Không nên quy định cho người lao động rút hết bảo hiểm xã hội một lần
Để đảm bảo chính sách an sinh, chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% bảo hiểm xã hội (BHXH), phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã ký tờ trình gửi Quốc hội dự án luật BHXH sửa đổi. Một trong những vấn đề được người lao động quan tâm là phương án rút BHXH một lần được Chính phủ trình theo 2 phương án.
Phương án 1, giải quyết rút BHXH một lần với nhóm lao động tham gia trước khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có nhu cầu thì được rút BHXH một lần. Với nhóm người tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.
Phương án 2, người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nghỉ việc), không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có yêu cầu nhận BHXH một lần thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH về sau.
Theo đánh giá của cơ quan soạn thảo, phương án 1 có thể nhận được sự đồng thuận của lao động vì 17,5 triệu người tham gia hệ thống trước tháng 7/2025 vẫn có thể rút một lần, nhưng nhược điểm là chậm mở rộng diện bao phủ và dễ làm dấy lên sự so sánh giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.
Đối với phương án 2, ưu điểm là có thể đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động và giữ họ ở lại hệ thống an sinh để hưởng lương hưu.
Điểm mới của dự thảo là thời gian dự kiến luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 thay vì từ ngày 1/1/2025 như trước đây.
Trước đó, cho ý kiến vào dự thảo luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo dự luật đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng và bao quát trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định về hưởng BHXH 1 lần.
Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện về bối cảnh thực tiễn, đời sống và tâm lý người lao động để đề xuất phương án đảm bảo tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động, hài hòa với nguyên tắc đóng, hưởng, có chia sẻ của BHXH…
Không nên cho rút hết BHXH một lần
Trao đổi với PV VietNamNet, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút một lần. Thế nhưng hiện nay người lao động đang rất khó khăn, do vậy chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% BHXH, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Theo bà Hương, Luật BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động. Theo đó, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.
“Công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Do vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu.
Ngược lại, nếu rút 50% đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng, khi tái tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp”, bà Hương nói.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay, tại nhiều nước đã có quy định hạn chế rút BHXH một lần. Người lao động có thể do nhu cầu trước mắt cần rút một cục, nhưng đến khi hết tuổi lao động sẽ khó có nguồn để sinh sống.
Do vậy, thay vì cho rút "một cục" như hiện nay, Luật BHXH nên tiếp tục giữ quy định về BHXH một lần như Điều 60 Luật BHXH năm 2014, không được rút BHXH một lần khi còn tuổi lao động, trừ trường hợp đi nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách tín dụng để hỗ trợ cho lao động vay với lãi suất ưu đãi khi gặp khó khăn, ổn định tìm việc làm mới. Từ đó, người lao động sẽ có thêm cơ hội tìm việc làm mới để tiếp tục đóng BHXH cho đến khi hết tuổi lao động, hướng tới hưởng lương hưu.
Người đi xuất khẩu lao động được tính lương hưu thế nào?
Từ 1/7/2025, người trên 70 tuổi không có lương hưu sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội