Không chỉ "sa lầy" lạm phát, nền kinh tế châu Âu gồng mình chống chọi suy thoái

29-08-2022 11:29|Linh Nhi

Châu Âu lo ngại "lạm phát chồng lạm phát", lo ngại trong việc tăng lại suất sắp tới.

Châu Âu "chìm" trong lạm phát

Lạm phát ở khu vực đồng Euro vẫn ở mức rất cao, và chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 công bố vào thứ Tư (31/8) có thể sẽ cho thấy tình trạng đó vẫn tiếp diễn.

Điều đó sẽ gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 9 tới, ngay cả khi rủi ro suy thoái gia tăng.

Thay vì lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh như dự báo cách đây chỉ vài tuần, lạm phát có thể sẽ sớm chạm mức hai con số. Lạm phát của EU tháng 7 là 8,9% so theo năm, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.

Nguyên nhân mới của lạm phát rất rõ ràng: giá khí đốt tăng vọt và có nguy cơ tăng hơn nữa do Nga báo hiệu về một đợt thắt chặt mới đối với nguồn cung khí đốt sang châu Âu.

Giá khí đốt tại khu vực này đã tăng 45% trong tháng 8 và 300% trong năm nay. Hiện vẫn chưa biết giá khí đốt sẽ còn tăng tới đâu, và đây vẫn là "chìa khóa" của "đỉnh" lạm phát ở khu vực đồng euro. Như một nhà kinh tế đã nói, tất cả chúng ta đều đang trở thành những người theo dõi thị trường khí đốt.

 Hậu quả "đáng gờm" của cuộc khủng hoảng năng lượng

Đợt tăng giá khí đốt mới dường như đã dập tắt mọi hy vọng rằng cuộc chiến chống lạm phát của châu Âu sẽ sớm hạ nhiệt. Đầu tuần này, Ngân hàng Citibank (Mỹ) dự báo lạm phát của Anh sẽ tăng vọt lên mức cao nhất trong gần nửa thế kỷ là 18,6% vào tháng 1/2023.

Hóa đơn tiền điện tăng cao, chi phí sinh hoạt tăng phi mã và một mùa đông phải lựa chọn giữa “ăn uống hoặc sưởi ấm” đang là thực tế mà người dân châu Âu phải đối mặt…

Về mặt đời sống, giá năng lượng tăng cao tạo ra một gánh nặng tài chính rất lớn lên các hộ gia đình. Từ khoảng vài tuần qua, tại Anh đã xuất hiện phong trào không trả hoá đơn năng lượng (Don’t pay UK), một phong trào bất tuân dân sự nhằm phản đối việc giá năng lượng sẽ tăng quá cao trong thời gian tới.

Lạm phát khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, sức mua giảm sút nên hệ luỵ trực tiếp là chất lượng sống của người dân châu Âu suy giảm, thậm chí đối với nhiều hộ gia đình nghèo tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe doạ sống còn trong mùa đông tới.

Dự báo lạm phát cũng tăng lên ở Mỹ nhưng triển vọng của châu Âu dường như ảm đạm hơn nhiều. Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg (Đức), cho rằng: "Lạm phát ở châu Âu dự kiến tăng trong quý IV/2022 nhưng quy mô của đợt gia tăng lạm phát mà chúng ta đang đối mặt là hoàn toàn mới do đợt tăng giá khí đốt mới đây. Đó là một cú sốc mà vài tuần trước chúng ta không thể lường trước".

anh-chup-man-hinh-2022-08-29-luc-11.02.14.png

Không chỉ "sa lầy" lạm phát, nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại

Đánh giá về số liệu kinh tế Euro và EU, nhà kinh tế Andrew Cunningham tại Capital Economics, doanh nghiệp nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại London (Anh) nói rằng, nền kinh tế châu Âu đang hướng tới một giai đoạn rất khó khăn, với một cuộc suy thoái dự kiến ​​sẽ đến vào cuối năm, khi lạm phát khu vực Eurozone tăng cao.

Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cũng hạ dự báo, tăng trưởng kinh tế ở châu Âu trong năm nay và dự đoán rằng ngay cả khi Nga không cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng, một cuộc suy thoái kỹ thuật kéo dài hai quý liên tiếp với mức tăng trưởng âm có khả năng xảy ra ở Eurozone.

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cũng nhận định: "Sự không chắc chắn vẫn ở mức cao trong những quý tới. EU cần duy trì sự thống nhất và sẵn sàng ứng phó với một tình huống phát triển khi cần thiết".

Ngoài ra, các đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở châu Âu có thể gây xáo trộn thêm tình hình kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng, đại dịch vẫn là một nguy cơ lớn và có thể gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế châu Âu.

chau-au.jpeg

Châu Âu khó nhọc tìm kiếm phương án "thay thế"

Mùa đông đang đến gần, khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể xảy ra. Rõ ràng không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ sớm được cải thiện.

Tờ The Financial Times đưa tin Ủy ban châu Âu (EC) đang nỗ lực thúc đẩy tăng sản lượng khai thác nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực.

Các kế hoạch, hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai, sẽ tập trung vào giải pháp nhằm hạ thấp các rào cản quy định đối với việc khai thác và sản xuất nguyên liệu quan trọng, như lithium, coban và graphite – những đầu vào cần thiết cho các trang trại gió, tấm pin Mặt Trời và xe điện.

Đây không phải là một đòi hỏi mới sau khi "lục địa già" lâm vào tình trạng khủng hoảng năng lượng do thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Chúng đã hiện hữu từ trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra.

Thời gian trước, EC đã từng đưa ra cảnh báo về rủi ro của việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu thô nhập khẩu.

Trong cảnh báo của mình, EC cho biết, đến năm 2030, nhu cầu về vật liệu đất hiếm dùng trong các tuabin gió của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp 5 lần, nhưng nguồn cung toàn cầu dự kiến chỉ tăng gấp đôi. Nhu cầu đối với chất lithium cũng vậy, có thể cao gấp gần 60 lần mức tiêu thụ hiện tại vào năm 2050 và nhu cầu về coban, than chì dự kiến cao hơn gần 15 lần.

Tuy nhiên, một dự án khai thác trữ lượng lớn lithium ở Bồ Đào Nha đã cho thấy EU sẽ gặp khó khăn như thế nào để đạt được mục tiêu của mình.

Lạm phát tại Anh lập kỷ lục mới trong 40 năm

Xe điện BYD xuất khẩu đắt gấp 3 lần so với giá bán ở Trung Quốc, đáng chú ý có mẫu sắp bán ở Việt Nam

Siêu cường châu Âu sắp trượt khỏi 'ngôi vương' 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Cách Hà Nội chưa đầy 100km xuất hiện ‘khu vườn địa đàng’ được ví như châu Âu thu nhỏ: Mở cửa đón khách miễn phí, trở thành điểm checkin khiến nhiều bạn trẻ thích mê

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/khong-chi-sa-lay-lam-phat-nen-kinh-te-chau-au-gong-minh-chong-choi-suy-thoai-146315.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Không chỉ "sa lầy" lạm phát, nền kinh tế châu Âu gồng mình chống chọi suy thoái
POWERED BY ONECMS & INTECH