Kinh tế toàn cầu tăng trưởng ì ạch chưa từng thấy trong gần 70 năm
Một trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là các chính sách thương mại mang tính đối đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là cuộc chiến thuế quan nhằm vào các đối tác thương mại của Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang trên đà ghi nhận mức yếu nhất trong gần 70 năm, theo phân tích mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Trong báo cáo công bố ngày 10/6, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay từ 2,7% xuống còn 2,3%, giả định mức thuế hiện tại được duy trì đến cuối năm. Nếu đúng như dự báo, mức tăng này sẽ là yếu nhất kể từ năm 2008 – thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu – khi loại trừ hai năm suy thoái 2009 và 2020.

Cụ thể, kinh tế toàn cầu từng sụt giảm 1,3% vào năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính, và giảm 2,9% vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ngoại trừ hai giai đoạn này, chưa khi nào tốc độ tăng trưởng toàn cầu lại xuống thấp như dự báo năm nay.
World Bank nhấn mạnh, "sự gia tăng đột ngột của thuế quan và mức độ bất định kéo dài đã góp phần làm suy yếu tăng trưởng toàn diện, khiến triển vọng tại phần lớn nền kinh tế thế giới xấu đi đáng kể". Tổ chức này cho biết đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho gần 70% nền kinh tế toàn cầu – bao gồm mọi khu vực và nhóm thu nhập – do tác động từ căng thẳng thương mại.
Ngoài yếu tố thuế quan, các nước đang phát triển còn phải đối mặt với áp lực dài hạn từ nợ công tăng cao, càng làm triển vọng tăng trưởng trở nên bấp bênh hơn.
Trong thông cáo báo chí, World Bank cảnh báo: nếu các kịch bản tăng trưởng năm nay và năm sau diễn ra đúng như dự báo, thì trung bình tăng trưởng toàn cầu trong 7 năm đầu của thập kỷ 2020 sẽ là thấp nhất kể từ thập niên 1960.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đồng thời hạ triển vọng thị trường trái phiếu chính phủ toàn cầu từ mức “trung lập” xuống “suy giảm”, với lý do chính là bất ổn từ chính sách thuế quan và cuộc chiến thương mại leo thang.
“Việc leo thang căng thẳng thương mại, cùng với sự thiếu rõ ràng về điểm dừng của các biện pháp thuế quan và tác động lan tỏa lên thương mại, chuỗi cung ứng, đầu tư và quan hệ quốc tế, đang tạo ra cú sốc kinh tế tiêu cực mang tính toàn cầu”, Fitch nhận định.
Kể từ khi quay lại Nhà Trắng hồi tháng 1, Tổng thống Trump đã liên tiếp áp thuế lên hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ và nhiều mặt hàng chiến lược như thép và ô tô. Một vòng thuế “trả đũa” ở mức rất cao dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 9/7, nếu các nước liên quan không đạt được thỏa thuận với Washington – bất chấp việc một số mức thuế đang bị vướng rào cản pháp lý.
Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nối lại tại London trong tuần này, nhằm duy trì thỏa thuận đình chiến mong manh đạt được từ tháng trước. Tuy nhiên, chính bản thân các mức thuế – cùng sự bất định trong cách áp dụng – vẫn tiếp tục gây sức ép lên doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn cầu.
Theo CNN
>> Một hãng bay giá rẻ đột ngột đóng cửa, điều chuyển toàn bộ 13 máy bay Airbus