Khu rừng la liệt gỗ quý tưởng đã biến mất vĩnh viễn, cả làng phải lắp camera 'soi' ngày đêm để canh giữ 'báu vật'
Người dân địa phương đã chung tay chăm sóc và bảo vệ rừng gỗ này như một tài sản quý giá.
Làng A Lao, nằm dưới chân núi Lơ Pang, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai là nơi vẫn còn lưu giữ được rừng gỗ trắc - một loài gỗ quý hiếm được xếp vào nhóm gỗ quý I của Việt Nam, có giá trị kinh tế cao và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ngay khi phát hiện đây là loài cây quý, người dân địa phương đã chung tay chăm sóc và bảo vệ rừng gỗ trắc như một tài sản quý giá, một nguồn gen quan trọng để lại cho con cháu đời sau. Đặc biệt, khu vực quần thể trắc tại làng A Lao cũng đã được đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát chặt chẽ để bảo vệ “báu vật” này.
Ông Hngip, người dân làng A Lao cho biết: “Qua các cuộc chiến tranh và sự tác động của con người, rừng gỗ trắc này tưởng đã biến mất vĩnh viễn. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, tại nhiều rẫy mì, bời lời của người dân trong làng xuất hiện những cây gỗ trắc con mọc trở lại theo những gốc cũ".
“Hàng ngày, tôi đều lên rẫy chăm sóc mì. Trong rẫy mì có gần 500 cây gỗ trắc đường kính khoảng 10cm nằm xen kẽ đang phát triển tốt. Những rẫy xung quanh cũng có nhiều cây gỗ trắc đường kính lớn hơn tạo thành một quần thể rừng gỗ trắc tự nhiên quý hiếm”, ông Hngip chia sẻ thêm.
Trong khi đó, một người dân khác của làng A Lao là ông Yôh cho biết rằng đến nay, nhiều hộ gia đình trong làng sở hữu cả ngàn cây gỗ trắc, còn hộ ít thì cũng vài chục cây. Riêng rẫy của gia đình ông Yôh có hơn 1.000 cây gỗ trắc hiện phát triển tốt.
Theo ông Yôh, người dân địa phương biết đây là loại cây có giá trị kinh tế cao nên rất ý thức trong việc lưu giữ, bảo vệ nguồn gen quý. Đặc biệt, dân làng cũng chăm sóc những gốc cây cũ đã bị khai thác để những chồi trắc non mọc lên.
Không chỉ dừng lại ở đó, bà con cũng trồng thêm nhiều cây trắc mới, tạo ra những vườn gỗ trắc rộng lớn. Đến nay, diện tích gỗ trắc tại làng A Lao đã rộng hàng chục ha và vẫn đang được mở rộng.
Trong thời gian qua, để bảo vệ rừng cây phát triển, huyện Mang Yang cũng đã thường xuyên chỉ đạo Đảng ủy, UBND xã cùng hệ thống chính trị làng A Lao tuyên truyền, vận động người dân tăng cường quản lý, bảo vệ cũng như ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là quần thể cây gỗ trắc ở khu vực đồi Tchre thuộc làng A Lao.