Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương : Tác động đến ASEAN

15-07-2023 20:07|TS. BÙI NGỌC SƠN, Chuyên gia kinh tế độc lập

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) cần nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng những nhu cầu của các nước ASEAN.

Nhiều nước châu Á cho biết họ quan tâm đến IPEF vì họ lo ngại Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để làm tổn hại chủ quyền của họ. Do vậy, họ mong muốn sự hiện diện kinh tế của Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (ngoài cùng bên trái) công bố “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (ngoài cùng bên trái) công bố “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

3 tác động quan trọng

ASEAN là trung tâm của nhiều hiệp định và chiến lược trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều này đặt các nước ASEAN trong IPEF vào vị thế là kênh đem lại những hiệu ứng lan tỏa tích cực cho các nước ASEAN không phải thành viên của IPEF có trình độ phát triển thấp hơn, như Căm-pu-chia, Myanmar… Điều này đến lượt nó lại khuyếch đại hiệu quả các sáng kiến đa phương khác trong khu vực. Cụ thể, IPEF sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng và phát triển của ASEAN theo ba hướng sau:

Thứ nhất, các nước phát triển hơn trong IPEF tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực các hệ sinh thái số tiên tiến đối với ASEAN nhằm tăng hàm lượng số hóa trong nền kinh tế. Thương mại số là quan trọng trong ASEAN, nhưng hàm lượng số vẫn còn là thách thức. Chẳng hạn, tỷ trọng các dịch vụ có thể được phân phối bằng cách số hóa tăng mạnh và đạt mức 50- 70% tổng thương mại dịch vụ ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore trong năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng internet để phân phối sản phẩm online là 50% ở Philippines, và chỉ ở mức 11% ở Indonesia vào năm 2015. Còn trong nội địa Indonesia, tỷ lệ này trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cực thấp, chỉ ở mức lần lượt là 10% và 2,5%.

Nói cách khác, kinh doanh buôn bán hàng hóa và dịch vụ của lĩnh vực kỹ thuật số rất tốt, nhưng bản thân việc sử dụng kỹ thuật số trong nội bộ nền kinh tế, hay còn gọi là số hóa nền kinh tế, của chính những nước này lại rất thấp. Thông qua IPEF, các nước ASEAN có thể được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ sinh thái số phục vụ doanh nghiệp, chính phủ, các kỹ năng số…

Thứ hai, IPEF có thể thúc đẩy mở rộng và đạ dạng hóa FDI của Mỹ trong khu vực ASEAN. Hiện tại, FDI của Mỹ tập trung chủ yếu ở Singapore, chiếm khoảng 85% trong khu vực. Sự phân bố lại chuỗi nhằm vào khu vực này để tăng cường sức chống chịu của chúng sẽ giúp đa dạng hóa dòng FDI của Mỹ cả về mặt phân bố địa lý lẫn lĩnh vực sản xuất và kinh doanh. Hiện tại, khoảng một phần ba nhập khẩu của Mỹ từ khu vực này là hàng điện tử và máy móc năm 2020. Tình trạng này sẽ được cải thiện nhờ IPEF, giúp ASEAN có vị trí cao hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao trình độ của nền kinh tế và thu nhập.

Thứ ba, IPEF sẽ giúp huy động tài chính cả tư lẫn công cho lĩnh vực tăng cường kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu. Mỹ đã cam kết 40 triệu USD đầu tư nhằm huy động khoảng 2 tỷ USD tài trợ hỗn hợp công tư cho năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng ở ASEAN.

Ý tưởng về IPEF lần đầu được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trực tuyến hồi tháng 10 năm ngoái. Nguồn: AP

Ý tưởng về IPEF lần đầu được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á trực tuyến hồi tháng 10 năm 2021. Nguồn: AP

Lợi ích nào cho ASEAN?

Như đề cập về vai trò của bốn trụ cột của IPEF, có thể khá dễ dàng nhận thấy rằng ASEAN sẽ thay thế phần nào cho Trung Quốc trở thành vùng địa lý mới tập trung các chuỗi cung ứng toàn cầu mà Mỹ và phương tây mong muốn, dù không phải tất cả các chuỗi. Đây chính là cơ hội lớn chưa từng có đối với ASEAN để tiếp cận được các công nghệ có trình độ cao, từ đó sẽ leo lên được những vị trí cao hơn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng tầm trình độ công nghệ quốc gia và cơ cấu nến kinh tế theo hướng dựa vào công nghệ và năng suất để có tăng trưởng cao và bền vững.

Quan trọng không kém, đó là các nước ASEAN có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ IPEF để nâng cao trình độ số hóa của nền kinh tế và thương mại. Đây là một yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững phù hợp với xu hướng của thời đại kỹ thuật số trên toàn cầu trong tương lai, tránh được nguy cơ tụt hậu. Cùng với đó là sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính đối với sự phát triển của năng lượng sạch, một xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Và đi kèm với điều này là sự hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân.

Ngoài ra, ASEAN có thể được hưởng lợi thứ cấp khi Mỹ trở thành đối tác quan trọng của mình về mặt kinh tế nhờ IPEF. Sự hiện diện của Mỹ trong khu vực sẽ kéo theo các đồng minh lớn của Mỹ từ EU, Anh Quốc, Australia, Canada… mở rộng đầu tư và thương mại, hợp tác và hỗ trợ về kinh tế cho khu vực. Đây cũng là một mục đích cơ bản mà Mỹ muốn kéo ASEAN gần với Mỹ và phương Tây hơn nhằm tách ASEAN khỏi ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Tóm lại, dù không phải là FTA thì IPEF cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích quan trọng đối với ASEAN về phát triển công nghệ, nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phát triển cở sở năng lượng sạch và tăng trưởng kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp họ không bị lệ thuộc một chiều vào luật lệ mà Trung Quốc đặt ra, nghĩa là giúp họ có quyền mặc cả với Trung Quốc hơn là phải tuân theo.

Quốc gia đông dân nhất thế giới có động thái mới trong cuộc đua nguyên liệu, gấp rút xin thăm dò khoáng sản biển sâu ở Thái Bình Dương

Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương : Thách thức và triển vọng

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/khuon-kho-kinh-te-an-do-thai-binh-duong-ky-ii-tac-dong-den-asean-247248.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương : Tác động đến ASEAN
    POWERED BY ONECMS & INTECH