Vĩ mô

Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược'

baochinhphu.vn 05/10/2023 16:26

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn, đánh giá ở góc nhìn đa diện, đa chiều về những cơ hội và thách thức, những kết quả nổi bật, những kỳ vọng và các vấn đề cuộc sống đặt ra.

15H TỌA ĐÀM: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm (từ bên trái): TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore; ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Nguyễn Sĩ Dũng -

Sau thành công rất tốt đẹp, được đánh giá là "ngoài mong đợi" của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021, đất nước ta bước vào triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH theo tinh thần Nghị quyết Đại hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID – 19, trong đó đợt bùng phát lần thứ 4 ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.

Khi dịch bệnh tạm lắng xuống từ cuối năm 2021, nước ta lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới bởi diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực. Đó là, tác động dai dẳng, kéo dài của đại dịch COVID-19 dẫn đến sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đến nay chưa đến hồi kết thúc, lạm phát thế giới neo ở mức cao, hầu hết các nước vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ;... Trong khi đó, nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên chịu tác động mạnh bởi tình hình thế giới.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tích tụ thành những "cơn gió ngược", song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư..., Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế phát triển; ứng phó linh hoạt và hóa giải hiệu quả các khó khăn, thách thức, thậm chí biến "nguy" thành "cơ"... để đưa nền kinh tế ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển, nhất là trong năm 2023 này theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước (GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%). Không phải ngẫu nhiên, nhiều định chế, tổ chức quốc tế uy tín nhận định: "Kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới".

Để có cái nhìn tổng quan, sinh động, toàn diện về sự phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh nước ta đã và đang phải vượt những "cơn gió ngược" do tác động của diễn biến tình hình thế giới; sự linh hoạt, uyên chuyển, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cũng như sự lăn xả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết các vướng mắc, duy trì đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các khó khăn, thách thức đặt ra cần ứng phó, hóa giải và vượt qua; xu thế và triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới;... hôm nay, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn, đánh giá ở góc nhìn đa diện, đa chiều về những cơ hội và thách thức, những kết quả nổi bật, những kỳ vọng và các vấn đề cuộc sống đặt ra.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm:

- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

- Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

- TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore

- Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội điều phối Tọa đàm.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho Thứ trưởng Trần Quốc Phương! Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật về sự phục hồi kinh tế nước ta đạt được thời gian qua, đặc biệt là trong 9 tháng đầu năm qua với tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng (4,24%) và để có được những kết quả này, nước ta đã phải ứng phó và vượt qua những khó khăn, thách thức được coi là những, trở lực, "cơn gió ngược" như thế nào? Đâu là những điểm nhấn nổi bật nhất?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật. Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái và kết quả này đã bù cho kết quả các quý trước và 9 tháng đạt kết quả chung GDP 4,24%. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Để có sự phục hồi như vậy, rõ ràng chúng ta đã khá lên sau từng tháng, kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau đạt cao hơn quý trước. Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta.

Đầu tiên, tôi đánh giá cao công tác điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng vừa qua. Sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỉ giá phù hợp, đảm bảo tính thanh khoản của toàn hệ thống.

Thứ hai, chúng ta cũng vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.

Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Năm nay là năm có lượng vốn đầu tư công cao nhất từ trước đến nay, do đó thách thức về giải ngân vô cùng lớn. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu ra 4 điểm sáng của nền kinh tế gồm: Thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải ngân đầu tư công vượt mức và thành tựu về đối ngoại.

Từ thông tin được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương vừa chia sẻ, xin hỏi ông Phan Đức Hiếu có nhận định, đánh giá như thế nào về sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, điều hành vĩ mô thời gian qua? Ông nhìn nhận gì về những kết quả chúng ta đạt được như nêu trên?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (trái) trao đổi cùng TS. Nguyễn Sĩ Dũng tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu: Tôi rất nhất trí với 4 điểm nhấn Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nêu. Ngoài ra, nhìn vào những con số chi tiết kết quả phát triển kinh tế xã hội đã đạt được thì còn rất nhiều điểm tích cực khác. Cá nhân tôi cho rằng, để đánh giá một cách toàn diện, nên quan tâm 3 vấn đề.

