Vĩ mô

Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: ‘Xuất khẩu là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’

Khúc Văn 20/06/2024 - 10:29

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy cho biết xuất khẩu đang là động lực trực tiếp và có tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu thuận lợi sẽ mang đến tăng trưởng GDP tích cực và ngược lại.

Xuất khẩu có tác động gián tiếp tới tăng trưởng

Lý giải về nguyên nhân vì sao xuất khẩu là động lực chính, ông Linh cho biết trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa chiếm đa số với 82% GDP. Xuất khẩu dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ du lịch và vận tải chiếm 12% GDP. Hai thành tố quan trọng khác của tăng trưởng kinh tế là bán lẻ hàng hóa dịch vụ (phản ánh sức cầu tiêu dùng của dân cư) và đầu tư toàn xã hội (bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư công, đầu tư của khối FDI...) chỉ chiếm lần lượt 61% và 33% GDP.

Năm 2018 và 2019, Việt Nam có được tăng trưởng GDP trên 7%, mức cao nhất 10 năm. Cùng thời gian đó, xuất khẩu tăng lần lượt 13,2% và 8,4%. Còn trong năm 2023, khi xuất khẩu giảm 4,6% thì tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 5%.

Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Năm 2023, khi xuất khẩu giảm 4,6% thì GDP cũng chỉ đạt 5%.

Không dừng lại ở tác động trực tiếp, xuất khẩu còn có tác động gián tiếp đến tăng trưởng qua lượng việc làm và thu nhập, yếu tố có ảnh hưởng hàng đầu đến sức cầu đối với bán lẻ hàng hóa dịch vụ.

Trong năm 2023, khi xuất khẩu tăng trưởng âm thì tình trạng mất việc, giảm thu nhập cũng gia tăng. Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số đơn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp trong năm 2023 đã tăng lên 1,1 triệu lượt, xấp xỉ bằng năm 2020, năm xảy ra đại dịch (1,12 triệu lượt) và cao hơn nhiều số đơn đăng ký thất nghiệp của các năm trước đại dịch. Trong hai năm 2018-2019 số đơn đăng ký thất nghiệp chỉ là 770 nghìn và 850 nghìn lượt.

Sự bấp bênh của việc làm và thu nhập đã kìm hãm sức cầu tiêu dùng. Chỉ số bán lẻ của năm 2023 chỉ tăng 7,1% dù lãi suất đã được kéo xuống rất thấp và thuế VAT được giảm xuống 8% với hầu hết các mặt hàng tiêu dùng.

Trong khi đó, 3 năm trước Covid (2017-2019), chỉ số bán lẻ đều tăng trên 9% trong môi trường lãi suất và thuế VAT đều cao hơn.

Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước (nhóm Big4) hai năm 2018 và 2019 dao động trong khoảng từ 6,7%-7,1%. Trong khi đó mức lãi suất huy động bình quân năm 2023 của nhóm này giảm xuống chỉ còn 6,1%. Đặc biệt 4 tháng cuối năm 2023, lãi suất huy động giảm xuống dưới 5%.

>>Thủ tướng: Môi trường kinh doanh năm sau tốt hơn năm trước

Quyết liệt hơn trong cải cách thể chế

Khách quan mà nói, hiện Việt Nam được đánh giá đã tương đối thành công trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, cũng như an sinh xã hội hậu Covid-19. Ðó chính là những nền tảng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, phải xác định việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động.

Khu Đông với nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ định hướng quy hoạch và hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ
Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.

Trong gần bốn năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, điều đáng mừng là Việt Nam đã có những nền tảng cho “đổi mới tư duy” khi Quốc hội, Chính phủ rất quyết liệt đồng hành, tháo gỡ không ít rào cản về mặt thể chế, ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm mở rộng không gian kinh tế, giảm chi phí không cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp... Nhờ đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tư duy cải cách.

Mặc dù vậy, hiện nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện, gây khó khăn trong tổ chức triển khai. Do đó, để phát huy các động lực tăng trưởng mới, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh thời gian tới Việt Nam cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ.

Cùng với đó, Việt Nam cần phải tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Ðể tiếp cận hiệu quả thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng doanh nghiệp, từ đó lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Ðồng thời, chính các doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tăng cường năng lực quản trị, tài chính nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Ðây sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được các động lực tăng trưởng cũ và tìm kiếm mục tiêu tăng trưởng mới, góp phần phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới.

>>Đóng góp hơn một nửa GDP, đây là những chaebol thống trị nền kinh tế Hàn Quốc qua nhiều thế hệ

Giá ‘vàng đen’ vọt lên đỉnh lịch sử, Việt Nam còn bao nhiêu để xuất khẩu?

Xuất khẩu tôm đối diện nhiều thách thức

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-viet-nam-6-thang-cuoi-nam-xuat-khau-la-dong-luc-quan-trong-nhat-cua-nen-kinh-te-239326.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: ‘Xuất khẩu là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’
    POWERED BY ONECMS & INTECH