Đồng USD sụp đổ, vàng có thể vượt mốc 5.000 USD: Chuyên gia cảnh báo suy thoái kinh tế Mỹ sẽ nghiêm trọng hơn cả 2008 và Covid-19
Làn sóng rút vốn khỏi tài sản Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ. Lo ngại suy thoái, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tháo tài sản định danh bằng USD, từ cổ phiếu, trái phiếu cho tới trái phiếu chính phủ Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Kitco, chuyên gia kinh tế Peter Schiff đã đưa ra một trong những tuyên bố gay gắt nhất từ trước đến nay. Ông thẳng thắn chỉ trích tình hình kinh tế Mỹ hiện tại, cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đồng USD sắp xảy ra, sự sụt giảm sức mua và một làn sóng đảo chiều khốc liệt trong dòng vốn toàn cầu.

Theo Schiff, mô hình kinh tế Mỹ đang dần sụp đổ. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã sống vượt khả năng nhờ vào vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu và dòng vốn ngoại. Nhưng hệ thống này đang lung lay: đồng USD, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu Mỹ đang cùng lao dốc, cho thấy cơ chế “trú ẩn an toàn” truyền thống không còn phát huy hiệu quả.
Ông dự báo nước Mỹ sẽ rơi vào một giai đoạn stagflation (lạm phát cao đi kèm suy thoái) khốc liệt hơn cả thập niên 1970. Cú sốc này có thể khiến nhà đầu tư quốc tế mất niềm tin vào nợ công Mỹ và tháo chạy khỏi các tài sản định danh bằng USD.
Theo Schiff, đó sẽ là một “cuộc giải phóng” đưa thế giới bước sang một chu kỳ tăng trưởng mới – không có Mỹ trong trung tâm.
Liệu nhận định này có quá bi quan? Liệu Mỹ thật sự đang bên bờ vực suy thoái nặng nề?
Những dữ liệu mới nhất về thương mại đối ngoại của Mỹ càng làm dấy lên lo ngại. Tuần trước, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc qua đường biển giảm mạnh tới 64% chỉ trong một tuần. Tính rộng hơn, cả xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ đều lao dốc chỉ trong vài ngày.
Dù một phần có thể do hiệu ứng "mua trước đón đầu" trước khi thuế quan mới có hiệu lực, nhưng mức sụt giảm đột ngột này vẫn rất đáng báo động, gợi nhớ đến cú sốc chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ Covid.

Tín hiệu đáng ngại khác đến từ ngành sản xuất: chỉ số “Đơn hàng mới dự kiến cho 6 tháng tới” trong ngành sản xuất Mỹ đang dự báo một mức sụt giảm chưa từng có – thậm chí còn tồi tệ hơn giai đoạn khủng hoảng 2008 hay đại dịch Covid-19.
Tâm lý bi quan bao trùm. Các nhà sản xuất Mỹ đang chuẩn bị cho một đợt sụt giảm nhu cầu cực mạnh. Bức tranh toàn cảnh ngày càng bất ổn: chính quyền hiện tại liên tục đưa ra tín hiệu trái ngược và các quyết sách thiếu rõ ràng, khiến niềm tin doanh nghiệp suy giảm, đầu tư trì trệ. Việc liên tục tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị càng làm tăng hiệu ứng "chờ đợi" trên toàn thị trường.
Người tiêu dùng Mỹ cũng đang mất niềm tin. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng rơi xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc đại dịch Covid, cho thấy nỗi lo sâu sắc về tương lai kinh tế nước nhà.
Làn sóng rút vốn khỏi tài sản Mỹ đang diễn ra mạnh mẽ. Lo ngại suy thoái, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tháo tài sản định danh bằng USD, từ cổ phiếu, trái phiếu cho tới trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này cho thấy mức độ mất niềm tin nghiêm trọng vào khả năng chống chịu của kinh tế Mỹ.
Chỉ số DXY đã xuyên thủng ngưỡng tâm lý 100 điểm, báo hiệu sự quay lưng của thị trường toàn cầu với USD. Và người chiến thắng lớn nhất trong làn sóng tháo chạy này chính là vàng.
Vàng trở lại thời hoàng kim
Schiff chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang mua vàng ồ ạt, thay thế USD. Theo ông, họ đang chuẩn bị cho một hệ thống tiền tệ mới, trong đó vàng một lần nữa trở thành nơi lưu trữ giá trị chủ đạo. Schiff dự báo giá vàng có thể đạt 5.000-20.000 USD/ounce trong vài năm tới, không phải vì vàng tăng giá, mà vì USD mất giá.
Tháng 2 vừa qua, lượng vàng mua ròng bởi các ngân hàng trung ương đạt 24 tấn – mức cao nhất kể từ tháng 11/2024, đánh dấu tháng mua ròng thứ 20 trong 21 tháng gần nhất.
Nếu xu hướng này tiếp tục, 2025 sẽ là năm thứ 16 liên tiếp các nước tăng dự trữ vàng chính thức. Trong 3 năm qua, tổng cộng 3.176 tấn vàng đã được mua vào.
Không chỉ ngân hàng trung ương, Trung Quốc hiện cũng đang chứng kiến một cơn sốt vàng mới: nhà đầu tư, tổ chức tài chính, nhà máy luyện kim và cả người dân đều tích cực mua vàng – qua vàng vật chất, chương trình tích lũy tại ngân hàng, hay ETF. Sự quan tâm này xuất phát từ tâm lý mất niềm tin vào USD, và lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài.
Hệ quả là, vàng đang nổi lên như một tài sản chiến lược và bền vững, không còn chỉ là công cụ đầu cơ.