Thứ nhất, kết quả chúng ta đã đạt được trong thời gian qua chính là nỗ lực và nguồn lực chúng ta đã bỏ ra để giải quyết những khó khăn, giúp chúng ta đạt được sự tăng trưởng tích cực đó. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã thực thi, ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tiền.

Chính phủ đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính khoảng 150 nghìn tỷ. Trên cơ sở này, chúng ta cũng phải căn cứ, tính toán để có thể đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được.

Thứ hai, để đạt được kết quả phát triển kinh tế như vậy là nhờ những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng.

Khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không ỷ lại vào Chính phủ. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng ghi nhận những đóng góp rất tích cực của các địa phương. Nhiều địa phương mặc dù bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhưng tốc độ giải ngân, thu ngân sách, tăng trưởng phát triển kinh tế vẫn đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Thứ ba là sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách. Đơn cử như nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Chính phủ còn chỉ đạo cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật, thậm chí Chính phủ chỉ đạo không ban hành các quy định trong thời gian khó khăn nếu quy định đó tạo ra những khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp.

Trong khoảng tháng 7-8, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ về sự chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, phù hợp. Đây là những hành động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ và quyết đoán của Chính phủ.

Từ 3 vấn đề cần quan tâm tôi đã nêu trên, điều đó có nghĩa là ngoài những kết quả tích cực mà chúng ta đã đạt được thông qua các con số, chúng ta cũng nên nhìn nhận và ghi nhận những nỗ lực khác đằng sau những con số đó.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đánh giá, nhìn nhận bổ sung của Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đã cho chúng ta thêm những thông tin quan trọng. Việc Chính phủ đã có chỉ đạo chuyển hướng về chính sách tiền tệ là một hành động rất quyết đoán. Trong lúc cả thế giới đang chống lạm phát, Chính phủ ta đã điều chỉnh, linh hoạt, phù hợp.

Xin được hỏi TS. Vũ Minh Khương có góc nhìn như thế nào về điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đạt được những thành tựu trong bối cảnh khó khăn như vậy, nhất là so sánh với các nước khác?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore: Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Vũ Minh Khương: Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng như ông Phan Đức Hiếu đã đưa ra một số thực tế sắc sảo, sáng rõ vấn đề.

Từ góc độ một nhà nghiên cứu từ bên ngoài, tôi có những nhận định có tính ấn tượng. Quan sát Việt Nam có mạnh lên sau đại dịch hay không là một vấn đề rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng như chính khách quốc tế quan sát. Và thấy rõ Việt Nam mạnh lên sau đại dịch.

Điều hành của Chính phủ như ông Hiếu đã nói một phần, tôi muốn bổ sung thêm một số điểm.

Như TS. Nguyễn Sĩ Dũng mở đầu, Đại hội Đảng năm 2021 là một thành công hết sức rực rỡ, mở ra khả năng Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045. Trong vòng 2 năm vừa rồi, niềm tin này tăng lên hay giảm xuống trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vô cùng khó khăn? Tôi khẳng định, niềm tin này tăng lên rất mạnh mẽ, cả bên ngoài và trong nội bộ. Các địa phương cũng như doanh nghiệp lớn mà tôi làm việc đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai.

Trong vấn đề đơn giản như xuất khẩu gạo, phải nói Việt Nam rất bản lĩnh, mà thế giới đang khen ngợi. Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới. Nếu Việt Nam cũng rối loạn và cấm xuất khẩu gạo thì chắc chắn mất điểm. Đây là bản lĩnh của Chính phủ trong thời gian vừa rồi.

Về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, nền kinh tế chúng ta mới ở giai đoạn ban đầu, rất nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỉ giá, lãi suất, không thấy vấn đề lo lắng gì cả. Đấy là cái rất đáng mừng cho nền kinh tế.

