Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ

28-04-2023 07:25|Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 17 bộ, cơ quan Trung ương về tiến độ giao và giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay.

Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, là tiêu chí đánh giá năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao 17 bộ, cơ quan Trung ương gần 111.768 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết hơn 105.135 tỷ đồng, đạt 94%. Số vốn chưa phân bổ chi tiết gần 6.633 tỷ đồng.

Đến hết tháng 4/2023, theo báo cáo của các bộ, cơ quan Trung ương, tổng số vốn đã giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương khoảng 23.741 tỷ đồng, đạt 21,24% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức bình quân của cả nước (14,66%). 

Tuy nhiên, tỉ lệ này không đồng đều giữa các bộ, cơ quan Trung ương; có 2 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân trên mức bình quân của cả nước (Bộ Giao thông vận tải 24,27%; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam 19,44%). Các bộ, cơ quan Trung ương còn lại đều giải ngân thấp.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân thấp báo cáo khó khăn, vướng mắc trong từng dự án, từ khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các địa phương, đến cơ sở pháp lý, quy hoạch, cơ chế, chính sách, định mức, đơn giá, trình tự thủ tục, thẩm quyền phê duyệt…

Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của 17 bộ, cơ quan Trung ương - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Lãnh đạo các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hoá-Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội… cho biết, một số dự án phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng vượt thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành Trung ương. Các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chậm được giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân vốn ngắn.

Đặc thù của thời gian đầu năm, nhiều bộ, cơ quan Trung ương cần giải ngân hết số vốn đang làm thủ tục kéo dài giải ngân; hoàn trả khối lượng ứng trước đối với những dự án mới ký hợp đồng; dự án phải có khối lượng hoàn thành thì mới có thể nghiệm thu, thanh toán; dự án đang thực hiện thủ tục đấu thầu, chưa có khối lượng để giải ngân.

Nguyên nhân thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương là công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Năng lực trình độ, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách Nhà nước của một số cán bộ quản lý dự án chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến việc cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý và phải lấy ý kiến nhiều cơ quan, đơn vị khác.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương cần chủ động đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư; khẩn trương phối hợp với địa phương để xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng.

Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ - Ảnh 3.

Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân nếu vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch trong triển khai dự án của nhà trường - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đối với vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt, các bộ, cơ quan Trung ương đẩy mạnh giải ngân tối đa như đã cam kết trong quá trình xây dựng danh mục sử dụng nguồn vốn này. Đối với các cơ quan có tỉ lệ giải ngân quá thấp, cần khẩn trương đề xuất phương án xử lý (điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch vốn).

Sau khi cho ý kiến cho các dự án cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với nhau, làm việc sát với các địa phương để tháo gỡ từng dự án; chỉ rõ vướng mắc, đề xuất hướng ban hành những văn bản pháp lý theo cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tập trung rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công từ khâu chuẩn bị, quyết định đầu tư, nhất là cho những dự án lớn, quan trọng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm còn rất nặng nề. Chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, là tiêu chí đánh giá năng lực, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong chuẩn bị, thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án.

Bộ trưởng, thủ trưởng, tập thể lãnh đạo các đơn vị phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm từ khâu đề xuất, thẩm định, tổ chức thực hiện dự án đến phối hợp giải quyết vướng mắc phát sinh, "không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ".

Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát, tăng cường năng lực, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án lớn, quan trọng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án.

Bộ Xây dựng có giải pháp huy động nhân lực, cải tiến phương thức làm việc, đề xuất phương án phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương để rút thời gian thẩm định dự án, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về hướng xử lý vướng mắc liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (điều hòa linh hoạt, kéo dài thời gian giải ngân); tiêu chí, định mức, đơn giá, trình tự thủ tục… cho các dự án chuyển đổi số, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phương án điều chuyển vốn từ năm 2022 của các dự án đang triển khai, có nhu cầu vốn; xác định tài sản thế chấp trong các dự án sử dụng vốn ODA…

Hà Nội thống nhất chủ trương xây 3 cầu 'khủng' vượt sông Hồng

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt 'thừa sức' làm chủ công nghệ

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/khong-de-tinh-trang-phan-bo-von-dau-tu-cong-nhung-khong-giai-ngan-duoc-hoac-khong-bao-dam-tien-do-102230427144000856.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Không để tình trạng phân bổ vốn đầu tư công, nhưng không giải ngân được hoặc không bảo đảm tiến độ
    POWERED BY ONECMS & INTECH