Đây là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng.
Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 12/ 2004, có tên chính thức là Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, gồm các vùng đất phía nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình.
Đây là khu dự trữ sinh quyển liên tỉnh bao gồm: vườn quốc gia Xuân Thuỷ (Nam Định), khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình) và khu vực Bãi ngang Kim Sơn.
Tổng diện tích của khu dự trữ sinh quyển này lớn hơn 105.000ha. Trong đó có 66.256ha là đất liền ven biển và 39.302ha mặt nước biển thuộc 25 xã của các huyện Kim Sơn (Ninh Bình); Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định); Tiền Hải, Thái Thụy (Thái Bình). Vùng lõi có diện tích hơn 14.000 ha, vùng đệm gần 37.000ha, vùng chuyển tiếp trên 54.000ha. Đây là vùng bãi bồi đất ngập nước ven biển độc đáo của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Khu dự trữ này có 12 kiểu sinh cảnh chủ yếu, gồm: bãi bùn, bãi cát ngập triều, trảng cỏ, sậy, rừng ngập mặn cùng các cồn cát phi lao,… Khu dự trữ hiện đang lưu giữ những giá trị sinh học đa dạng, với trên 200 loài chim, trong đó có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước; nhiều loài chim được ghi trong sách đỏ thế giới như: Cò thìa, Mòng Bể mỏ ngắn, Rẽ mỏ thìa, Cò Lạo Ấn Độ, Cò trắng Trung Quốc,…
Bên cạnh đó, trong khu dự trữ còn có trên 100 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 30 loài thích ứng tốt với điều kiện ngập nước. Rừng ngập mặn cũng cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú với 500 loài động thực vật thuỷ sinh, nhiều loài có giá trị cao như: tôm, cua, vạng, sò, rau câu,…
Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển thế giới vùng châu thổ sông Hồng cũng sở hữu những cánh rừng ngập mặn rộng hàng nghìn ha, khu đầm lầy ngập mặn, các khu bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng ngập mặn nơi đây được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, xóm làng khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng.
Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, sinh đẻ của các loài hải sản, cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với khoảng 500 loài động, thực vật thuỷ sinh và cỏ biển. Nhiều loài thuỷ, hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng,...
Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái; là điểm đến của nhiều đoàn nghiên cứu, tham quan học tập ở trong nước và quốc tế.