Không phải Trung Quốc: ‘Át chủ bài’ đất hiếm toàn cầu lại nằm giữa sa mạc của quốc gia này
Dù Trung Quốc chiếm thị phần lớn về các khoáng sản này, họ vẫn không thể bỏ qua Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối lo ngại toàn cầu về sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng 17 nguyên tố đất hiếm ngày càng trở nên gay gắt. Những khoáng sản nằm dưới cùng bảng tuần hoàn này nhanh chóng bị Bắc Kinh đưa vào danh sách hạn chế xuất khẩu ngay khi chính quyền Trump khởi động cuộc chiến thuế quan đầu tiên.
Và cho đến nay, việc Trung Quốc từ chối gỡ bỏ các rào cản đó vẫn là vấn đề then chốt trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu, và nam châm chế tạo từ đất hiếm có vai trò tối quan trọng trong hàng loạt công nghệ quốc phòng và dân sự: từ tua-bin gió, xe điện cho tới động cơ phản lực và hệ thống dẫn đường tên lửa.
Tuy nhiên, điểm yếu chí tử lại nằm ở chỗ khác – nơi Trung Quốc không nắm quyền kiểm soát: Boron.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nắm “chìa khóa” nam châm đất hiếm
Nam châm đất hiếm không thể đạt được độ mạnh đặc biệt nếu thiếu một thành phần then chốt: Boron – nguyên tố mà Trung Quốc đang rất thiếu hụt. Boron, cùng với sắt và neodymium (một nguyên tố đất hiếm), tạo thành hợp kim nền cho loại nam châm công suất cao này.

Vấn đề là: Boron cực kỳ hiếm. Khoảng 30% nguồn cung toàn cầu đến từ thị trấn Boron – một “ốc đảo công nghiệp” giữa sa mạc Mojave, California, cách Los Angeles 120km.
Đáng chú ý, nơi này nằm ngay cạnh Trung tâm thử nghiệm của Không quân Mỹ tại căn cứ Edwards – nơi thường xuyên tiếp nhận các máy bay tối tân nhất, vốn là những thiết bị dễ tổn thương nhất nếu xảy ra gián đoạn nguồn cung đất hiếm.
Phần lớn còn lại – khoảng 50% – đến từ cụm mỏ tại phía nam Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả đều thuộc sở hữu của chính phủ nước này. Nói cách khác, nếu thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc để lấy đất hiếm, thì chính Trung Quốc cũng đang phụ thuộc ngược lại vào Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để có được boron – chất “gắn kết” tất cả.
Sự phụ thuộc này càng trở nên mong manh khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Ankara vốn chẳng mấy êm đẹp, đặc biệt do sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận Thổ Nhĩ Kỳ trước cách Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ – một dân tộc nói tiếng Turkic ở Tân Cương.
Không chỉ boron: Trung Quốc cũng "khát" nhiều khoáng sản khác
Boron không phải ngoại lệ. Nếu xem xét danh sách các nguyên tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ thấy Trung Quốc đang phải nhập khẩu nhiều loại khoáng sản thiết yếu.
Ví dụ, heli – khí đóng vai trò then chốt trong sản xuất chất bán dẫn và siêu dẫn (dùng trong máy chụp MRI), cũng như bơm cho các khí cầu giám sát như chiếc từng gây ra khủng hoảng ngoại giao Mỹ - Trung vào năm 2023. Phần lớn heli hiện nay được khai thác từ các mỏ khí đốt tự nhiên tại Mỹ và Qatar – riêng Mỹ chiếm tới 45% sản lượng.

Iốt – một nguyên tố cực kỳ quan trọng trong việc sản xuất bộ lọc ánh sáng phân cực (thiết yếu cho màn hình LCD), phim X-quang và các ứng dụng y tế – gần như chỉ được sản xuất tại ba quốc gia: Chile, Nhật Bản và Mỹ. Ngoài ra, iốt còn là thành phần chủ chốt trong thuốc chống nhiễm xạ, được dùng trong các tình huống hạt nhân.
Zirconi – cần thiết để sản xuất thanh nhiên liệu hạt nhân – chủ yếu được khai thác tại Úc, Mỹ và Nam Phi. Beryli – nguyên tố sử dụng trong hợp kim chế tạo tên lửa và máy bay chiến đấu – có một nửa sản lượng đến từ Mỹ.
Không khó hiểu khi Trung Quốc phải chạy đua để gom coban, lithium hay cả quặng sắt – đơn giản vì họ sợ bị phụ thuộc vào nước ngoài.
Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu thế giới về sản xuất đất hiếm, nhưng thị phần đã giảm mạnh so với mức 97% năm 2010 – thời điểm Bắc Kinh lần đầu dùng đất hiếm để gây áp lực lên Nhật Bản trong một tranh chấp ngoại giao. Giờ đây, Mỹ đã có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu quốc phòng bằng nguồn đất hiếm sản xuất nội địa.
Theo nhà báo chuyên gia David Fickling, nền kinh tế toàn cầu không vận hành trên danh sách vài chục nguyên tố “chiến lược”, mà dựa vào một mạng lưới hàng nghìn loại khoáng sản, hóa chất, dược phẩm được sản xuất và tiêu thụ ở khắp nơi. Phần lớn chúng chỉ được giao dịch với số lượng nhỏ, lợi nhuận thấp và phục vụ những mục đích rất đời thường.
Nếu biến chuỗi cung ứng đó thành công cụ trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tất cả đều là bên gánh chịu hậu quả.
>> Trung Quốc siết xuất khẩu đất hiếm, cả thế giới gánh hậu quả