Thế giới

Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh thế nào khiến đồng yên trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986?

Bạch Linh 27/06/2024 14:48

Khoảng cách lớn giữa lãi suất ở Nhật Bản và Mỹ là nguyên nhân chính kéo đồng yên xuống thấp trong năm nay. Và sự biến động không ngừng của đồng tiền Nhật Bản chính là biểu hiện rõ ràng của việc Mỹ đang thống trị thị trường tài chính như thế nào.

Đồng yên liên tục lao dốc

Các quan chức Nhật Bản đang phải đối diện với vấn đề nan giải khi đồng yên liên tục lao dốc qua các mốc quan trọng. Sáng ngày 27/6, đồng yên đã giao dịch với tỷ giá 160,86 yên/USD - ghi nhận mức yếu nhất của đồng tiền Nhật Bản kể từ tháng 12/1986.

Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh thế nào khiến đồng yên trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986?
Đồng yên đã giao dịch với tỷ giá 160,86 yên/USD - ghi nhận mức yếu nhất của đồng tiền Nhật Bản kể từ tháng 12/1986

Theo đó, đà trượt giá này sẽ không dừng lại cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ hiện tại của mình. Nhưng quan trọng, phía Nhật Bản lại chẳng thể kiểm soát điều này.

Đây là vấn đề chung mà các nhà đầu tư toàn cầu nhận thấy khi họ phân tích cách lãi suất cao của Mỹ hỗ trợ đồng USD và tạo ra ảnh hưởng đối với phần còn lại của thế giới. Trên thị trường tiền tệ toàn cầu với thanh khoản 7,5 nghìn tỷ USD/ngày, sự biến động không ngừng của đồng yên là biểu hiện rõ ràng của việc Mỹ đang thống trị thị trường tài chính như thế nào.

Andrew Brenner, Giám đốc bộ phận thu nhập cố định quốc tế tại NatAlliance Securities LLC nhận định: “Tất cả đều có liên quan đến Fed. Chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lãi suất ngắn hạn ở mức cao, thu hút dòng tiền vào Mỹ và giữ cho đồng USD mạnh. Đối với Nhật, đây là vấn đề lớn”.

>> Đồng yên giảm mạnh, châu Á có thể sắp bùng nổ chiến tranh tiền tệ mới?

Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh thế nào khiến đồng yên trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986?
Nhiều đồng tiền suy yếu so với đồng USD trong năm nay do chênh lệch lãi suất

Sự thống trị của Mỹ trên các thị trường tài chính toàn cầu đã được thể hiện đầy đủ vào thứ 4, ngày 26/6. Thước đo chính của đồng USD đã đóng cửa ở mức cao mới từ đầu năm nay, gây áp lực lên hàng loạt các đồng tiền còn lại của thế giới. Chứng khoán Mỹ cũng đang trên đà kết thúc một quý tăng trưởng mạnh khác, trong khi Bộ Tài chính nước này đã nhanh chóng tìm được người mua lượng trái phiếu 70 tỷ USD đã được đưa ra bán đấu giá.

Đó là một câu chuyện khác đối với đồng yên khi đồng nội tệ Nhật Bản giảm tới 0,7% xuống còn 160,87 yên đổi 1 USD, thủng mốc mà các quan chức nước này đã can thiệp hồi tháng 4/2024. So với đồng euro, đồng yên cũng đã giảm xuống 171,8 - mức yếu nhất từng được ghi nhận. Giữa những động thái này, quan chức tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, Masato Kanda, đã nhắc lại rằng các nhà chức trách đang khẩn trương theo dõi thị trường ngoại hối và sẽ thực hiện các bước can thiệp nếu cần.

Chính sách sẽ không hiệu quả

Vấn đề là, những nỗ lực của các quan chức Tokyo nhằm hỗ trợ đồng yên cho đến nay không khả quan. Các chiến lược gia cho rằng, đồng tiền này vẫn tiếp tục suy yếu trong những tuần kể từ khi quốc gia châu Á can thiệp ngoại hối kỷ lục với 9,8 nghìn tỷ yên (tương đương hơn 60 tỷ USD). Thậm chí, họ cho rằng sự can thiệp sâu hơn cũng có thể sẽ không đem lại hiệu quả.

