Không quốc gia nào trên thế giới quản lý thị trường vàng như Việt Nam
Khi nghe thông tin giá vàng chuẩn bị tăng thì nhóm thao túng thị trường tranh thủ mua vào và giá được đẩy lên cao thì “nhóm cơ hội” này lại bán ra. Không thị trường vàng nào trên thế giới có độ “vênh” và chênh lệch như thị trường vàng tại Việt Nam.
Có “bàn tay” thao túng thị trường vàng?
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Bá Chí Nhân nhận định, do độc quyền phân phối vàng miếng nêngiá vàng SJC có những lúc bị đẩy lên và chênh lệch hơn 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Đáng lẽ, Ngân hàng Nhà nước phải là cơ quan kiểm soát giá vàng từ lâu lắm rồi. Giá vàng ở Việt Nam bị thả nổi là điều rất nghịch lý. Điển hình, tại Campuchia, thị trường vàng được xem có quy mô lớn nhưng vẫn luôn theo sát giá vàng thế giới.
Hầu như giá vàng tất cả các nước trên thế giới đều ngang nhau và liên thông với thị trường vàng New-York. Nhưng vì sao, từ khi SJC độc quyền phân phối vàng thì giá tăng và chênh lệch với thị trường vàng thế giới ít nhất khoảng 10 triệu đồng/lượng? Như vậy, giá vàng trong nước luôn có sự khập khiểng đáng nghi ngờ (?!).
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Bá Chí Nhân. |
Hiện nay, thị trường vàng tại Việt Nam chỉ có Ngân hàng Nhà nước quản lý về giá và cho phép đơn vị nào được xuất nhập khẩu vàng. Chính vì vậy, giá vàng bị đẩy lên hoặc hạ xuống không tuân theo quy luật thị trường.
Ông Nhân cho rằng, độc quyền phân phối vàng còn làm cho giới “đầu nậu” được dịp thao túng và người dân chạy theo giá vàng lãnh đủ. Người dân không có sự lựa chọn nào khác để giao dịch vàng miếng ngoài thương hiệu SJC. “Đầu nậu” tại Việt Nam khi dự đoán được xu hướng giá vàng có thể tăng ở ngưỡng kỳ vọng thì tiếp tục thổi lên ở mức cao hơn.
Người dân thấp thỏm mua vàng dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều cao hơn so với giá vàng thế giới. Giới “đầu nậu” tiếp tục dẫn dắt giá vàng, bán ra thị trường và cho đến khi giá vàng trên thế giới hạ nhiệt thì giá vàng trong nước vẫn đứng ở mức cao ngất ngưỡng.
Ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có công điện “khẩn” chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng thì giá vàng từ mức hơn 70 triệu đồng/lượng đã “hạ nhiệt” ngay lập tức khoảng hơn 5 triệu đồng/lượng, tương đương 7-8%.
Ông Nhân phân tích, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại các Thông tư, Nghị định liên quan đến quản lý giá vàng hiện nay có còn phù hợp hay không? Hiện nay, có những Nghị định trước đây phù hợp nhưng thời điểm này đã không còn phù hợp. Giá vàng trong ở thời điểm hiện tại cần được kiểm soát để xóa khoảng cách giữa giá bán buôn và giá vàng xuất nhập khẩu.
Cần lưu ý rằng, trong thời gian rất dài, thị trường vàng DoJi và SJC có độ “vênh” rất lớn. “Đầu nậu” vàng lợi dụng vấn đề này để đầu cơ. Buổi sáng, giá vàng mua vào được đẩy lên gần 80 triệu đồng/lượng thì buổi chiều giá vàng bán ra thấp hơn buổi sáng 5 triệu đồng/lượng là “con buôn” có lãi.
Một vấn đề nữa, hệ thống SJC không phải là bảo mật tuyệt đối. Vì vậy, khi thông tin nội bộ ngày hôm sau giá vàng sẽ tăng được “rò rỉ” thì những cá nhân này sẽ làm giá và tạo nên những cơn sóng trên thị trường vàng. Lý do, SJC từ lâu “một mình một chợ” trong việc tạo nguồn cung về thị trường và quyết định về giá vàng. Nếu thị trường vàng có đối thủ cạnh tranh có kiểm soát thì chưa chắc SJC đã “làm mưa làm gió” hàng chục năm qua.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân bình luận, khi nghe thông tin giá vàng chuẩn bị tăng thì nhóm thao túng thị trường tranh thủ mua vào. Khi giá được đẩy lên cao thì “nhóm cơ hội” này lại bán ra. Không thị trường vàng nào trên thế giới có độ “vênh” và chênh lệch như thị trường vàng tại Việt Nam. Và đặc biệt, việc độc quyền về phân phối vàng miếng và quản lý về thị trường vàng thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.
