Cảng biển Mỹ bắt đầu ‘ngấm đòn’ vì thuế quan, Việt Nam được kỳ vọng đón sóng dịch chuyển
Tác động từ chính sách thuế quan bắt đầu hiện rõ khi cảng biển quan trọng của Mỹ mất hàng chục chuyến tàu trong tháng 5/2025. Ước tính lưu lượng container giảm khoảng 30%, gây áp lực lớn lên hoạt động logistics và việc làm tại địa phương.
Cảng biển Mỹ ‘ngấm đòn’ vì thuế quan
Trong cuộc họp báo ngày 19/5, ông Gene Seroka – Giám đốc điều hành (CEO) cảng Los Angeles – nhấn mạnh sự bất ổn từ chính sách thuế quan dưới thời ông Trump, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Tháng 4/2025, cảng Los Angeles xử lý lượng container tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt dấu mốc là tháng kinh doanh tốt thứ ba trong lịch sử, chỉ sau các năm 2021 và 2022.
Tuy nhiên, ông Seroka cho rằng đây không phải là dấu hiệu tích cực mà là hệ quả của một “cơn hoảng loạn vận chuyển” khi các nhà nhập khẩu dồn hàng về trước khi thuế quan có hiệu lực. Vị CEO nhận xét: “Sự gia tăng này chủ yếu do các nhà nhập khẩu nhận lô hàng cuối cùng trước khi thuế quan được áp dụng”.
![]() |
Cảng Los Angeles (Ảnh: Seahorseshipping) |
Sự gián đoạn trong thương mại đang làm căng thẳng chuỗi cung ứng và đe dọa các doanh nghiệp gắn liền với cảng biển của Mỹ nói riêng, cũng như thương mại toàn cầu nói chung. Sang tuần đầu tháng 5/2025, lưu lượng container nhập khẩu tại cảng Los Angeles đã giảm 30%. Ông Seroka cho biết: “Gần 80 tàu dự kiến cập cảng trong tháng này, nhưng 17 chuyến đã bị hủy và 10 chuyến khác trong kế hoạch tháng 6/2025 cũng bị hủy”. Điều này tác động trực tiếp đến việc làm, do số lượng tàu giảm kéo theo nhu cầu nhân công dỡ hàng và vận chuyển giảm mạnh.
Được biết, cảng Los Angeles và cảng Long Beach gần đó chiếm khoảng 31% tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của Mỹ. Hoạt động tại 2 cảng này không chỉ đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn là chỉ báo quan trọng về “sức khỏe” thương mại của nền kinh tế Mỹ.
Trong đó, cảng Los Angeles phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc – đối tác chiếm gần 45% hoạt động kinh doanh tại đây. Cảng này đang chuẩn bị cho một đợt tăng đột biến trong hoạt động vận chuyển khi các nhà nhập khẩu tranh thủ thời gian hoãn thuế. Tuy nhiên, sự bất ổn từ chính sách thuế quan thiếu nhất quán và chi phí vận tải tăng cao đang đặt ra thách thức lớn cho cảng này cũng như với doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Ngành cảng biển Việt và kỳ vọng tăng tốc trước cơn bão thuế quan
Theo báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của ngành cảng biển Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn đó những yếu tố tích cực.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khá, lần lượt đạt 136,5 tỷ USD (+18,6% YoY) và 140,3 tỷ USD (+13% YoY). Hầu hết các thị trường chủ lực đều ghi nhận tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu, trong đó Hoa Kỳ tăng mạnh nhất là 25,1%, các thị trường khác bao gồm Nhật Bản (+12%) và Hàn Quốc (+9,8%) tăng tốc mạnh, trong khi Trung Quốc chỉ tăng nhẹ (+2,3%).
![]() |
Xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh nhất trong số các quốc gia |
Mirae Asset cho biết, mặc dù các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại đã có một số tín hiệu cải thiện, nhưng cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả thực chất. Ngoại trừ các cuộc đàm phán với Vương quốc Anh đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, mức thuế cơ bản 10% vẫn được duy trì, kèm theo một số hạn ngạch nhập khẩu bổ sung. Gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý cắt giảm thuế quan 115% trong vòng 90 ngày – thoạt nhìn là động thái tích cực, nhưng theo Mirae Asset, đây có thể chỉ là “khoảng nghỉ tạm thời” nếu không đạt được thỏa thuận lâu dài.
Chính sách thuế quan đã làm suy giảm niềm tin tiêu dùng vốn đã yếu tại Mỹ, khi chỉ số niềm tin tiêu dùng trong tháng 4/2025 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm – khoảng 52,2 điểm. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình tiếp tục ở mức thấp và tốc độ chi tiêu của người dân giảm cho thấy nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ đang suy yếu. Niềm tin của người tiêu dùng tại các thị trường lớn khác cũng bị ảnh hưởng sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế mới.
Mirae Asset đánh giá, chính sách thuế hiện tại của Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin kinh doanh – một yếu tố vốn không dễ phục hồi trong ngắn hạn. Rủi ro về thuế quan đang thúc đẩy làn sóng dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào 1 hoặc 2 quốc gia duy nhất.
![]() |
Niềm tin tiêu dùng của Mỹ giảm mạnh sau khi chính quyền công bố chính sách mới |
Trung Quốc – với vai trò là “công xưởng của thế giới” – có khả năng mất dần lợi thế, tạo điều kiện cho các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, trở thành điểm đến mới cho các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Việt Nam với môi trường chính trị ổn định và cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rõ rệt từ xu hướng này. Tăng trưởng các trung tâm sản xuất mới cũng sẽ kéo theo nhu cầu vận chuyển tăng, hỗ trợ tích cực cho ngành logistics và cảng biển trong nước.
Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng mức thuế cơ bản 10% sẽ khó có thể được đàm phán giảm. Việt Nam hiện có thặng dư thương mại lớn với Mỹ (hơn 123 tỷ USD trong năm 2024), điều này khó có thể trung hòa trong thời gian ngắn. Phương án khả thi nhất là tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối chỉ khoảng 79 tỷ USD (theo IMF, cập nhật đến tháng 1/2025), so với mức nhập khẩu trung bình hàng tháng trong 4 tháng đầu năm là 34 tỷ USD, dư địa chi tiêu là không nhiều.
![]() |
Tăng trưởng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và một số nước ASEAN |
Mặt khác, việc giảm thuế của Việt Nam với hàng hóa Mỹ cũng không mang lại nhiều khác biệt, do thuế suất trung bình hiện chỉ khoảng 9,4% và nhu cầu với hàng hóa Mỹ vẫn còn hạn chế. Do đó, Mirae Asset dự báo mức thuế thực tế có thể cao hơn đáng kể so với 10%, kèm theo các yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ nhằm ngăn chặn hành vi lẩn tránh thuế.
Chính vì vậy, công ty chứng khoán này khuyến nghị các doanh nghiệp tận dụng thời gian hoãn áp thuế hiện tại để chủ động điều chỉnh chiến lược, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp đàm phán thất bại. Trong ngắn hạn, điều này sẽ giúp các công ty cảng biển Việt Nam duy trì được hiệu suất hoạt động ổn định trong quý II/2025. Còn về trung và dài hạn, kết quả đàm phán sẽ là yếu tố quyết định bức tranh triển vọng của nền kinh tế và ngành logistics nói chung.
>> Petrovietnam, GVR, VIMC đẩy mạnh hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Hoa Kỳ