Không phải xe điện, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã bước vào 'sân chơi mới' cùng với BYD và Tesla
Ước tính thị trường toàn cầu cho ngành này sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035.
Cuộc đua phát triển công nghệ robot đang trở thành xu hướng toàn cầu, thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn như Tesla, BYD, và các nhà sản xuất công nghệ hàng đầu. Không nằm ngoài xu thế, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã nhanh chóng bắt nhịp khi thành lập VinRobotics, mở ra một hướng đi chiến lược trong lĩnh vực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, đã thể hiện tầm nhìn chiến lược khi sáng lập VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Vingroup nắm giữ 51% cổ phần tại VinRobotics, trong khi ông Phạm Nhật Vượng góp 39% vốn điều lệ. Hai cổ đông khác, ông Phạm Nhật Quân Anh và ông Phạm Nhật Minh Hoàng, mỗi người sở hữu 5% cổ phần. VinRobotics hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI).
Công ty chuyên sản xuất và tích hợp các sản phẩm người máy và robot thông minh, nhằm cung cấp các giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đời sống. Đây được coi là bước đi quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam. Động thái này cũng góp phần làm đậm nét hơn tên tuổi của Việt Nam lên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Mới đây, BYD - thương hiệu xe điện số 1 Trung Quốc, cũng cho biết đang mở rộng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ robot. Từ năm 2022, BYD đã thành lập Nhóm Nghiên cứu Trí thông minh Hiện thân để phát triển các hệ thống robot tùy chỉnh. Các sản phẩm nổi bật của nhóm bao gồm Process, Smart Mobile và Humanoid Systems.
Robot Walker S trong nhà máy của BYD |
Với cam kết đầu tư 100 tỷ NDT (13,7 tỷ USD) vào công nghệ thông minh và AI, BYD hiện đang ráo riết tuyển dụng nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Các vị trí như kỹ sư thuật toán, kỹ sư kết cấu và kỹ sư mô phỏng cao cấp đều được công ty tìm kiếm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Nổi bật nhất trên đường đua này phải kể đến Tesla, dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk, đã có bước tiến lớn với việc ra mắt robot hình người Optimus vào tháng 10/2024 vừa qua. Mẫu robot hình người này xuất hiện phía dưới sân khấu và thực hiện nhiều động tác liên tục như như phát túi quà và đồ uống cho khách mời, trổ tài pha chế hay chơi oẳn tù tì với những người tham dự.
Optimus của Tesla đang xếp pin trong nhà máy |
Ngoài Tesla, các công ty như Xpeng, Dongfeng Motors, và startup Addverb cũng đang tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua này. Xpeng đã phát triển robot Iron, hiện đang hoạt động trong các nhà máy và cửa hàng của hãng. Dongfeng Motors hợp tác với Ubtech để triển khai robot Walker S trên dây chuyền sản xuất, tối ưu hóa quy trình kiểm tra và lắp ráp ô tô.
Theo dự đoán của Elon Musk, đến năm 2040, sẽ có khoảng 10 tỷ robot được sản xuất với giá thành từ 20.000 đến 30.000 USD. Cùng lúc, Goldman Sachs ước tính thị trường toàn cầu cho robot sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với 1,4 triệu sản phẩm được xuất xưởng mỗi năm.
Mặc dù công nghệ robot vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, tiềm năng của nó đã thu hút lượng đầu tư khổng lồ, hứa hẹn thay đổi cách thức vận hành của nhiều ngành công nghiệp. VinRobotics sớm ra nhập cuộc chơi robot cùng các "đại gia thế giới" như Tesla, BYD cũng khẳng định sự nhanh nhạy của ông Phạm Nhật Vượng cùng Tập đoàn Vingroup trước xu hướng của tương lai.
Khi ông Phạm Nhật Vượng bắt tay vào làm ô tô, không ít người đã hoài nghi. Hiện tại sau 7 năm, những chiếc xe điện xuất xưởng từ nhà máy của VinFast đã đi ra thế giới, tỷ lệ nội địa hoá đạt tới 60% và sẽ nâng lên 84% vào năm 2026. Có thể nói, ông Phạm Nhật Vượng là người đã biến 'giấc mơ' ô tô của Việt Nam thành sự thật. Bởi thế, khi VinRobotics ra đời, chúng ta có quyền kỳ vọng về một robot của Việt Nam với logo chữ V đầy kiêu hãnh .
VinFast: Tỷ lệ nội địa hoá xe điện đã đạt 60%, mục tiêu lên tới 84% vào năm 2026
Chuyên gia năng lượng hàng đầu thế giới: Việt Nam có VinFast tức là đã làm chủ công nghệ xe điện