Du ngoạn

Khu rừng ở Lạng Sơn bảo tồn loại gỗ quý trăm tuổi, đang được nghiên cứu thành tuyến du lịch mới

Vĩ Hạ 01/08/2024 14:09

Người dân địa phương từ lâu đã có quy định về việc bảo vệ rừng gỗ quý, họ cấm chặt phá, thậm chí cây bị ngã đổ cũng không được khai thác.

Ngày 30/7, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã tổ chức một chuyến khảo sát quan trọng nhằm nghiên cứu và phát triển tuyến du lịch rừng nghiến nguyên sinh tại thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn. Đây là một phần trong kế hoạch mở rộng tuyến du lịch số 3 của Công viên địa chất Lạng Sơn.

Lãnh đạo UBND xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Lãnh đạo UBND xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Trong chuyến khảo sát, đoàn đã tiến hành nghiên cứu vị trí con đường trải nghiệm giữa rừng nghiến nguyên sinh, một điểm nhấn độc đáo trên tuyến du lịch này.

Tiếp đó, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Bắc Quỳnh và các đại diện phòng ban chuyên môn của huyện Bắc Sơn để thảo luận về những điều kiện thuận lợi cũng như thách thức trong việc phát triển cảnh quan, tạo ra không gian chụp ảnh hấp dẫn cho du khách.

Đoàn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường cho cộng đồng địa phương và du khách.

Chuyến khảo sát này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và khai thác hiệu quả các điểm đến thuộc tuyến du lịch số 3 của Công viên địa chất Lạng Sơn, giúp du khách có thêm cơ hội trải nghiệm nhiều hơn khi đến thăm khu vực này trong thời gian tới.

Rừng gỗ ghiến thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Dương Doãn Tuấn

Rừng gỗ nghiến thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Dương Doãn Tuấn

Từ bao đời nay, người dân ở thôn Đông Đằng vẫn đang ngày ngày cùng nhau bảo vệ, giữ gìn khu rừng gỗ nghiến nguyên sinh rộng khoảng 13ha. Khu rừng này tập trung hàng trăm cây gỗ nghiến quý hiếm, trong đó có những cây cổ thụ cao hàng chục mét, với thân cây khổng lồ bám chặt vào các vách đá lởm chởm.

Được biết, nghiến là một loại gỗ quý hiếm có giá trị cao, được bảo vệ trong nhóm IIA (danh mục nguy cấp, quý, hiếm). Loại gỗ này nặng, cứng và có khối lượng từ 950-1.100kg/m3 (điều kiện độ ẩm 15%). Trên thị trường, 1m3 gỗ nghiến trung bình có giá từ 10-25 triệu đồng.

Ngoài gỗ nghiến, khu rừng còn nổi tiếng với một loại cây đặc biệt mà dân làng gọi là "mạy kham," hay còn được biết đến như "cây dự báo thời tiết." Trước những ngày mưa to gió lớn, lá của cây này sẽ chuyển sang màu trắng bạc, khác hẳn với màu xanh thường ngày.

Khu rừng nghiến này đã tồn tại qua nhiều thế kỷ và được người dân bảo vệ nghiêm ngặt theo hương ước của làng. Theo đó, làng nghiêm cấm việc người dân vào rừng chặt phá, kể cả cây ngã đổ cũng không được khai thác. Người vi phạm lần đầu sẽ bị đưa ra kiểm điểm trước toàn dân, tái phạm lần hai sẽ bị phạt tiền và ghi vào “sổ làng”, nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị trục xuất khỏi cộng đồng.

Một cây cổ thụ trong rừng gỗ nghiến. Ảnh: Duy Chiến/Báo Tiền Phong

Một cây cổ thụ trong r ừng gỗ nghiến. Ảnh: Duy Chiến/Báo Tiền Phong

Bên cạnh việc duy trì nguồn nước và ngăn chặn đá lăn xuống làng, người dân Đông Đằng còn bảo vệ khu rừng nghiến quý giá này vì yếu tố tâm linh. Theo truyền thuyết, rừng nghiến là nơi ngự trị của ba vị thần: thần Ông Đuôi, thần Ông Voi và thần Bó Bá Mò, những vị thần bảo vệ dân làng. Chính vì vậy, không ai dám chặt phá cây trong rừng vì sợ làm kinh động đến các vị thần. Đến nay, khu rừng vẫn còn giữ lại dấu tích của các lễ cúng tế dành cho các vị thần này.

Nơi cúng thờ thần Hoàng làng gìn giữ khu rừng nghiến nguyên sinh Ảnh: Duy Chiến/Báo Tiền Phong

Nơi cúng thờ thần Hoàng làng gìn giữ khu rừng nghiến nguyên sinh Ảnh: Duy Chiến/Báo Tiền Phong

Đứng trên đỉnh núi, nhìn xuống những xóm làng yên bình dưới ánh khói lam chiều, ít ai có thể tưởng tượng rằng khu rừng quý hiếm này vẫn còn tồn tại, minh chứng cho tinh thần bảo vệ thiên nhiên của cộng đồng dân cư. Rừng nghiến trăm tuổi vẫn bạt ngàn xanh ngát, mang trong mình vẻ đẹp oai hùng.

Năm 2018, khu rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng đã được công nhận là Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bắc Sơn và được quy hoạch, bảo vệ với sự hỗ trợ tài chính hàng năm.

>> Khu rừng la liệt gỗ quý tưởng đã biến mất vĩnh viễn, cả làng phải lắp camera 'soi' ngày đêm để canh giữ 'báu vật'

Khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn tồn tại ở Việt Nam, nằm trú ngụ trong đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á

'Kho báu' bên trong khu rừng đỗ quyên quý hiếm nhất Việt Nam, được người dân thay nhau canh giữ, bảo vệ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/khu-rung-o-lang-son-bao-ton-loai-go-quy-tram-tuoi-dang-duoc-nghien-cuu-thanh-tuyen-du-lich-moi-d129241.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khu rừng ở Lạng Sơn bảo tồn loại gỗ quý trăm tuổi, đang được nghiên cứu thành tuyến du lịch mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH