Không phải thép, dầu khí, bán lẻ, một nhóm cổ phiếu được dự báo tăng 25-40% trong năm 2025
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, VN-Index được kỳ vọng tăng trưởng mạnh với biên độ trung hạn từ 240 – 260 điểm, hướng tới các ngưỡng quan trọng 1.345 – 1.435 điểm. Ngắn hạn, thị trường dự kiến tăng theo pha tuyến tính, mỗi nhịp dao động khoảng 80 – 120 điểm.
2025 và kỳ vọng VN-Index vượt 1.400 điểm
Theo báo cáo chiến lược "Bứt phá bước vào kỷ nguyên mới" vừa được phát hành bởi Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), năm 2025 dự báo sẽ mang đến nhiều triển vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ những yếu tố hỗ trợ tích cực từ kinh tế vĩ mô. Lãi suất toàn cầu dự kiến giảm, lãi suất nội địa duy trì ở mức thấp, cùng với sự phục hồi của xuất nhập khẩu, đầu tư công giải ngân mạnh và dòng vốn FDI tiếp tục đổ về. Những cải cách thể chế cũng được kỳ vọng tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế.
Hình minh họa |
ABS dự báo lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng 17,8%, nhờ tăng trưởng doanh thu và cải thiện biên lãi gộp. Điều này giúp định giá thị trường VN-Index được nâng lên. Dù hệ số P/B của VN-Index cao hơn trung bình khu vực Đông Nam Á nhưng hệ số P/E lại thấp hơn, phản ánh hiệu suất sử dụng vốn (ROE) vượt trội và triển vọng tăng trưởng tích cực của thị trường.
Theo đó, nhóm phân tích của ABS đưa ra hai kịch bản chính cho VN-Index trong năm 2025, trong đó:
Kịch bản tích cực (ưu tiên):Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, VN-Index được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ, với biên độ tăng trung hạn từ 240 – 260 điểm. Các ngưỡng giá quan trọng lần lượt được xác định ở 1.345 – 1.358 điểm, tiến tới vùng cao hơn ở 1.408 – 1.435 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường có thể tăng theo pha tuyến tính, mỗi nhịp tăng khoảng 80 – 120 điểm.
Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên cần đạt trên 25.000 tỷ đồng và chỉ số VN-Index phải vượt mốc 1.310 điểm để xác nhận bước vào pha tăng trung hạn. Mốc hỗ trợ quan trọng được đặt ở 1.198 điểm, phân định giữa kịch bản tích cực và rủi ro.
Kịch bản tiêu cực:Nếu các sự kiện lớn bất ngờ trên thế giới gây ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam hoặc các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản chưa thoát khó khăn, thị trường có thể đối mặt với pha điều chỉnh. Đồng USD duy trì sức mạnh dài hạn và bất ổn địa chính trị cũng là yếu tố tác động tiêu cực.
VN-Index có nguy cơ phá đáy 1.198 điểm. Nếu tiếp tục giảm xuống 1.030 điểm (đáy tháng 11/2023), thị trường sẽ bước vào pha điều chỉnh dài hạn. Khi đó, nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng cổ phiếu và chuyển sang giao dịch ngắn hạn theo xu hướng nghịch pha.
>> Chứng khoán cuối năm: Cá mập 'đi chợ' lắt nhắt, dòng tiền phân hóa
Chiến lược giao dịch năm 2025
Với kịch bản tích cực là chủ đạo, Chứng khoán An Bình đề xuất nhà đầu tư cá nhân áp dụng chiến lược "giao dịch năng động", tập trung vào các cổ phiếu mạnh có xu hướng đồng pha tăng, trong đó:
- Với xu hướng ngắn hạn, nhà đầu tư có thể giao dịch từng nhịp tăng, tận dụng các pha điều chỉnh giảm khoảng 40 điểm, hoặc rung lắc về các ngưỡng hỗ trợ MA10/MA20 tuần.
- Tích lũy trung hạn: Giải ngân tại các vùng hỗ trợ trung hạn của VN-Index như 1.130 và 1.080 điểm, trong các đợt điều chỉnh. Khi thị trường tăng đến ngưỡng kháng cự mạnh như 1.255, 1.320 – 1.340 điểm, nên hạ tỷ trọng.
- Giữ cổ phiếu mạnh: Ưu tiên những mã có biên độ lợi nhuận cao, nền tảng cơ bản tốt và khả năng hồi phục mạnh mẽ trong các pha tăng.
Rủi ro và cơ hội phía trước
Dù dự báo tích cực, ABS vẫn lưu ý các rủi ro như áp lực dòng tiền từ các thị trường tài sản khác (bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, vàng), lãi suất tiết kiệm tăng hay biến động tỷ giá. Những yếu tố này có thể làm giảm sức hút của thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, cơ hội lớn vẫn hiện hữu khi kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư công giải ngân mạnh và các cải cách thể chế được triển khai. Thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng tiếp tục thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và khả năng cải thiện thanh khoản.
Theo chuyên gia Chứng khoán An Bình, các dòng cổ phiếu có thể quan tâm nhờ những câu chuyện riêng trong năm 2025 gồm:
- Chính sách tiền tệ và tài khóa hỗ trợ tăng trưởng: Ngân hàng (BID, CTG, STB, ACB); bất động sản dân cư (KDH, NLG, PDR); xây dựng hạ tầng (VCG, LCG); thép (HPG); điện (REE, POW, PC1); bán lẻ (MWG, FRT, PNJ)…
- Việt Nam hưởng lợi từ xu hướng hợp tác giữa các nhóm nước thân thiện (friend-shoring): Bất động sản khu công nghiệp (IDC, KBC, BCM); xây dựng công nghiệp (CTD); cảng và vận tải biển (GMD, VSC, PVT, HAH, GSP); dệt may (MSH, TNG); thủy sản (VHC); gỗ (PTB); công nghệ (FPT, CMG); hóa chất (DGC); dầu khí trung nguồn (GAS).
- Cải cách thể chế và luật pháp hỗ trợ nền kinh tế: Thực phẩm/chăn nuôi (MSN); dược và y tế (DBD); phân bón (DCM); dầu khí hạ nguồn (PLX).
- Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng: Chứng khoán (VCI, HCM, MBS, SSI). Đáng nói, đây cũng là nhóm được kỳ vọng tăng ấn tượng nhất, từ 25-40%.
>> Khối ngoại bán ròng gần 6,7 tỷ USD trên TTCK Việt Nam trong 5 năm
Chuyên gia: Nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào năm 2025
VN-Index chiếm cao điểm 1.250, một cổ phiếu chứng khoán tăng 8 phiên liên tiếp