp bội
Bước sang tháng 2, 4 con giáp 'trúng mánh' làm ăn, tài lộc nhân đôi nhân ba