Vĩ mô

Kinh tế vĩ mô khởi sắc, dự báo tăng trưởng GDP 2024 đạt 6,5%

Khúc Văn 23/07/2024 - 09:47

Trong cập nhật mới nhất về dự báo tăng trưởng trong năm 2024, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2024 lên mức 6,5% từ mức 6% trong báo cáo trước đó.

Kinh tế vĩ mô đã khởi sắc hơn

Theo KBSV, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã khởi sắc hơn trong 6 tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 5 năm trở lại đây, chỉ trừ năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch; khu vực công nghiệp và xây dựng dẫn đầu tăng trưởng nhờ sự hồi phục của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ giữ vững sự ổn định.

Kinh tế vĩ mô khởi sắc, dự báo tăng trưởng GDP 2024 đạt 6,5%
Theo KBSV, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã khởi sắc hơn trong 6 tháng đầu năm 2024.

Trong nửa năm còn lại, KBSV kỳ vọng những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô sẽ được duy trì nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong điều kiện nhu cầu tại các thị trường lớn cải thiện, dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút tốt, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và sự phục hồi của nhu cầu nội địa nhờ các biện pháp kích cầu.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 6,42%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2024, chỉ thấp hơn cùng kỳ năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19, cho thấy kinh tế Việt Nam đang từng bước phục hồi.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới ổn định hơn, đơn hàng đã quay trở lại Việt Nam giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tính riêng quý II, GDP tăng 6,93%, cao hơn đáng kể so với kết quả quý I (5,87%) và cùng kỳ năm 2023 (4,05%).

Tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng 6 tháng đầu năm 2024 cải thiện phản ánh tín hiệu phục hồi tích cực của nhu cầu nội địa. Hoạt động thương mại và dịch vụ khởi sắc. Trong đó, động lực chính đến từ bán lẻ hàng hóa với mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, đầu tư toàn xã hội tiếp tục gia tăng, khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 bứt phá trên mức nền thấp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khả quan…

Mặc dù những rủi ro về lạm phát và tỷ giá đã quay trở lại, KBSV nhận định những áp lực sẽ hạ nhiệt vào cuối năm và không vượt ra ngoài mức mục tiêu của Chính phủ. Theo đó, KBSV dự báo tăng trưởng GDP 2024 đạt 6,5% từ mức 6% trong báo cáo trước đó.

Trong đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 bao gồm: hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục khả quan; dòng vốn FDI và giải ngân đầu tư công tăng trưởng ổn định; nhu cầu nội địa và thị trường bất động sản mặc dù chuyển biến chậm nhưng sẽ có xu hướng hồi phục từng bước.

Ở chiều ngược lại, các rủi ro lớn nhất đối với dự báo tăng trưởng GDP bao gồm: lạm phát và tỷ giá không hạ nhiệt như dự báo ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, các rủi ro liên quan đến vấn đề địa chính trị gây áp lực lên giá năng lượng, giá cước vận tải… khiến các ngân hàng trung ương hạ lãi suất chậm hơn dự kiến.

>>CIEM: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt gần 7%

Tăng trưởng 7% là hoàn toàn có hi vọng

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, có cơ sở để hy vọng kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7% trong năm 2024 khi tăng trưởng xuất nhập khẩu, tiêu dùng trong nước đã quay trở lại trong những tháng đầu năm. Cụ thể, về xuất nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17%. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt cao so với 6 tháng đầu năm các năm trong giai đoạn 2020 - 2024. Kim ngạch nhập khẩu ước 6 tháng đầu năm 2024 tăng, phản ánh tín hiệu tốt cho thấy hoạt động sản xuất trong nước cũng phục hồi so với năm trước, khi 6 tháng đầu năm 2023 giảm 18%.

Làn sóng đầu tư công với hàng loạt dự án trọng điểm là cơ sở để Cienco 4 đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm 2024. Ảnh: Cụm nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng), một dự án lớn có sự góp mặt của Cienco 4
Tăng trưởng 7% là hoàn toàn có hi vọng.

Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 3,098 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sức mua của nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi sau Covid-19. Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực và phát huy vai trò, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong nước.

Bên cạnh các động lực trên, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng được đánh giá là điểm sáng trong bức trang kinh tế 6 tháng đầu năm và là cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024.

Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%. Đây là con số đáng lưu ý, bởi vốn đăng ký mới tức là dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%, cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư và mở rộng.

Đối với kỳ vọng của 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức lạc quan khi đưa ra dự kiến, Việt Nam thu hút FDI đạt khoảng 39-40 tỷ USD trong năm 2024, tương đương hoặc cao hơn so với kết quả năm 2023.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024. Sự phục hồi tăng trưởng trong các ngành sản xuất, dịch vụ hướng tới xuất khẩu và nông nghiệp ổn định sẽ giúp nền kinh tế phục hồi. Dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại bền vững, chính sách hỗ trợ tài chính và chương trình đầu tư công cũng sẽ kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu có thể cản trở tăng trưởng.

Trong họp báo về Triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định sau những khó khăn của năm 2023, các yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ dần được cải thiện trong năm 2024. Theo đó, IMF nhận định tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam đạt 5,8%.

Một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam gồm sự phân mảnh kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, rủi ro về ổn định tài chính, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% mỗi năm, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD vào năm 2030

Điểm tựa tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-vi-mo-khoi-sac-du-bao-tang-truong-gdp-2024-dat-65-242789.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế vĩ mô khởi sắc, dự báo tăng trưởng GDP 2024 đạt 6,5%
POWERED BY ONECMS & INTECH