Dù có những dự báo về nhiều lợi ích sẽ mang lại cho ASEAN, nhưng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ- Thái Bình Dương (IPEF) vẫn bị cho là phải đối mặt với những thách thức lớn.
IPEF đem lại cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng, tăng cường số hóa nền kinh tế, đầu tư nhân vào năng lượng sạch đối với các nước thành viên ASEAN.
Rủi ro từ quyết tâm của Mỹ
Do không có sự gắn kết chặt chẽ như FTA, có lo ngại rằng Mỹ có thể rút khỏi khuôn khổ này khi mà Mỹ cảm thấy không có triển vọng đạt được mục đích mong muốn trong tương lai. Nhìn từ góc độ chính trị của nước Mỹ, cũng có một mối lo ngại khác rằng vì chỉ là sự dàn xếp chứ không phải là một hiệp định nên cũng dễ có thay đổi, và thậm chí cũng có thể dễ bị loại bỏ nếu ông Biden không còn là Tổng thống Mỹ.
Đúng là có thể có sự thay đổi nào đó nếu ông Biden và Đảng Dân chủ không chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024. Tuy nhiên, điều này khó có thể dẫn đến việc loại bỏ IPEF bởi vì IPEF ra đời bắt nguồn từ sự thúc đẩy cấp thiết phải cạnh tranh và ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc. Chính sách này sẽ không thể thay đổi dù bất kỳ đảng nào chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Do đó, thách thức IPEF bị loại bỏ là rất thấp. Vấn đề không phải là Mỹ có quyết tâm hay không, mà đó là sự bắt buộc nếu Mỹ không muốn bị Trung Quốc đánh bại trong khu vực này.
Thách thức đối với IPEF
Các lợi ích mà IPEF có thể đem lại cho ASEAN hiện mới chỉ là sự phỏng đoán. Chỉ khi nào có các hiệp định được ký kết, các chương trình và kế hoạch cụ thể thể hiện qui mô tài chính, hướng chi tiêu… được phê duyệt thì mới có thể khẳng định chắc chắn hơn mức độ hưởng lợi đối với ASEAN.
Vấn đề đặt ra là nhu cầu tài chính cho các chương trình để đạt được mục đích hỗ trợ các nước thành viên ASEAN có thu nhập thấp hơn sẽ không hề ít. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề vỡ nợ như hiện nay thì việc đáp ứng nhu cầu này là một nhiệm vụ rất khó khăn. Nếu qui mô không đủ lớn, chắc chắn hiệu quả và/hay tác động tích cực mà người ta kỳ vọng IPEF sẽ đem lại cho ASEAN sẽ là không đáng kể.
Nói cách khác, qui mô tài chính cho IPEF và sự hợp lý của các chương trình và kế hoạch cụ thể là một thách thức thực sự đối với sự thành công của IPEF dưới góc độ tác động của nó đối với ASEAN.
Khuyến khích mở rộng hợp tác
Việc tham gia IPEF cũng không đòi hỏi những cải cách về thể chế kinh tế và/hay chính trị ở những nước tham gia. Do đó, IPEF không đòi hỏi phải chọn bên, mà Mỹ chọn bạn trong ASEAN.
Trên thực tế, Việt Nam mong muốn phát triển các dự án năng lượng sạch nhờ IPEF. Đồng thời, IPEF sẽ giúp Việt Nam tăng cường năng lực xuất khẩu sang Mỹ lên một trình độ cao mới. Singapore lại mong chờ các dự án về nền kinh tế xanh và nền kinh tế số để có tăng trưởng bền vững hơn. Còn Thái Lan muốn tham gia cả bốn trụ cột của IPEF vì quốc gia này rất nhạy cảm với các FTAs… Tất cả những điều này cho thấy không có sự xung đột nào trong quyết định tham gia IPEF của các nước ASEAN với Trung Quốc.
Đặc biệt, IPEF mang tính mở và không mang tính loại trừ nên khuôn khổ này cũng khuyến khích các thành viên hợp tác với các quốc gia khác và tham gia vào các khối liên kết khác. Điều này quan trọng đối với ASEAN vì các quốc gia ASEAN luôn muốn có hợp tác kinh tế với cả Trung Quốc. Do đó, vấn đề đặt ra là Mỹ cần chứng minh IPEF thực sự có lợi ích cho ASEAN; nếu không, ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm.
Không xung đột lợi ích
Một câu hỏi khác đặt ra cho IPEF là khi khu vực này có nhiều thỏa thuận, hiệp định, như RCEP, CPTPP…. thì IPEF có hiệu quả không hay nó có tạo ra rắc rối cho ASEAN không?
IPEF có thể sẽ vẫn hiệu quả vì những lợi ích chào mời đáp ứng được những đòi hỏi cấp thiết và mong mỏi của ASEAN trong khi lại không đặt ra điều kiện khắt khe. Và khi đã tham gia IPEF, các nước thành viên sẽ viết lại luật của mình về chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chống tham nhũng và trốn thuế. Điều này sẽ giúp ngăn ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây là mục đích cốt lõi của IPEF vì suy cho cùng, Mỹ sẽ quyết không để Trung Quốc viết luật chơi trong khu vực này dù có bao nhiêu khối liên kết đi chăng nữa.
Ngoại trừ BRI do Trung Quốc đứng đầu, còn các thỏa thuận hợp tác khác đều có sự tham gia của các đồng minh quan trọng của Mỹ. Do đó, IPEF sẽ không tạo ra xung đột. Trái lại, nó sẽ bổ sung cho các thỏa thuận hợp tác khác. Thậm chí, chính sự có mặt của Mỹ sẽ làm gia tăng sức cộng hưởng các hợp tác còn lại, trong khi ngăn chặn những tác động tiêu cực từ BRI. Bởi vì về cơ bản, chỉ có BRI do Trung Quốc đặt ra luật chơi, các thỏa thuận hợp tác khác về cơ bản tương đồng luật chơi với Mỹ. Đây là điều cần nhất mà IPEF tạo ra cho khu vực.