Đây được xem là bệ phóng giúp vua cà phê Việt có thêm nhiều động lực trong hành trình khởi nghiệp của mình.
Từ bỏ giấc mơ bác sĩ
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/2/1971, là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là "Vua cà phê Việt Nam". Nếu chỉ nhìn vào những thành quả hiện tại, ít ai ngờ rằng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng phải trải qua một quá khứ cơ cực, phải bươn chải vượt qua rất nhiều khó khăn để đi đến ngày hôm nay.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chứng kiến cảnh người mẹ tảo tần làm đủ mọi việc để nuôi cả gia đình. Vì vậy, ông cũng đi làm thuê từ rất sớm để giúp mẹ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như bẻ ngô, chăn lợn hay đóng gạch.
Năm 1992, ông nhập học Khoa Y, Trường Đại học Tây Nguyên với ước mơ trở thành một bác sĩ. Vì nghèo, ông vừa phải đi học vừa đi làm thêm để trang trải. Đến năm thứ 3 đại học, ông bỗng nhận ra mình không thực sự phù hợp và yêu thích ngành này. Ông Vũ luôn trăn trở về cuộc sống và công việc của người thầy thuốc. Bởi, muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y đã vi phạm lời thề Hippocrate.
Sau đó, ông Vũ bỏ học và vào TP HCM để tìm kiếm con đường làm giàu với số tiền trong túi là 100.000 đồng. Tuy nhiên người chú ở TP HCM đã bắt ông quay lại Đắk Lắk với câu nói: Học cho xong đi đã. Đặng Lê Nguyên Vũ đồng ý trở lại trường vài ngày sau đó nhưng vẫn luôn nung nấu ý tưởng kinh doanh.
Khi trình bày suy nghĩ với bạn bè, ai cũng gọi ông là kẻ "điên hạng nặng". Ở trường đại học chỉ vài ba người là chịu nói chuyện với ông. Tuy nhiên, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tìm được ba người cộng sự học cùng lớp và cùng với họ bắt tay xây dựng đế chế cà phê Trung Nguyên lẫy lừng như bây giờ.
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là "Vua Cà phê Việt" một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller. Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes nhắc lại danh hiệu này với lời ca ngợi "zero to hero" (nhân vật từ vô danh thành anh hùng).
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn mở lòng với người trẻ, đặc biệt là sinh viên, khuyến khích họ khởi nghiệp, sáng tạo, thay đổi bản thân, thay đổi hoàn cảnh gia đình, cống hiến cho đất nước. Chủ tịch cà phê Trung Nguyên nói, chỉ cần có ước mơ là gần như thành công rồi, nửa còn lại là ý chí. Vốn lớn nhất là lòng tin của người khác.
Bệ phóng đặc biệt
Tuy không thể nên duyên trọn vẹn với ngành y nhưng Đại học Tây Nguyên chính là bệ phóng đặc biệt để vua cà phê gặp được những người cộng sự tuyệt vời và đánh thức được khát khao khởi nghiệp. Và đến nay, Trường Đại học Tây Nguyên vẫn là ước mơ của nhiều thế hệ muốn chinh phục.
Thành lập vào năm 1977, tính đến nay, Đại học Tây Nguyên đã đi vào hoạt động và phát triển được 47 năm. Từ ngôi trường chỉ với 6 khoa, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế và nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, nay Trường ĐH Tây Nguyên đã trở thành một trường đại học lớn, có sức ảnh hưởng trong cả nước đào tạo đa ngành, đa cấp. Trong quá trình hình thành và phát triển, trường đã đào tạo hàng vạn tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên…
Hiện nay Trường ĐH Tây Nguyên đào tạo 35 ngành đại học với 8.620 sinh viên; 12 ngành cao học và bác sĩ chuyên khoa I với 293 học viên; 5 ngành tiến sĩ với 18 nghiên cứu sinh. Ngoài ra, còn có 719 học sinh phổ thông và 221 trẻ mầm non đang học tập tại các đơn vị trực thuộc của trường. Trường có 670 người lao động, trong đó có 427 giảng viên. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng thực hiện nhiều dự án hợp tác quốc tế, đang hợp tác với các Trường ĐH tại Nhật Bản, Đài Loan, Lào, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc.
Năm 2023, Trường Đại học Tây Nguyên công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 với điểm tốt nghiệp dao động từ 15,00 đến 25,55 điểm. Cụ thể, xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Sư phạm tiếng anh là ngành có điểm chuẩn cao nhất với 25,55 điểm, cao hơn 3,2 điểm so với năm 2022. Tiếp đến là Sư phạm Toán với 24,75 điểm và Giáo dục Tiểu học 24,7 điểm. Ngành Y Khoa mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng theo học xếp thứ 4 với 24,6 điểm, trong khi vào năm 2022, đây là ngành có điểm sàn cao nhất tại ngôi trường này (24,8). Điểm chuẩn thấp nhất của Trường Đại học Tây Nguyên là 15 điểm.
Theo thông tin trên trang website chính thức của Đại học Đại học Tây Nguyên, mức học phí chính thức đối với bậc đào tạo Đại học chính quy tại Trường Đại học Tây Nguyên có khoảng từ 330.000 đồng/tín chỉ đến 430.000 đồng/tín chỉ với các khoa: Khoa Kinh tế, Khoa Chăn nuôi thú, Khoa Nông lâm nghiệp, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Lý luận chính trị, Khoa Sư phạm, Khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ.
Riêng Khoa Y Dược, học phí từ 510.000 đồng - 680.000 đồng/tín chỉ. Đây cũng là khoa học học phí cao nhất tại ngôi trường này với 24.500.000 đồng/năm. Ngoài ra, trường cũng có các chính sách hỗ trợ cho sinh viên như học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp học tập, giúp sinh viên có điều kiện tốt hơn để tiếp cận giáo dục.
Hiện nay, tổng diện tích đất của Trường Đại học Tây Nguyên khoảng 30ha ha với với nhiều dãy nhà làm giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu, ký túc xá, thư viện, bệnh viện đa khoa Tây Nguyên… Là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mang tầm quốc gia trong nhiều lĩnh vực, Trường Đại học Tây Nguyên luôn chú trọng đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất hiện đại.
Bên cạnh đó, trường cũng có những chương trình hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục ở nước ngoài, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia trao đổi, học tập và làm việc trong môi trường quốc tế.