Thành phố có bệnh viện cổ nhất Việt Nam tuổi đời hơn một thế kỷ, là bệnh viện duy nhất cả nước có trại giam
Đây là nơi được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam với hơn 160 tuổi.
Ngày 24/11/2022, tại lễ kỷ niệm 160 năm thành lập, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã xác lập kỷ lục "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam" do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VIETKINGS, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.
Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, tính từ ngày mở cửa nhận bệnh (13 tháng 2 năm 1861) với tên gọi nhà thương Chợ Quán, nơi này đã trải qua hơn 160 năm. Đây là một hành trình đầy tự hào của nhiều thế hệ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, viên chức Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Nhà thương Chợ Quán là bệnh viện đầu tiên được thành lập trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn, bên một nhánh của dòng sông Bến Nghé (nay là kênh Tàu Hũ), gắn liền với lịch sử của mảnh đất phương Nam này.
Bệnh viện đầu tiên trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn
Năm 1859, sau khi đánh chiếm thành Gia Định, với ý đồ thiết lập một trạm cứu thương nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận thương binh trong chiến dịch đánh đại đồn Kỳ Hòa tiến tới xâm chiếm toàn bộ Nam kỳ, năm 1860 quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm khu đất rộng hơn 5 hecta tại 1 ngôi làng nằm giữa khu vực Sài Gòn - Chợ lớn, lấy các ngôi nhà của những người giàu Việt Nam rời đi do chiến sự, cải tạo và xây dựng thêm các khu bệnh phòng, tăng số giường để hình thành một bệnh viện mang tên Chợ Quán thay vì lập một trạm cứu thương như ý định ban đầu.
Ngày 13/02/1861, bệnh viện bắt đầu mở cửa nhận các bệnh nhân bị sốt, ghẻ, hoa liễu và thương binh của liên quân Pháp-Tây Ban Nha chuyển tới từ trận đánh đại đồn Kỳ Hòa (ngày 24-25/02/1861), sau đó là thương binh từ các trận đánh tại Sài Gòn-Gia định và Nam bộ. Ngày 10/02/1862, bệnh viện được đặt dưới sự quản lý, điều hành của Hải quân Pháp và đến ngày 01/01/1864 giao lại cho chính quyền dân sự.
Ra đời trong bối cảnh đau thương của Sài Gòn và miền Nam Việt Nam dưới gót giày xâm lược, được hình thành như một bệnh viện dã chiến phục vụ cho bộ máy chiến tranh của thực dân Pháp, tiếp tục trải qua các biến động lịch sử của dân tộc, của Sài Gòn – TP.HCM, Nhà thương Chợ Quán này là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã trở thành bệnh viện của người nghèo, người dân với nhiều thế hệ thầy thuốc giỏi chuyên môn, giàu Y đức luôn là lực lượng tiên phong, chủ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong điều trị các bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm và phòng chống đẩy lùi các loại dịch bệnh nguy hiểm không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn cho cả khu vực các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Năm 1972 đánh dấu bước phát triển mạnh của bệnh viện Chợ Quán về cơ sở vật chất với khu nhà chính 6 tầng được xây dựng trên diện tích hơn 12.000m vuông với sự trợ giúp của Hàn Quốc; khánh thành vào tháng 3 năm 1974 đổi tên mới là Trung tâm y khoa Hàn – Việt có 550 giường, chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, tâm thần, phong, nội, ngoại, nhi và các khoa Dược, cận lâm sàng. Khu phẫu thuật gồm 4 phòng được trang bị hiện đại. Vào thời điểm này bệnh viện đã trở thành 1 Trung tâm y tế toàn khoa mới và tối tân bậc nhất miền Nam Việt Nam, được lựa chọn làm nơi thực tập của các trường ĐH y khoa và các chương trình huấn luyện của Bộ Y tế chính quyền Sài Gòn.
Ngay sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện được Ban Y tế Xã hội miền Nam thuộc Ủy ban quân quản tiếp nhận và quản lý, lấy lại tên bệnh viện Chợ Quán. Ngày 4/8/1979, theo quyết định số 903 của Bộ Y tế, bệnh viện Chợ Quán được giao nhiệm vụ là bệnh viện chuyên khoa về truyền nhiễm, phụ trách điều trị, phòng chống dịch, huấn luyện đào tạo chuyên khoa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Năm 1989, Ủy ban Nhân Dân TP.HCM quyết định đổi tên bệnh viện thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Năm 1996, bệnh viện được xếp hạng bệnh viện loại 1, chuyên khoa sâu về bệnh truyền nhiễm của TPHCM và các tỉnh phía Nam. Từ năm 2002, bệnh viện được đổi tên thành bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển chuyên ngành Truyền nhiễm và các bệnh Nhiệt đới ở các tỉnh phía Nam.
Bệnh viện duy nhất cả nước có trại giam
Trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) ngày nay còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử. Nổi bật nhất là khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán, đây là nơi giam giữ, điều trị cho những người tù bị bệnh gồm cả thường phạm lẫn tù chính trị. Nơi đây đã từng là nơi giam giữ các chiến sĩ Cộng sản kiên cường như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi,…Ngày 26/8/1931, đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi bị giặc Pháp bắt, tra tấn dã man và lâm trọng bệnh, đã được đưa đến khu nhà giam này. Đến ngày 6/9/1931, đồng chí đã hi sinh sau khi để lại lời nhắn nhủ: “HÃY GIỮ VỮNG Ý CHÍ CHIẾN ĐẤU”.
