Không có tiền trả lương, doanh nghiệp sở hữu tài sản gần 1.000 tỷ đồng hiện chỉ còn 1 người
Từng là doanh nghiệp thuộc PVN, CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (PVR) giờ chỉ còn 1 nhân sự, tài sản chủ yếu “đắp chiếu” tại các dự án đình trệ. Vợ chồng Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký thoái sạch gần 30% cổ phần.
CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR) hiện tại chỉ còn đúng 1 người, dù đang nắm giữ khối tài sản 976 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024.
Tuy nhiên, lượng tiền mặt là 93 triệu đồng tiền mặt, không khá hơn nhiều so với cuối năm 2023 là 104 triệu đồng. Phần lớn tài sản đang nằm ở chi phí dở dang, với 693 tỷ đồng đầu tư vào dự án Chung cư CT10-11 Văn Phú (Hà Đông) và 25 tỷ đồng tại dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Ba Vì. Ngoài ra, PVR còn 221 tỷ đồng góp vốn vào các doanh nghiệp khác, 23 tỷ đồng phải thu khách hàng và 25 tỷ đồng tài sản khác.
PVR cho biết hiện đã tạm ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh do không còn đủ nguồn lực tài chính. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn bộ cán bộ nhân viên đã nghỉ việc vì công ty không còn kinh phí trả lương.
Trong năm 2024, các khoản đầu tư vào đơn vị khác không mang lại hiệu quả, trong khi một số dự án trọng điểm như CT10-11 tiếp tục bị đình trệ do thiếu vốn thi công. Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Ba Vì cũng đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Không phát sinh doanh thu, không có dòng tiền, công ty buộc phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh từ ngày 15/11/2023 đến hết năm 2024. Hiện nay, doanh nghiệp tiếp tục gia hạn thời gian tạm ngừng hoạt động thêm một năm, đến ngày 31/12/2025.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
PVR tiền thân là CTCP Dầu khí Tản Viên, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thành lập năm 2006 với mục tiêu phát triển dự án Hồ Suối Hai tại Hà Tây (Hà Nội). Doanh nghiệp này đã nhiều năm không phát sinh doanh thu do những vướng mắc từ giai đoạn 2012 - 2016 mà không xử lý được.
Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay, chi phí khác khiến hàng năm vẫn thua lỗ tiền tỷ dù đã cắt giảm hết nhân sự.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, PVR có nợ phải trả gần 518 tỷ đồng, bao gồm 257 tỷ đồng tiền người mua đã ứng trước cho dự án căn hộ tại Hà Đông nhưng đến nay vẫn không thể hoàn thành; 186 tỷ đồng phải trả các doanh nghiệp khác; gần 15 tỷ đồng nợ vay... Vốn chủ sở hữu gần 459 tỷ đồng sau khi gánh khoản lỗ lũy kế 89 tỷ đồng.
![]() |
Dự án tại Hà Đông của PVR "trơ gan cùng tuế nguyệt" |
Vợ chồng Chủ tịch muốn bán sạch cổ phiếu
PVR được giao dịch trên UPCoM từ năm 2017. Hiện tại, cơ cấu cổ đông gồm: bà Trần Thị Thắm (23,51% cổ phần), Công ty Quản lý quỹ PVI (8,19%), CTCP Tập đoàn Đại Dương (6%), Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội (5,55%), bà Bùi Thị Thu Thủy (5,29%), ông Bùi Văn Phú (5,11%) và Công ty TNHH MHD Golf (5,1%).
Mới đây, ông Bùi Văn Phú – Chủ tịch HĐQT đã đăng ký bán toàn bộ hơn 2,7 triệu cổ phiếu đang nắm giữ với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong một động thái tương tự, bà Trần Thị Thắm, là vợ ông Phú cũng đăng ký thoái sạch 23,51% vốn tại PVR, tương ứng khoảng 12,5 triệu cổ phiếu, cùng với lý do trên.
Nếu cả hai thương vụ đều hoàn tất, vợ chồng Chủ tịch HĐQT sẽ rút toàn bộ 29,28% vốn khỏi PVR, tương đương gần 15,2 triệu cổ phiếu. Kết phiên ngày 22/5, cổ phiếu PVR có thị giá 1.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường ở mức 52 tỷ đồng.
>> Công ty BĐS cầm trăm tỷ của khách rồi dừng hoạt động 3 năm nói gì?