Khu di tích lăng miếu được ví như Kinh thành Huế thu nhỏ, là dấu tích về nơi khởi phát một vương triều, được đầu tư 500 tỷ đồng để trùng tu

21-02-2024 14:50|Nhật Linh

Công trình này được ví như một Kinh thành Huế thu nhỏ giữa lòng xứ Thanh.

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường toạ lạc tại làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, cách TP. Thanh Hóa khoảng 35km về phía bắc.

Xưa kia, vùng đất này chính là Gia Miêu ngoại trang, thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa. Đây được xem là vùng đất "quý hương", nơi phát tích của vương triều Nguyễn, về sau là nơi an nghỉ của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim, bố Nguyễn Hoàng - người mở mang bờ cõi về phương Nam.

Lăng miếu Triệu Tường đã được phục dựng lại một phần

Lăng miếu Triệu Tường đã được phục dựng lại một phần

Khu miếu Triệu Tường có diện tích khoảng 5 ha, tường thành xây kín, bao quanh là hào nước, cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc nên được ví như tòa thành nhỏ. Cửa nam có một vọng lâu, cổng tam quan, phía sau là hồ sen hình bán nguyệt.

Miếu được chia làm ba khu vực. Khu chính giữa là Nguyên miếu thờ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và Thái tổ Gia dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng. Khu phía đông thờ Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu (thân phụ của Nguyễn Kim) và Lỵ nhân công Nguyễn Hán (con trai Nguyễn Hoàng). Khu phía tây là trại lính và nhà ở của gia nhân các quan trông coi lăng miếu.

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường

Khu di tích lăng miếu Triệu Tường được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường

Toàn bộ công trình đều nhìn về phương Nam. Hàng năm, gặp tiết ngũ hưởng và các tiết khác theo quy định của triều đình, quan tỉnh Thanh Hóa vâng mệnh hành lễ theo lệ như các miếu ở Kinh thành Huế. Đồng thời, nhiều vua Nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái, Khải Định sau khi lên ngôi đã về dâng hương, bái yết tổ tiên.

Hình ảnh miếu Triệu Tường trước năm 1945

Hình ảnh miếu Triệu Tường trước năm 1945

Trải qua những biến động của lịch sử, lăng miếu Triệu Tường đã bị san phẳng, chỉ còn dấu tích nền móng. Qua các cuộc khai quật khảo cổ đã cho cái nhìn tổng thể về quy mô, loại hình, kiểu kiến trúc cũng như diện tích xây dựng, tính xác thực của di tích cũng như làm rõ một phần kỹ thuật xây dựng di tích lăng miếu Triệu Tường.

Với những giá trị của di tích, năm 2007, khu lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện Khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã và đang được tôn tạo lại trên cơ sở nền móng cũ, dựa trên kết quả khảo cổ học và ảnh tư liệu từ thời Pháp thuộc còn lại. Từ đó, diện mạo một "cố đô Huế" thu nhỏ đang dần hiện hữu trên vùng đất Gia Miêu.

Quy hoạch tổng thể lăng miếu Triệu Tường

Quy hoạch tổng thể lăng miếu Triệu Tường

Được biết, hiện khu lăng miếu Triệu Tường và đình Gia Miêu đã được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho trùng tu, tôn tạo trên diện tích khoảng 28 ha, với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc trùng tu, tôn tạo vẫn gián đoạn do thiếu vốn.

>> Ngôi đền thiêng có quy mô bề thế với 5 gian tiền đường, sở hữu bộ tượng Tam Tòa Thánh Mẫu bằng đồng nặng hơn 6 tấn xác lập kỷ lục Việt Nam

Di tích lịch sử là nơi thờ Đức Vương Ngô Quyền, bên trong còn lưu giữ chứng tích đại thắng quân Nam Hán

Ngôi chùa cổ nghìn năm chứa 2 bảo vật quốc gia, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật

Bất ngờ phát hiện cụm di tích rộng 7km2 có hình thức tráng lệ với niên đại hơn 2.500 năm

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/khu-di-tich-lang-mieu-duoc-vi-nhu-kinh-thanh-hue-thu-nho-la-dau-tich-ve-noi-khoi-phat-mot-vuong-trieu-duoc-dau-tu-500-ty-dong-de-trung-tu-d116556.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Khu di tích lăng miếu được ví như Kinh thành Huế thu nhỏ, là dấu tích về nơi khởi phát một vương triều, được đầu tư 500 tỷ đồng để trùng tu
POWERED BY ONECMS & INTECH