Hiện giờ cái khó rất lớn của thế giới là tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tại sao? Không phải chỉ vấn đề nhu cầu thế giới suy giảm. Rõ ràng mô hình mở rộng theo kiểu cũ (thêm 1 nhà máy may, thêm 1 nhà máy thép) hết rồi, bây giờ phải làm sao nâng cấp, cất cánh lên, nhưng không thể ngày một ngày hai được. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, đòi hỏi vai trò của Chính phủ trong thời gian sắp tới.

Điều thứ ba tôi muốn nhấn mạnh là cách điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh. Quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới. Mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người, tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt. Thế giới họ làm như thế nào, Trung Quốc làm như thế nào, Hàn Quốc làm như thế nào, Singapore làm như thế nào? Chính phủ ủng hộ tuyệt đối rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội ủng hộ rồi, thì tại sao chúng ta không làm được? Bây giờ chỉ cụ thể hóa để quyết.

Chúng ta đã sống qua đổi mới lần thứ nhất những năm 1980, thì thấy đổi mới lần thứ hai cảm giác cũng y như thế, khó khăn vô cùng, không biết ngày mai sẽ như thế nào nhưng rõ ràng chân trời mới đang mở ra.

Trong những bối cảnh tàu gặp bão trên biển, nếu chúng ta chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn, mà phải đo 3 điểm.

Một là thủy thủ có lòng tin, ý chí tiếp tục hành trình với chúng ta hay không. Cái này tôi thấy các địa phương và các doanh nghiệp có đồng lòng, đồng hành rất tốt.

Thứ hai là người thuyền trưởng có nắm được đúng la bàn, hướng gió để dẫn đường không, cái này tôi thấy cũng rất tốt.

Thứ ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình. Tôi khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế.

Cho nên rõ ràng chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: TS. Vũ Minh Khương nêu đã rất rõ. Kinh tế sau đại dịch đang đi lên, xu thế rất tích cực. Đồng thời chúng ta có một loạt các thể chế hết sức quan trọng để vận hành nền kinh tế, rồi các tổ chức, doanh nghiệp của mình. Đó là những tín hiệu để nền kinh tế có thể khởi sắc.

Là nước thuộc nhóm số ít các nước trên thế giới có tăng trưởng dương, tăng trưởng cao và để có được "Bức tranh kinh tế của Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới" như nhận định của nhiều tổ chức, định chế quốc tế thì Việt Nam đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Thưa ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông có đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua trong sự tương quan, so sánh với các nước ở khu vực và thế giới? Vai trò "dẫn dắt" trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được thể hiện như thế nào trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn? Theo ông, đâu là điểm nhấn trong chỉ đạo điều hành KTXH của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: Chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Shantanu Chakraborty: Cảm ơn Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã chủ trì, tạo cơ hội cho tôi được tham gia chương trình hôm nay cùng với các diễn giả rất xuất sắc.

Trên thực tế chúng ta nhìn thấy điều kiện bên ngoài khó khăn hơn, nhu cầu đối với hàng công nghiệp, xuất khẩu hàng hóa giảm, giá hàng hóa cao và điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt. Tất cả những điều này đang tạo ra những "cơn gió ngược", là các nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Trong bối cảnh ấy, Việt Nam đang ở vị trí nào và ứng phó ra sao? Dự báo gần đây của ADB công bố vào tháng 9 năm 2023 cho thấy Việt Nam vẫn sẽ dẫn đầu tăng trưởng ở Đông Nam Á ở mức 5,8% cho năm 2023, giảm so với năm ngoái nhưng vẫn là con số đáng được ghi nhận. Chúng ta hãy chú ý đến cách nền kinh tế và Chính phủ Việt Nam ứng phó với những thách thức, điều hành kinh tế vĩ mô và đạt được những thành quả.