Dòng tiền kỷ lục đổ vào các quỹ ETF gắn với vàng đã đẩy mức chênh lệch giá vàng tại thị trường Trung Quốc lên 20 USD/ounce. Đồng thời, khối lượng hợp đồng tương lai vàng giao dịch trên Sàn Giao dịch Thượng Hải cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm.ndk
Ngược lại, người Mỹ vẫn thờ ơ. Trong khi USD đang mất giá mạnh, thì nhà đầu tư nhỏ lẻ Mỹ vẫn "tê liệt", không tận dụng được đà tăng phi mã của vàng.
Điều này cho thấy sự đối lập rõ rệt trong kỳ vọng giữa phương Đông và phương Tây. Tại Trung Quốc, vàng đã trở lại thành trụ cột chiến lược được đón nhận bởi cả người dân, ngân hàng trung ương lẫn tổ chức đầu tư. Trong khi đó, nhà đầu tư phương Tây đang bỏ lỡ một cơ hội mang tính lịch sử.
Cổ phiếu khai thác vàng: Cơ hội bị bỏ quên
Peter Schiff cũng nhấn mạnh rằng cổ phiếu các công ty khai thác vàng đang bị định giá thấp một cách lịch sử, do phần lớn nhà đầu tư cá nhân chuyển sang Bitcoin và không còn quan tâm đến vàng. Theo ông, cổ phiếu khai khoáng thậm chí có tiềm năng tăng giá lớn hơn cả vàng vật chất, nhờ vào biên lợi nhuận cao, chi phí năng lượng thấp và giá bán vàng cao.
Nếu dự báo của Schiff trở thành hiện thực, thị trường tài chính có thể chứng kiến sự đảo chiều mạnh mẽ trong vài tuần tới. Cổ phiếu truyền thống có thể sẽ bị bán tháo mỗi khi hồi phục (“sell the rip”), khi nhà đầu tư chuẩn bị cho suy thoái nặng, lãi suất cao kéo dài và đồng USD yếu về mặt cấu trúc.
Ngược lại, cổ phiếu ngành khai khoáng, đặc biệt là vàng, có thể trở thành điểm đến mới của dòng vốn toàn cầu: mọi nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội mua vào (“buy the dip”).
Hiện tượng này không chỉ do vàng trở lại vai trò trú ẩn an toàn, mà còn bởi nhà đầu tư ngày càng ưu tiên tài sản hữu hình có thể tạo dòng tiền trong môi trường lạm phát. Các công ty khai khoáng hội tụ cả ba yếu tố: đòn bẩy vận hành, định giá rẻ và hưởng lợi trực tiếp từ giá vàng tăng.
Nếu kịch bản của Schiff diễn ra, thị trường có thể chứng kiến làn sóng tái phân bổ vốn ồ ạt vào lĩnh vực khai khoáng, như một cách bù đắp cho cơ hội đã vụt mất với vàng vật chất.
Theo Gold Broker