Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam đầu tư gần 10.000 tỷ xây 20 bến tàu du lịch
Dự án du lịch đường thủy nội địa đang được TP triển khai bài bản, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến xanh, hiện đại và có sức cạnh tranh mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.
UBND TP. Đà Nẵng vừa chính thức chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đây được xem là bước ngoặt lớn trong chiến lược mở rộng không gian du lịch đô thị, gắn kết các tuyến sông với đời sống kinh tế – văn hóa của thành phố.
>> Một thành phố ở miền Bắc sẽ có Khu thương mại tự do
Theo đề án, thành phố sẽ quy hoạch và phát triển 20 bến thủy nội địa trải dài trên các tuyến sông Hàn, Vĩnh Điện, Cổ Cò và Cẩm Lệ. Mỗi bến không chỉ phục vụ tàu thuyền mà còn là không gian đa chức năng, tích hợp nhà chờ, khu dịch vụ, khu vực đón trả khách, điểm dừng chân, và công viên cảnh quan ven sông. Tổng diện tích quy hoạch cho các bến khoảng 15,3ha, đi kèm hệ thống công viên cây xanh ven sông rộng trên 25ha, tạo thành chuỗi không gian mở, thân thiện với người dân và du khách.

Đáng chú ý, thành phố sẽ đưa vào sử dụng đội tàu du lịch hiện đại, vận hành bằng nhiên liệu sạch, với sức chứa từ 100-500 hành khách, phù hợp với tĩnh không dưới các cây cầu hiện hữu. Cùng với đó, các hoạt động nghệ thuật ánh sáng, trình diễn trên mặt nước vào ban đêm cũng được đưa vào quy hoạch, nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch về đêm và tạo dấu ấn đặc trưng cho sông Hàn và các tuyến sông nội đô.
Dự án được chia làm hai giai đoạn với ba dự án thành phần: Giai đoạn 1 (2025–2030) xây dựng 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn, kèm theo các công viên cảnh quan, mua sắm tàu thuyền và tổ chức trình diễn nghệ thuật trên sông.
Giai đoạn 2 (2028–2031) gồm hai dự án thành phần. Thành phần 2 xây dựng 9 bến dọc sông Vĩnh Điện và Cổ Cò; thành phần 3 xây dựng 4 bến dọc sông Cẩm Lệ - những khu vực đang dần phát triển mạnh về du lịch và đô thị ven sông.
Đây không chỉ là một dự án hạ tầng giao thông đường thủy, mà còn là một chiến lược tái cấu trúc không gian đô thị ven sông, tích hợp mục tiêu phát triển du lịch xanh, giảm áp lực giao thông đường bộ và mở rộng cơ hội khai thác dịch vụ về đêm.
Khi hoàn thành, hệ thống bến du lịch đường thủy này sẽ góp phần định hình lại diện mạo của thành phố sông nước, mang đến một trải nghiệm mới lạ, hiện đại và bền vững cho người dân và du khách tại Đà Nẵng.
Ngày 13/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1142/QĐ-TTg về việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng với quy mô 1.881ha, bố trí tại các vị trí không liền kề, bao gồm các khu chức năng: Sản xuất – logistics; thương mại – dịch vụ; công nghiệp công nghệ số và đổi mới sáng tạo, và các loại hình khu chức năng khác. Với quyết định này, Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên có Khu thương mại tự do.
>> Một doanh nghiệp muốn tự bỏ tiền làm bến tàu kết nối với tuyến metro 43.000 tỷ đồng