Bob Savage, người đứng đầu bộ phận Chiến lược thị trường và Thông tin chi tiết tại BNY Mellon Capital Markets ở New York nhận định: “Tôi không thấy điều này thực sự đem lại kết quả cho đến khi Fed thực sự nới lỏng chính sách. Tổng quan, bạn phải giảm nhu cầu về đồng USD ở Nhật Bản. Bạn hoặc phải có lãi suất dài hạn đủ cao hoặc lãi suất Mỹ đủ thấp. Cả hai điều đó đều không xảy ra”.

Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai công bố hôm thứ 2, các nhà quản lý tài sản đã đặt cược vào sự giảm giá của đồng yên. Thậm chí, tuần trước họ đã có mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2006.

Nguyên nhân từ Fed

Khoảng cách lớn giữa lãi suất ở Nhật Bản - nơi lãi suất vẫn gần bằng 0 và Mỹ là nguyên nhân chính kéo đồng yên xuống thấp trong năm nay.

Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh thế nào khiến đồng yên trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986?
Khoảng cách lớn giữa lãi suất ở Nhật Bản và Mỹ là nguyên nhân chính kéo đồng yên xuống thấp trong năm nay

Đó không phải là cách mà mọi thứ được mong đợi sẽ diễn ra. Khi năm nay bắt đầu, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất - thậm chí có nhiều dự đoán là cắt giảm lãi suất tới 6 lần. Hành động này được kỳ vọng có thể dẫn dắt các Ngân hàng Trung ương lớn đi theo xu hướng nới lỏng toàn cầu ngay cả khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đi theo hướng khác để thoát khỏi chính sách lãi suất cực thấp. Nhưng trái lại, kinh tế Mỹ lại quá mạnh mẽ và lạm phát vẫn chưa thể quay về mức mục tiêu của NHTW nên Fed vẫn phải giữ lãi suất ở mức cao, còn BoJ đã có động thái tăng lãi suất nhẹ nhàng.

Kathy Jones, Chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab cho hay: “Đây là năm mà đồng yên dự kiến sẽ tăng giá cùng với lãi suất Nhật Bản. Nhưng bây giờ, chúng tôi vẫn phải chờ đợi”.

Báo cáo về PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Fed dự kiến sẽ được công bố vào tối thứ 6, ngày 28/6 (theo giờ Việt Nam). Nó được đánh giá là chất xúc tác lớn tiếp theo cho đồng yên. Các nhà kinh tế dự đoán PCE lõi sẽ có phần giảm tốc - có thể thúc đẩy Fed tiến hành cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Rất nhiều thứ có thể tác động tới Nhật Bản. Citigroup ước tính nước này có từ 200 - 300 tỷ USD dự trữ để tài trợ cho bất kỳ chiến dịch can thiệp nào tiếp theo, điều này đòi hỏi phải bán USD và các đồng tiền khác mà nước này nắm giữ trong dự trữ tiền mặt hoặc thậm chí là trái phiếu Chính phủ trên khắp thế giới để mua đồng yên.

Đối với chuyên gia Dominic Konstam, bất kỳ sự can thiệp nào cũng chỉ nhằm mục đích "làm chậm quá trình đồng yên chạm đáy cuối cùng" khi BoJ bình thường hóa chính sách tiền tệ. “Vấn đề mà họ gặp phải là đang can thiệp sai hướng. Họ có nguồn dự trữ hạn chế và không thể chi hàng trăm tỷ để bảo vệ đồng yên”, người đứng đầu bộ phận Chiến lược vĩ mô tại Mizuho Securities USA nói.

>> Nóng: NHTW Nhật Bản đưa ra quyết định mới về lãi suất, đồng yên lập tức chạm đáy mới trong 34 năm

Không phải tháng 7, chuyên gia tiết lộ đây mới là thời điểm Fed có thể cắt giảm lãi suất

Quan chức Fed ủng hộ động thái tăng lãi suất

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/fed-da-giang-don-manh-the-nao-khien-dong-yen-truot-xuong-muc-thap-nhat-ke-tu-nam-1986-240244.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh thế nào khiến đồng yên trượt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986?
POWERED BY ONECMS & INTECH