Thủ tướng khẳng định không để kéo dài tình trạng “có tiền mà không biết tiêu” trước Quốc hội.
Chia sẻ tại hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công được tổ chức mới đây, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 11, cả nước mới giải ngân được 461.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của năm 2023, tương đương khoảng 65%, cao hơn 6,77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước được cho là khá hơn so với cùng kỳ năm 2022 tuy nhiên vẫn còn 41 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Nếu so với mục tiêu giải ngân 95% nguồn vốn như Chính phủ đặt ra từ đầu năm thì tỷ lệ 65% tính đến cuối tháng 11 còn một khoảng cách khá xa so với kỳ vọng.
Tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” phải “vắt chân lên cổ” mà chạy trong việc giải ngân vốn đầu tư công vốn đã lặp đi lặp lại nhiều năm và đến nay vẫn chưa được cải thiện. Ngoài lý do khách quan, mang tính đặc thù của kế hoạch do quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% so với năm 2022 thì những vướng mắc được chỉ ra vẫn là từ nguyên nhân chủ quan như những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách; những khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Không để kéo dài tình trạng “có tiền mà không biết tiêu” |
Xác định vốn đầu tư công có vai trò quan trọng đối với việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ngay từ những tháng đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, thành lập các đoàn công tác về địa phương đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, nhất là trong việc xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc của từng dự án đầu tư công. Thậm chí, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Thậm chí, đến đầu tháng 9, một số bộ, ngành, địa phương còn xin trả lại nguồn vốn đầu tư công đã được phân giao khoảng 9.000 tỷ đồng cho Chính phủ.
>> Thủ tướng: Giữ giá bán, liệu doanh nghiệp bất động sản đã có trách nhiệm chung chưa?
Những tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê công bố mức giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm trước đó trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy hiệu quả trong việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn là ở tinh thần chủ động, phương pháp, kế hoạch bố trí nguồn vốn ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiến độ các dự án, tăng hiệu quả vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm giải ngân được 95% nguồn vốn đầu tư công, tương đương với số tiền hơn 215.000 tỷ đồng phải giải ngân ngay trong tháng 12 này. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, thậm chí là bất khả thi đối với các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, đòi hỏi cần phải tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm đạt mục tiêu chung do Chính phủ đề ra.
Cùng với đó là công tác chuẩn bị tiếp nhận, sử dụng vốn của các ban quản lý dự án. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội trong tháng 11 rằng, khẳng định quyết tâm “càng khó khăn, càng phải đồng lòng”, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xác định trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công; xem đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cán bộ, công chức trên tinh thần không tổ chức, cá nhân nào được phép lơ là, trì trệ, không để kéo dài tình trạng đất nước “có tiền mà không biết tiêu”.
>> Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay doanh nghiệp sân sau
Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng cho vay doanh nghiệp sân sau
NHNN báo cáo Thủ tướng việc mới giải ngân hơn 140 tỷ trong gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội