Kinh tế Việt Nam - Góc nhìn từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED

17-12-2021 15:44|Minh Tùng

Chính sách thắt chặt tiền tệ được đưa ra mới đây của FED sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức và khó khăn nhiều hơn.

Sau thời gian dài áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, trước áp lực lạm phát cũng như đà hồi phục kinh tế, FED đã đưa ra lộ trình cụ thể cho chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới.

Theo đó, FED cho biết sẽ đẩy nhanh quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng. Trong đó, FED đã giảm mua tài sản khoảng 15 tỷ USD trong tháng 11 và sẽ nâng mức giảm lên 30 tỷ USD trong tháng 12/2021. Từ tháng 01/2022, FED chỉ mua 60 tỷ USD tài sản mỗi tháng, bằng một nửa so với mức mua tài sản 120 tỷ USD năm trước đây.

Sau khi kết thúc chương trình mua tài sản vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân, FED kỳ vọng sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại.

Trong dự báo mới nhất, các thành viên của FED đều nghiêng theo hướng nâng lãi suất. Theo đó, dự báo lãi suất của từng thành viên cho thấy chỉ 6 trong số 18 thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) có ít hơn 3 lần nâng lãi suất trong năm 2022 và không thành viên nào dự báo giữ nguyên lãi suất.

Dù động thái siết chặt tiền tệ này của FED đã được dự đoán từ trước nhưng chắc chắn sẽ gây ra một số tác động nhất định đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương các nước cũng như một số yếu tố vĩ mô.

Về lý thuyết, việc tăng lãi suất cơ bản của FED tất yếu sẽ làm cho đồng USD tăng giá và đồng thời làm cho vàng, chứng khoán và các đồng tiền khác giảm giá. Vì lý do đó, nhà đầu tư mua USD nhiều hơn, cũng có nghĩa là dòng vốn vào thị trường vàng và chứng khoán giảm tuân theo nguyên lý “lãi suất và thị giá chứng khoán luôn có sự biến động ngược chiều”.

Rõ ràng không bất ngờ khi giá vàng thế giới đã giảm mạnh trong phiên ngày thứ Tư (15/12) sau tuyên bố của FED. Việc giảm bớt các biện pháp kích thích và nâng lãi suất có xu hướng thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng, qua đó sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.

Tác động nhất định đến dòng vốn đầu tư và tỷ giá

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho biết, FED chính thức phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lạm phát tại Mỹ và trên toàn cầu đang ở mức rất cao. Thứ hai, vấn đề việc làm tại Mỹ giai đoạn gần đây đã có nhiều cải thiện. Thứ ba, hoạt động sản xuất kinh doanh khác tại Mỹ đã có những tín hiệu phục hồi tích cực.

ts.can-van-luc.jpg
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV.

Tuy nhiên, khi FED tăng lãi suất sẽ gây ra một số tác động lên nền kinh tế vĩ mô.

Trước hết, khi FED tăng lãi suất thì rõ ràng lãi suất đồng USD sẽ tăng lên trên toàn cầu.

Thứ hai, việc này có thể tạo ra làn sóng các Ngân hàng Trung ương khác tăng lãi suất.

Thứ ba, tỷ giá đồng USD sẽ mạnh lên, tất nhiên không nhiều, vì điều này đã được dự báo từ trước.

Thứ tư, dòng vốn đầu tư có thể bị rút khỏi một số thị trường mới nổi, có thể chảy về Mỹ hoặc châu u khi lãi suất ở những nơi này được tăng lên. “Tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra hoặc xảy ra rất ít với Việt Nam như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2013 - 2015 trước đây. Tuy nhiên, nếu triển vọng kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, môi trường đầu tư hấp dẫn thì họ vẫn sẽ giữ dòng vốn đầu tư tại Việt Nam.”, ông Lực kỳ vọng.

Nhìn lại quá khứ, ngay cả trong giai đoạn FED thực hiện nâng lãi suất vào cuối năm 2015 sau gần một thập kỷ trì hoãn, thì các tác động tiêu cực và trực tiếp ảnh hưởng lên Việt Nam không thực sự rõ nét. Về Ngân hàng Trung ương các nước, họ sẽ phải phân tích và đánh giá, tùy bối cảnh từng nước để có hành động phù hợp.

Nói riêng về Việt Nam, cần phải theo dõi thận trọng nền kinh tế vì khi FED thắt chặt tiền tệ sẽ gây ra một số tác động nhất định đến dòng vốn đầu tư và tỷ giá dù không nhiều.

“Lãi suất về cơ bản vẫn giữ ổn định, một số khuyến nghị gần đây còn cho rằng nên giảm tiếp lãi suất điều hành nhưng cá nhân tôi không đồng ý, cho rằng mức lãi suất hiện nay đã ở mức tương đối thấp, nên cố gắng giữ ổn định cả lãi suất điều hành, lãi suất huy động và cho vay. Đây cũng là cách để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.”, ông Lực kiến nghị thêm.

Có thể cân đối để VND mất giá nhẹ và tăng nhẹ lãi suất

Theo ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô của Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS), câu chuyện FED tăng lãi suất đã được dự đoán trước nếu lạm phát không có xu hướng giảm hoặc giảm không dưới 2%. Do đó, chắc chắn các Ngân hàng Trung ương sẽ bắt đầu xu hướng tăng lãi suất, nhất là những nước ở thị trường mới nổi. Đây là những quốc gia có sự nhạy cảm trước áp lực lạm phát và sự bị động của đồng nội tệ.

Rõ ràng, ngay sau động thái của FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã thông báo nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, lãi suất cơ bản được nâng từ 0.1% lên 0.25% giữa lúc lạm phát ngày càng tăng.

Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đang hết sức thận trọng trong việc đưa ra các chính sách về lãi suất. Trong thời gian tới, Mỹ chỉ đưa ra lộ trình tăng lãi suất, sự sai biệt có thể sảy ra nếu áp lực lạm phát nguội đi. Tuy nhiên, tổng thể thì lộ trình tăng lãi suất của FED đã được thể hiện rõ ràng. Vì lý do đó, trong năm sau Việt Nam có thể đứng trước 2 lựa chọn.

Thứ nhất, khi Mỹ tăng lãi suất, sẽ gây áp lực lên VND, nếu muốn bảo vệ VND, các cơ quan điều tiết tiền tệ Việt Nam cũng bắt buộc phải tăng lãi suất.

Thứ hai, nếu vẫn muốn hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch thì NHNN có thể chấp nhận để cho VND mất giá so với USD, tuy nhiên tỷ giá chênh lệch không được vượt quá 3% để tránh gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô. “NHNN có thể lựa chọn để VND mất giá nhẹ và lãi suất tăng nhẹ là hài hòa nhất, không gây áp lực lên thị trường và nền kinh tế.”, ông Tuấn khuyến nghị. Như vậy, về cơ bản, lãi suất sẽ vẫn ổn định và tùy vào tình hình thực tế có thể đi lên nhẹ sau khi Mỹ chính thức tăng lãi suất.

Chuyên gia dự báo sốc về giá vàng

Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh thế nào khiến đồng yên trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kinh-te-viet-nam-goc-nhin-tu-chinh-sach-that-chat-tien-te-cua-fed-130605.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế Việt Nam - Góc nhìn từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED
    POWERED BY ONECMS & INTECH