Vĩ mô

Kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm: HSBC ngạc nhiên về sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất

Khúc Văn 12/10/2023 - 22:06

HSBC đánh giá áp lực lạm phát gia tăng là lý do chính khiến Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ không tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Tại báo cáo mới vừa công bố với tựa "Vietnam at a glance: Ánh sáng cuối đường hầm" vừa công bố HSBC cho rằng, mặc dù vẫn giữ dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5,0% nhưng sẽ nâng dự báo lạm phát bình quân lên 3,4%, từ mức 3,2%.

Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ

Với sự phục hồi liên tục, lạm phát gia tăng và rủi ro ngoại tệ xuất hiện trở lại, HSBC tin rằng các điều kiện không còn đảm bảo cho dự báo đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản cuối cùng của HSBC trước đây. Nói cách khác, hiện tại HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,50% trong suốt năm 2024, trừ khi có cú sốc lớn từ bên ngoài.

Sau nửa đầu năm khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tăng trưởng cuối Quý 3 đạt mức khá tốt là 5,3% vượt xa kỳ vọng của thị trường (HSBC: 4,8%; Bloomberg: 5,0%; Trước đó: 4,1%). Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Việt Nam dường như vẫn trên đà phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát sao rủi ro lạm phát.

Kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm: HSBC ngạc nhiên về sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất
Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Điều khiến HSBC ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi vốn rất cần thiết.

Mặc dù một phần là do hiệu ứng cơ sở thấp, xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên sau hơn sáu tháng, giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm xuống dưới 2% so với cùng kỳ trong Quý 3. Trong khi tình trạng suy yếu xuất khẩu vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngành hàng, riêng máy tính và nông sản tăng trưởng khá tốt có thể bù đắp cho một số rủi ro.

Xu hướng này cũng được phản ánh trong tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lớn. Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ (30% thị phần) và EU (15% thị phần) vẫn chưa thấy được sự chuyển biến nhưng cũng đã ngưng sụt giảm thêm. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc (15% thị phần) liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng nông sản.

Cùng với đó, theo HSBC bất chấp những thách thức mang tính chu kỳ trong thương mại, triển vọng FDI dài hạn của Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng. Mặc dù FDI đã giảm so với đỉnh năm 2017, một phần do bối cảnh tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn, Việt Nam vẫn là quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI, chỉ đứng sau Malaysia.

Sản xuất, du lịch là nền tảng cho sự tăng trưởng

Ngoài sản xuất, dịch vụ vẫn là nền tảng cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Nhìn sơ bộ, các lĩnh vực có mức tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ năm trước đều liên quan đến du lịch. Xét trên diện rộng, ASEAN đã chứng kiến lượng khách du lịch quay trở lại khoảng 60-80% so với mức của năm 2019, trong đó tốc độ phục hồi của Việt Nam đang tiến gần đến mốc 70% trong tháng 9. Bất chấp một số biến động hàng tháng về dữ liệu du lịch, tính đến tháng 9, Việt Nam đã đón 8,9 triệu khách du lịch buộc các cơ quan quản lý phải nâng chỉ tiêu cả năm lên 13 triệu, từ mức 8 triệu trước đó. Trong bối cảnh mùa đông sắp diễn ra ở khu vực Bắc bán cầu và với quy định nới lỏng thị thực gần đây, Việt Nam có vẻ đang trên đà tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về du lịch.

HSBC cho rằng, trong khi tăng trưởng chứng kiến một số tin tốt, các rủi ro về lạm phát cũng xuất hiện. Trong khi lạm phát tháng 9 được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5% của NHNN, lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại (Biểu đồ 5). Một mặt, giá thực phẩm đã tăng khoảng 3% so với tháng trước trong hai tháng liên tiếp, đẩy lạm phát so với cùng kỳ năm trước vượt quá 10%.

Đồng thời, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài. Mặc dù vậy, nhà băng này cũng không kỳ vọng chuyện tương tự tháng 10 năm ngoái lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay tăng lãi suất.

Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện. HSBC đưa ra ví dụ, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng.

Theo các nhà phân tích của HSBC, nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đã nhìn thấy một số tín hiệu phục hồi vốn đang rất cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và du lịch.

"Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng năm 2023 ở mức 5,0%, kỳ vọng một sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV/2023. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát đã xuất hiện trở lại. Xét tình hình tỷ giá USD/VND mạnh lên, chúng tôi loại bỏ dự đoán trước đó về đợt cắt giảm lãi suất cuối cùng 50 điểm cơ bản", các nhà phân tích của HSBC cho biết thêm.

Khu vực luôn là 'đầu tàu kinh tế' Việt Nam sẽ trở thành vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước

Trên công trường 4 dự án hàng trăm nghìn tỷ sắp 'cán đích', nâng cấp đô thị 'đầu tàu' kinh tế Việt Nam

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-viet-nam-dang-nhin-thay-anh-sang-cuoi-duong-ham-hsbc-ngac-nhien-ve-su-phuc-hoi-trong-linh-vuc-san-xuat-205450.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm: HSBC ngạc nhiên về sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất
POWERED BY ONECMS & INTECH