Năm nay, kể cả GDP không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn cho thấy xu hướng tích cực. Với những nỗ lực lớn từ Chính phủ, mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh, đặt ra là 6% hoàn toàn có thể đạt được. Như Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ, đầu tư, chi tiêu công có tốc độ tích cực, là yếu tố rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, NHNN Việt Nam thể hiện vai trò hiệu quả trong kiểm soát lạm phát. Nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, rõ ràng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Theo ấn phẩm ADOU 2023 gần đây của ADB, dự báo tăng trưởng khu vực được điều chỉnh giảm xuống 4,7% cho năm 2023 và duy trì ở mức 4,8% cho năm 2024.

Việt Nam không phải nước duy nhất ADB hạ mức dự báo tăng trưởng. Trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế hầu như yếu hơn trên toàn khu vực. Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Timor-Leste đều dự kiến sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn trong năm nay. Chỉ một vài nước có triển vọng sáng sủa hơn, bao gồm Brunei Darussalam, Indonesia và Thái Lan.

Chúng tôi đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.

Ngoài ra, nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.

Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây nhưng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Những 'lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế. Vì vậy, cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Theo tôi, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đại diện ADB bình luận là chỉ tiêu tăng trưởng 6% là có thể đạt được. Đó là phương án cao mà Chính phủ đang vươn tới trong năm nay. Ông Shantanu Chakraborty nói rất đúng về không gian chính sách cho đầu tư công và tài khoá còn rất rộng nên tiếp túc thúc đẩy đầu tư công và mở rộng chính sách tài khoá là rất quan trọng. Cùng với đó là cải cách để thúc đẩy đầu tư hướng tới phát triển bền vững.

Xin được quay trở lại với TS. Vũ Minh Khương! Ông đánh giá như thế nào về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 9 tháng qua trong 2 tương quan so sánh: Một là, so với bối cảnh, tình hình và hai là, so với các nước trong khu vực và trên thế giới?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

TS. Vũ Minh Khương (trái) và ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Vũ Minh Khương: Chúng ta đều phấn khởi về những đánh giá khá lạc quan của ADB về Việt Nam trong bối cảnh chung. Nhìn từ phía Singapore thì chúng tôi đánh giá năm 2023 này khó khăn hơn nhiều. Singapore tăng trưởng năm ngoái 3,6%. Năm 2023 này lúc đầu dự kiến 1,8% là thấp nhất nhưng khó khăn cứ liên tục tiếp diễn nên đã xuống 1% và khả năng là dự báo tăng trưởng 0,5%. Chính vì thế những ngày vừa qua, WB đã đưa ra dự báo tương đối khó khăn hơn và chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là có khả năng kết quả thực tế ở "cận dưới" (trong phân tích thì ADB hay ở "cận trên" còn WB hay ở "cận dưới") để thấy rõ ràng tình hình năm nay khó khăn, và khó đặc biệt cho các nước xuất khẩu nhiều và xuất khẩu nhóm hàng công nghệ, điện tử. Việt Nam lại chính là mảng này.

Nhưng năm nay là năm rất tốt để doanh nghiệp cảm nhận được sự sống còn. Tôi thấy hơi thở của doanh nghiệp bây giờ sâu sắc hơn rất nhiều, không có "đánh giậm" mở rộng cơ hội nữa mà phải làm thế nào để "cất cánh" lên. Rõ ràng, đây là lần đầu tiên họ có suy nghĩ sâu sắc về chiến lược phát triển lâu dài. Đây là điều mừng cho các địa phương và các doanh nghiệp.

Tôi chỉ đề xuất một "khởi sắc" đơn giản, đề nghị Thứ trưởng Trần Quốc Phương suy nghĩ xem có được không. Lấy hệ thống tàu điện ngầm làm ví dụ. Nếu như với những quy trình hiện nay và nguồn vốn ODA với 160 thủ tục và 10.000 chi tiết phải đảm bảo mà "sai là chết ngay". Nên chăng chúng ta đơn giản thành 3 điểm: Dự án có mức đầu tư có thấp hơn mức trung bình thế giới hay không? Tiến độ có nhanh hơn hay không? Chất lượng có bằng hay tốt hơn hay không? Nếu được 3 điều này thì ai cũng muốn đấu thầu vào dự án, sẽ tạo ra một cái "rổ" để các dự án PPP làm rất nhanh. Từ 3 tiêu chí này cùng với những luật mới mà Quốc hội sắp ban hành, chắc chắn sẽ có biến đổi thần kỳ trong thời gian tới, nhất là về hạ tầng cơ sở.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin cảm ơn TS. Vũ Minh Khương. Tôi rất ấn tượng với những tiêu chí ít và hiệu quả anh vừa nêu. Đây là những tiêu chí rất ý nghĩa và hiệu quả và cũng cắt giảm thủ tục rất nhiều. Tiếp theo xin hỏi phía ADB, vì sao ADB luôn đưa ra những dự báo rất lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam?

