Trường ĐH thu gần 3.000 tỷ/năm có sếp Hoàng Nam Tiến làm lãnh đạo: Công bố điểm chuẩn sớm nhất, sinh viên tốt nghiệp thu nhập lên tới 1.000 USD
Ngay sau khi thí sinh cả nước biết điểm thi, trường này đã công bố điểm chuẩn xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT vào sáng 16/7, nhiều trường đại học đã bắt đầu cập nhật thông tin tuyển sinh cho năm học mới. Trong số đó, Đại học FPT là trường đầu tiên công bố điểm chuẩn hệ đại học chính quy năm 2025.
Theo thông báo từ nhà trường, mức điểm chuẩn năm nay được ấn định là 18,5 điểm cho tất cả các ngành học, áp dụng linh hoạt theo các tổ hợp môn do trường quy định.
Đặc biệt, với nhóm thí sinh thuộc diện “thế hệ 1” – những em là người đầu tiên trong gia đình (bao gồm cha mẹ hoặc người giám hộ và anh chị em ruột) theo học đại học, mức điểm chuẩn được áp dụng là 17 điểm. Chính sách này được áp dụng đồng nhất tại tất cả các cơ sở của Đại học FPT trên cả ba miền Bắc – Trung – Nam.

Ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học FPT còn triển khai đa dạng các phương án tuyển sinh khác như xét học bạ THPT, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, với phương thức xét học bạ, thí sinh cần nằm trong Top 50 School Rank (hoặc Top 55 với thí sinh thế hệ 1) và đạt tổng điểm ba môn Toán + hai môn tự chọn trong học kỳ 2 lớp 12 từ 21 điểm trở lên. Trong khi đó, thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực cần đạt tối thiểu 78 điểm (ĐHQG Hà Nội) hoặc 653 điểm (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh) để đủ điều kiện xét tuyển.
Chú trọng đào tạo toàn diện và thực tiễn
Thành lập ngày 8/9/2006, Đại học FPT là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam do một doanh nghiệp – Tập đoàn FPT đầu tư 100% vốn. Sự ra đời của ngôi trường này được đánh giá là bước đi tiên phong trong quá trình đổi mới và thúc đẩy tự chủ đại học tại Việt Nam.

Tính đến nay, Đại học FPT đã có 5 phân hiệu tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Nhà trường áp dụng mô hình đào tạo gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, kết hợp chương trình học chuẩn quốc tế và các kỹ năng mềm cần thiết. Sinh viên được yêu cầu thành thạo hai ngoại ngữ, bên cạnh việc trang bị nền tảng chuyên môn vững chắc.
Đáng chú ý, năm 2023, theo báo cáo "Ba công khai", Đại học FPT dẫn đầu cả nước về doanh thu trong khối đại học với gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021.
Đại học FPT đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, gồm các phòng vẽ, studio, phòng máy tính, khu vực mô phỏng nhà hàng – khách sạn, thư viện và nhiều phòng chức năng chuyên biệt khác. Ngoài ra, khu thể thao, khu vực nghỉ ngơi và canteen cũng được đầu tư đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện và thư giãn của sinh viên.

Trường còn khuyến khích sinh viên phát triển năng khiếu và kỹ năng mềm thông qua việc học võ Vovinam, chơi nhạc cụ dân tộc và tham gia hơn 40 câu lạc bộ với nhiều lĩnh vực như truyền thông, thiết kế, sự kiện, khởi nghiệp...
Các hoạt động thể thao và giải trí cũng thường xuyên được tổ chức, trong đó có các đêm nhạc với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Đức Phúc...
Mở rộng cơ hội học tập và làm việc toàn cầu

Với định hướng đào tạo gắn liền thực tiễn và hội nhập quốc tế, Đại học FPT đẩy mạnh chiến lược "Go Global", mang đến cho sinh viên nhiều cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài thông qua các chương trình như Học kỳ nước ngoài (Semester Abroad) và Học kỳ trao đổi (Semester Exchange)... Sinh viên được trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế, mở rộng kiến thức và kỹ năng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Hiện tại, nhà trường đã thiết lập mạng lưới hợp tác với khoảng 180 trường đại học thuộc 33 quốc gia, trong đó có những điểm đến phổ biến như Mỹ, Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Đài Loan, Bồ Đào Nha, Thái Lan và Singapore. Sinh viên được yêu cầu thành thạo tiếng Anh và thêm một ngoại ngữ khác như tiếng Nhật hoặc tiếng Trung để đủ điều kiện tham gia các chương trình quốc tế này.

Ngay từ năm thứ ba, sinh viên Đại học FPT có cơ hội tham gia kỳ học thực tập On-the-Job Training (OJT) tại các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước. Đây là một phần trong chương trình đào tạo chính thức, nhằm giúp sinh viên tiếp cận thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm việc, cũng như hiểu rõ hơn về môi trường công sở chuyên nghiệp.
Song song đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các ngày hội việc làm, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp lớn, đối tác chiến lược của Đại học FPT trong nhiều lĩnh vực. Các sự kiện này không chỉ là dịp để sinh viên gặp gỡ, kết nối với nhà tuyển dụng mà còn là cơ hội để tìm kiếm các suất thực tập, việc làm toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên ra trường 96% có việc làm
Với phương châm đào tạo hướng tới năng lực thực hành và sự thích nghi nhanh với thị trường lao động, Đại học FPT đã đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2015, tổ chức đánh giá và xếp hạng giáo dục uy tín QS (Quacquarelli Symonds) đã công nhận trường đạt 5 sao – mức đánh giá cao nhất cho hai tiêu chí: chất lượng đào tạo và việc làm sau tốt nghiệp.
Với chất lượng đào tạo được quốc tế công nhận, ông Hoàng Nam Tiến (Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT) từng chia sẻ trên chuyên trang nội bộ của Tập đoàn FPT rằng một kỹ sư mới ra trường từ Đại học FPT (với 1-2 năm kinh nghiệm) có thể đạt thu nhập từ 300 USD đến 1.000 USD mỗi tháng. Mức thu nhập này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kết quả học tập, ngoại ngữ, ngôn ngữ lập trình, kinh nghiệm học tập…

Theo thống kê của Đại học FPT, 96% sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, với mức lương khởi điểm trung bình đạt khoảng 8,3 triệu đồng mỗi tháng. Đáng chú ý, khoảng 19% cựu sinh viên Đại học FPT hiện đang làm việc tại các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada, Philippines…
Ngoài ra, 100% sinh viên Đại học FPT đều có cơ hội làm việc tại Tập đoàn FPT. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên lựa chọn phát triển sự nghiệp tại các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, Samsung, LG, Intel, Microsoft, IBM, Google…