Khu trại giam đặc biệt này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được nhắc đến nhiều lần trong buổi lễ kỷ niệm 160 năm thành lập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (1861 - 2021) vào ngày 24/11/2022. Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, đây là di tích mang tính lịch sử và rất quan trọng với TP.HCM và cả nước.
"Mong rằng khu di tích này sẽ là niềm tự hào của người dân TP.HCM nói chung, đặc biệt là tập thể cán bộ, viên chức người lao động, thầy thuốc qua các thời kỳ. Chúng ta hãy duy trì, tiếp tục niềm tự hào này để xây dựng, phát triển và giữ vững là ngọn cờ đầu, là bệnh viện tuyến cuối trong lĩnh vực nhiễm trùng, truyền nhiễm ở TP.HCM và khu vực phía Nam", ông Dương Anh Đức nhắn nhủ trong buổi lễ.
Ông Lê Mạnh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho hay lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phối hợp với Sở Y tế, bệnh viện và UBND quận 5 tổ chức hội thảo khoa học lịch sử về khu trại giam này trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục tìm kiếm những hiện vật, tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành của trại giam để bổ sung phục vụ trưng bày, trước khi mở cửa đón khách nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Tổng bí thư Trần Phú.
Kiên cường trong đại dịch
Hơn 160 năm trải dài qua 3 thế kỷ, thời gian như để vun đắp thêm bề dày thành tích, Nhà thương Chợ Quán, nay là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vẫn giữ nguyên vị trí đầu ngành nhiễm trùng – truyền nhiễm cùng những đóng góp to lớn cho sự nghiệp y tế nước nhà, chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân thành phố HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam. Trong các năm 2020-2022, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là đơn vị chủ lực đã cùng với Ngành Y tế thành phố đã ngăn chặn, đẩy lùi, giảm thiểu tác hại của đại dịch COVID-19 và dịch Sốt xuất huyết bùng phát, đem lại bình an cho người dân thành phố và khu vực phía Nam.
Năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, dù lo lắng về căn bệnh mới có tốc độ lây lan nhanh và đã cướp đi sinh mạng rất nhiều bệnh nhân ở nhiều nước, các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khăn gói lên đường đi hỗ trợ thành lập, quản lý Bệnh viện dã chiến Củ Chi - bệnh viện dã chiến đầu tiên của cả nước, tiếp đó là Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng là nơi đầu tiên điều trị cho bệnh nhân 91 - phi công người Anh, trước khi anh này được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Lúc bấy giờ, vắc xin phòng COVID-19 còn khan hiếm, các y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng chưa có "tấm giáp" bảo vệ ngoài những bộ đồ bảo hộ nóng bức nên họ phải tuân thủ nghiêm ngặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Xa gia đình, để lại con cái, cha mẹ già phía sau hàng tháng trời, họ "cắm trại" tại bệnh viện dã chiến để cứu người bệnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày nay |
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phải chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 nặng, nguy kịch tầng 3. Áp lực mỗi ngày một nặng, nhưng với quyết tâm cao đẩy lùi dịch bệnh, toàn bộ y bác sĩ chấp nhận rủi ro về phía mình, căng sức chạy đua với thời gian để mỗi ngày có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng được cứu.
Khi tình hình dịch tại bệnh viện được kiểm soát, bệnh viện tiếp tục hỗ trợ nhân sự quản lý, chuyên môn cho các bệnh viện: Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị COVID-19 số 1, 2, 3, 13, 14 và 16 (các bệnh viện này hiện đã được giải thể khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát).
Đến khi bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox - hiện đã được WHO đổi tên thành mpox) xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9-2022, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân ngay từ khi nhập cảnh, cắt đứt khả năng lây nhiễm ra cộng đồng…
Ông Nguyễn Thành Dũng - giám đốc bệnh viện - cho biết trong thời gian tới, dịch bệnh nhiễm trùng mới nổi vẫn là mối đe dọa lên hệ thống y tế toàn cầu và hệ thống y tế Việt Nam nói riêng. Trong bối cảnh dịch còn như hiện nay, định hướng phát triển chuyên khoa sâu và các bệnh nhiễm trùng vẫn là ưu tiên của bệnh viện.
Hành trình từ Nhà thương Chợ Quán đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là một quá trình đầy tự hào của nhiều thế hệ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, viên chức tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đó là hành trình của những trái tim yêu nghề, quý nghiệp, yêu đồng bào và Tổ quốc. Các thế hệ thầy thuốc, nhân viên Bệnh Nhiệt đới xứng đáng được tôn vinh, ngợi ca; xứng đáng nhận được những phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước, Chính phủ và các tổ chức xã hội, trong đó có tấm lòng biết ơn của triệu triệu bệnh nhân trong và ngoài nước đã được chữa trị, cứu sống từ nơi này.
Ngân hàng BIDV sắp xây trụ sở gần 1.000 tỷ cao 19 tầng tại thành phố đáng sống nhất Việt Nam
Thành phố kỳ lạ rộng hơn 800km2 nhưng không có lấy một giọt mưa trong suốt 600 năm