Để phòng ngừa cháy nổ và giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, nhiều chuyên gia đề nghị không nên hợp thức hóa chung cư mini trong các quy định của pháp luật.
Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) nhiều bạn đọc băn khoăn về việc pháp luật hiện hành quy định thế nào về khái niệm chung cư mini? Loại hình này có đi kèm các tiêu chí cụ thể về diện tích tối thiểu mỗi căn hộ, số lối thoát hiểm, trang thiết bị PCCC không?
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, hiện nay có nhiều loại hình nhà ở, trong đó có loại hình nhà ở là nhà chung cư và nhà ở riêng lẻ. Việc xây dựng cũng như quản lý các dạng nhà ở kiểu này được thực hiện theo một số văn bản pháp luật, trong đó có thể kể đến như Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản…
Hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về chung cư mini, tức là khung pháp lý về chung cư mini chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, về mặt thực tiễn, bên điện lực vừa có thống kê tại TP Hà Nội có khoảng 2.000 tòa chung cư mini. Có thể thấy, luật chưa quy định cụ thể nhưng loại hình chung cư mini đã tồn tại, với quy mô, diện tích phòng nhỏ hơn các tòa chung cư.
Từ thực tiễn này, từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ đối với nhà ở là chung cư mini. Như vậy, khái niệm chung cư mini đã được nhắc đến ở văn bản dưới luật.
Tại văn bản này cũng quy định, những dạng nhà riêng lẻ xây dựng nhiều tầng, mà có thiết kế mỗi phòng riêng biệt, khép kín, diện tích tối thiểu là 30m2, đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn của nhà chung cư, trong đó có điều kiện tiêu chuẩn về an toàn PCCC, thì có thể được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ.
“Đây là một khái niệm tương đối là mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư xây dựng các tòa nhà có tính chất như các tòa chung cư nhưng quy mô nhỏ hơn về số tầng, diện tích phòng”, ông Cường chia sẻ.
Thực tế các tòa chung cư mini hiện nay chủ yếu là cho thuê ở trọ, hoặc mua bán dạng viết tay hoặc lập vi bằng chứ chưa có pháp lý thực sự rõ ràng, kể cả với quyền lợi mua, ở của người dân tại các tòa chung cư mini này.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có khái niệm chung cư mini. Nếu có khái niệm chung cư mini thì phải có định nghĩa, khái niệm và cách quản lý phù hợp. Bởi nhà ở nào cũng phải đảm bảo cuộc sống, an ninh, an toàn cho con người.
Tại Hà Nội, chung cư mini thường nằm trong khu xen kẹt. Rất ít chung cư mini mà xe cứu hỏa có thể vào tận nơi. Do đó, nếu các chung cư mini xảy ra cháy nổ sẽ rất khó cứu nạn.
Tuy nhiên, gần các khu công nghiệp tại TPHCM, người dân ở các ngõ phố rộng sẽ xây 5 tầng, họ chỉ ở 1 tầng và cho thuê 4 tầng. Cũng là chung cư mini nhưng họ có chia lô, chia thửa nên đi lại dễ dàng và dễ xử lý khi có sự cố.
Trước đó, phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) về vấn đề này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở.
Còn Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc TP Hà Nội tồn tại hơn 2.000 chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012.
“Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Muốn xây chung cư mini ở TP. HCM, đường vào phải rộng tối thiểu 3,5m
Chung cư mini ở TPHCM phải có đường giao thông tối thiểu 3,5 m