Ông Shantanu Chakraborty: Như chúng tôi đã nói, chúng tôi giảm tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam từ 6,5% xuống còn 5,8% cũng như giảm dự báo của cả khu vực Đông Nam Á xuống 4,5%. Nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực nhờ có những chính sách đúng đắn. Đầu tiên là Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tốt, ngành du lịch dịch vụ đang khôi phục. Đây là lý do tại sao chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 5,8% là có thể đạt được.

Nông nghiệp tăng trưởng 3,4% cũng là nền tảng tốt cho phát triển kinh tế chung. FDI ổn định trong 9 tháng vừa qua và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là triển vọng tốt chúng tôi nhìn thấy.

Như tôi vừa đề cập, lạm phát đang được Việt Nam kiểm soát tốt, tiêu dùng trong nước thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong 3 tháng cuối năm. Thêm vào đó, nếu như thúc đẩy được giải ngân đầu tư công các hoạt động về sản xuất, chế tạo cũng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhìn thấy nhiều ngành khác của Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đây là lý do mà ADB đưa ra dự báo tăng trưởng 5,8% đối với nền kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được hỏi Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, để vượt qua những khó khăn chúng ta đang đối mặt thì thực chất phản ứng chính sách ở đây phải thế nào?

TỔNG THUẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trong báo cáo của Bộ KH&ĐT trình Chính phủ, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì cũng nêu rất rõ những khó khăn, thách thức và những dự báo trong bối cảnh tình hình 3 tháng cuối năm và định hướng trong năm 2024. Có thể khái quát, mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng khó khăn vẫn còn. Dự báo cho thấy khó khăn vẫn tiếp diễn, chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm hoặc sẽ chấm dứt. Điều này rất khó cho công tác làm dự báo, cũng như đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu mang tính trung hạn cho cả năm 2024. Tôi xin nhấn mạnh vào một số khó khăn mà chúng ta cần phải đối diện và ứng phó trong thời gian tới, bao gồm:

Thứ nhất, bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định. Hiện nay, tình hình lạm phát giá cả toàn cầu, các ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ rất khó đoán định, do vậy ứng xử của chúng ta trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt.

Chúng ta đã có cơ chế về sự linh hoạt, chủ động nên vấn đề đặt ra là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có ứng xử phù hợp.

Thách thức, khó khăn thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột Nga-Ukraine, cũng như những vấn đề liên quan đến năng lượng, lương thực... Tác động của những vấn đề này không trực tiếp đến nước ta, nhưng vẫn ảnh hưởng lớn, đặc biệt liên quan đến phần TS. Khương đã nói là cầu thế giới vẫn đang ở mức thấp trong khi nền kinh tế của nước ta đang trên đà phát triển và sản lượng xuất khẩu của chúng ta rất nhiều, do vậy chúng ta đang phụ thuộc vào diễn biến của thế giới. Tuy nhiên, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên. Đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn.

Thứ ba, như TS. Khương đã đề cập đến, các doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn trong việc đặt ra chiến lược, phát triển mang tính dài hơi, bền vững cho sự nghiệp của mình.

Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện với 2 vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Và họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu của mình. Nếu không quan tâm đến vấn đề đó, thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, để chiến thắng, họ phải quan tâm đến vấn đề này. Hiện nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này, và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Quan trọng là các doanh nghiệp phải thể hiện nhu cầu Nhà nước có thể hỗ trợ gì trong việc chuyển đổi cơ cấu để ứng dụng các kỹ thuật công nghệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn mới của toàn cầu.

