TS. Võ Trí Thành: Hà Nội cần hệ sinh thái đô thị kích hoạt kinh tế đêm, chứ không thể trông đợi ở vài tuyến phố như Tạ Hiện
TS. Võ Trí Thành cho rằng, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc đang nổi lên với tiềm năng phát triển kinh tế đêm, trong khi Hà Nội chỉ dựa vào những tuyến phố nhỏ như Tạ Hiện là không đủ, bởi hạ tầng hạn chế và rào cản quản lý đang kìm hãm khả năng bứt phá.
Sự sáp nhập địa giới hành chính, đô thị hóa nhanh và sự trỗi dậy của thế hệ cư dân mới đang đặt ra yêu cầu tái cấu trúc không gian sống, đồng thời mở ra dư địa phát triển các mô hình bất động sản đa chức năng như condotel, officetel… để phù hợp với nhịp sống ngày càng linh hoạt của đô thị hiện đại.
Tại Hội thảo “Livehouse – Mô hình bất động sản thế hệ mới: Giải pháp giảm áp lực giá bất động sản trong đô thị”, sáng 3/7, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng điều cốt lõi không nằm ở từng tiện ích rời rạc mà là ở sự tích hợp 5 trong 1 giữa lưu trú, làm việc, giải trí, nghỉ dưỡng và tiêu dùng, tạo thành các tổ hợp “sống – làm – chơi – nghỉ – mua sắm” đa năng, đặc biệt phù hợp để khai thác dòng chảy kinh tế đô thị 24h, cả ngày lẫn đêm.
“Đây là mô hình có thể giúp Việt Nam không chỉ đi kịp xu hướng quốc tế, mà còn chủ động định hình không gian phát triển đô thị mới hậu sáp nhập”, ông Thành nhấn mạnh.
![]() |
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ảnh: reatimes. |
>>>TS Võ Trí Thành: Người thu nhập chỉ 1 triệu vẫn nên đóng thuế 1.000 đồng mỗi tháng
Theo ông, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và việc sáp nhập địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành đang làm thay đổi cấu trúc cư trú, dịch chuyển lao động và tạo nhu cầu sống mới. Đặc biệt, làn sóng gen Z – thế hệ cư dân trẻ, linh hoạt, đề cao trải nghiệm và tiện ích đa năng, đang là động lực chính thúc đẩy xu hướng này.
Các tổ hợp bất động sản tích hợp cả lưu trú – làm việc – giải trí – tiêu dùng – nghỉ dưỡng không chỉ giải quyết bài toán không gian sống, mà còn tạo nền tảng hạ tầng mềm để kích hoạt các dòng kinh tế mới, điển hình như kinh tế ban đêm, vốn đang được nhiều địa phương theo đuổi.
Dẫn lại kinh nghiệm từ nhóm chuyên gia xây dựng đề án kinh tế ban đêm do CIEM chủ trì, TS. Võ Trí Thành thẳng thắn: “Từ chủ trương đến thực tiễn còn một khoảng cách rất xa. Kinh tế đêm không phát triển không phải vì chúng ta không ủng hộ, mà là chưa có nền tảng bài bản”.
Theo ông, một trong những rào cản lớn nhất là tư duy và thể chế phát triển đô thị vẫn mang tính ban ngày, thiếu cơ chế riêng cho mô hình dịch vụ 24/7. Tại một số địa phương như Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc, mô hình kinh tế đêm đang dần hình thành nhờ có không gian, quy hoạch mở và quỹ đất phù hợp. Nhưng Hà Nội thì ngược lại.
“Chúng ta hay nhắc đến Tạ Hiện, nhưng đó chỉ là một khu phố nhỏ vài trăm mét, hạ tầng hạn chế và chịu nhiều ràng buộc từ quản lý đô thị. Không thể trông đợi phát triển kinh tế đêm toàn thành phố chỉ từ vài tụ điểm như vậy”, ông Thành phân tích.
Theo ông, nếu muốn triển khai thực chất, Hà Nội cần tư duy lại cấu trúc không gian đô thị, tạo ra các tổ hợp có hệ sinh thái dịch vụ tích hợp, linh hoạt, có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Một câu hỏi đặt ra là: Liệu mô hình bất động sản thế hệ mới với thời hạn sở hữu có giới hạn, có thực sự giúp kéo giảm giá nhà ở và tăng khả năng tiếp cận cho người dân?
TS. Võ Trí Thành cho rằng, về lý thuyết, việc rút ngắn thời gian sở hữu có thể giúp giá bán thấp hơn, qua đó mở rộng cơ hội tiếp cận bất động sản cho người dân, đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, để mô hình này thành công, cần hội đủ 3 điều kiện: Có nhu cầu thực; quy mô thị trường đủ lớn; hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ.
“Không có dòng người ổn định đến ở, đến làm, đến tiêu dùng, thì mô hình này chỉ nằm trên giấy”, ông cảnh báo.
Theo TS. Võ Trí Thành, với bất kỳ mô hình mới nào – dù là livehouse, đô thị tích hợp, hay bất động sản thời hạn hữu hạn, thì nguyên tắc quan trọng là phải được chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Cần có đề án, nghiên cứu tác động, rà soát vướng mắc pháp lý và đề xuất cơ chế hỗ trợ phù hợp. Không thể chạy theo trào lưu, càng không thể triển khai phong trào”, ông nói.
Cách tiếp cận khôn ngoan, theo ông, là thí điểm tại những địa phương đã có sẵn nền tảng hạ tầng, quỹ đất và hệ sinh thái dịch vụ. Ví dụ như một số khu kinh tế ven biển, khu đô thị mới tại TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương hoặc các vùng lõi ven đô Hà Nội có quy hoạch mở.
“Nếu thí điểm thành công thì nhân rộng. Nếu chưa phù hợp thì hoàn toàn có thể chuyển đổi công năng sang thương mại – dịch vụ mà không lãng phí nguồn lực đầu tư”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.
>>>TS Võ Trí Thành: 'Mục tiêu tăng trưởng GDP 2025 từ 6,5%-7% là phù hợp'