Nên bỏ hay giữ Nghị định 24/2012/NĐ-CP?
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính) lập luận, hiện nay chỉ có độc quyền duy nhất về vàng miếng SJC, là độc quyền nhà nước chứ không phải độc quyền doanh nghiệp. Các loại vàng khác như nhẫn trơn hay thậm chí vàng 9999 của DoJi hay thương hiệu khác thì không độc quyền mà các doanh nghiệp khác vẫn làm. Kế nữa, vàng trang sức thì tràn ngập thị trường. Các cửa hàng chỉ được cấp phép để bán vàng SJC và đây là ngành kinh doanh có điều kiện.
Biến dộng giá vàng thường hay nói đến SJC nhưng bản thân giá vàng như nhẫn trơn vẫn biến động; tuy nhiên, không chênh lệch nhiều so với thế giới. Giá vàng thế giới 60 USD thì giá vàng trong nước 64 USD thì không có vấn đề gì.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh. |
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời nhằm tách thị trường vàng Việt Nam ra khỏi thị trường vàng thế giới nên thị trường vàng Việt Nam chênh lệch so với thị trường vàng thế giới cũng chẳng có vấn đề gì cả. Mặc cho thị trường vàng lên xuống như thế nào không cần biết mà quan trọng nhất là vàng SJC được xem như loại tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành. Vàng SJC độc quyền phát hành cũng giống như nhà nước độc quyền phát hành tiền nên không có vấn đề gì đâu? Tại sao phải kêu gào ầm ĩ lên?
Ông Vũ Đình Ánh nhận xét, tiếp theo nữa, tất cả những biện pháp, phản ứng, tuyên truyền về thị trường vàng là quá. Quan trọng nhất muốn thị trường vàng như thế nào, muốn không chênh lệch với giá vàng thế giới, muốn không biến động với thị trường vàng thế giới và quay trở lại thời kỳ “vàng hóa” như ngày xưa thì bỏ Nghị định 24 để làm lại?
Mặc dù nói vàng SJC là “độc quyền” nhưng vẫn có sản phẩm của một số doanh nghiệp sản xuất “trá hình” dưới dạng vàng miếng. Thời điểm trước Nghị định 24 ra đời, ở Việt Nam có đến hàng chục loại vàng miếng khác nhau, rất nhiều ngân hàng và doanh nghiệp phát hành các loại vàng miếng.
Sau ngày Nghị định 24 có hiệu lực, SJC là vàng miếng độc quyền nhà nước thì các loại vàng miếng “trá hình” ra đời như vàng miếng 9999, vàng nhẫn hoặc thậm chí miếng vàng 9999 nguyên chất rồi đục lỗ và xỏ sợi dây được xem là vàng nguyên chất.
Vấn đề nữa, nhập khẩu vàng được xem như là ngoại tệ nên do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Việc nhập khẩu vàng vừa phục vụ sản xuất vàng miếng và vừa phục vụ cho sản xuất vàng trang sức. Nguy hiểm nhất là tồn tại biến tướng giữa vàng trang sức và vàng miếng 9999 là đang phá hoại sự độc quyền của vàng SJC.
Ông Vũ Đình Ánh nhận xét, tóm lại, cơ quan quản lý nhà nước cần xác định quản lý thị trường vàng như thế nào? Muốn vàng đóng vai trò gì trong nền kinh tế và xử lý như thế nào với hình thức biến tướng, trá hình vàng miếng trên thị trường?
Thực chất, việc kêu gào về giá vàng là phục vụ cho một bộ phận muốn làm khuấy đảo thị trường vàng để bỏ Nghị định 24 và quay lại thời kỳ trước khi ban hành Nghị định 24. Qua đó, làm “vàng hóa” nền kinh tế, biến vàng thành một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận, thậm chí “đầu cơ” và làm rối loạn thị trường vàng. Khi thị trường vàng “rối loạn” thì làm biến động thị trường ngoại hối.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đúc kết vấn đề: “Ngân hàng Nhà nước là đơn vị độc quyền sản xuất và phát hành vàng SJC. Quan trọng khi hoạch định chính sách phải có mục tiêu chính sách. Khi đạt được mục tiêu chính sách thì chứng tỏ chính sách là đúng”.
Ngày 03/04/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Nghị định này quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.
Theo đó, vàng miếng được quy định là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.