Tiếp theo, đó là doanh nghiệp cần nghĩ tới các mô hình mới như TS. Khương đã đề cập. Có lẽ mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa. Do đó chúng ta phải nghĩ đến mô hình mới, tiếp cận những cái mới. Chúng ta thấy rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế. Và chỉ có những cái mới mới mang lại những động lực mới cho kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến xu thế hiện nay là sản xuất bán dẫn. Một ngành khoa học vừa là nghiên cứu, phát triển, sản xuất rất toàn diện, là cơ hội rất lớn cho chúng ta hướng tới các điều kiện mà mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp, thu hút các doanh nghiệp lớn đến Việt Nam.

Tựu chung lại, vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là một xu thế tất yếu, và là điều kiện tiên quyết để chúng ta tác động đến những mô hình sản xuất, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Trên đây là một số khó khăn, thách thức chúng ta vẫn phải đối mặt, mặc dù chúng ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, trong lúc thuận lợi vẫn có khó khăn. Và kể cả trong lúc rất khó khăn chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội.

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu: Đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trước những khó khăn, thách thức trong nước mà chúng ta đang phải đối mặt, từ cơ chế đến chính sách, xin được hỏi Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, chúng ta nên có những điều chỉnh gì để đạt được những mục tiêu đã đề ra?

Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh đến những khó khăn trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt và nhận diện để vượt qua, nhằm đạt được các mục tiêu, mong muốn tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đã đặt ra.

Đầu tiên là khó khăn truyền thống – khó khăn đã và đang diễn ra trong bất kể hoàn cảnh nào chúng ta đều phải nhận diện và vượt qua. Ví dụ như nâng cao hiệu quả, tốc độ của việc giải ngân vốn đầu tư công. Chúng ta quyết tâm thay đổi, nâng cao mô hình, chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động. Tôi tạm gọi đây là khó khăn truyền thống bởi đó là khó khăn thường xuyên chúng ta phải đối diện.

Ngoài ra, cá nhân tôi nhận diện có 3 khó khăn nữa chúng ta phải đối diện:

Thứ nhất, giống như chia sẻ của anh Phương, trong bối cảnh hiện nay, có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, chúng ta cần luôn phải bám sát và không được chủ quan.

Thứ hai, thách thức chúng ta phải đối mặt hiện nay khác với thời gian trước, đó là chúng ta phải đối mặt với một số chính sách toàn cầu không có lợi cho chúng ta. Ví dụ như chính sách thuế carbon đánh vào một số mặt hàng sản phẩm làm ảnh hưởng đến khâu xuất khẩu sản phẩm. Trong bối cảnh khó khăn, thị trường có sự cạnh tranh cao hơn, do đó cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia càng trở lên gay gắt. Vì vậy cũng dẫn đến những khó khăn thách thức đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên khó khăn hiện nay khác với khó khăn của giai đoạn trước. Cá nhân tôi cho rằng rất khó tìm ra giải pháp để giải quyết. Chẳng hạn như trước đây doanh nghiệp hay phàn nàn về cải cách thể chế, chúng ta có thể chủ động giải quyết được. Nhưng nếu như nhìn vào thống kê của Tổng cục Thống kê về con người, yếu tố, ta gọi là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế biến chế tạo thì chúng ta thấy rất khó, ví dụ như nhu cầu thị trường trong nước thấp, nhu cầu thị trường nước ngoài thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế cao, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu với nước khác... Rõ ràng đây là bài toán rất khó, bởi có những khó khăn không dễ nhận diện, không dễ giải quyết.

Thách thức thứ ba là cải cách thể chế. Chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy nhiên, yêu cầu, đòi hỏi về cải cách thể chế hiện nay phải cao hơn, quyết liệt hơn bởi chúng ta đang ở trong bối cảnh mới.

Ví dụ như trong bối cảnh hiện nay, việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải nhanh hơn, hiệu quả hơn, thì những vấn đề về thủ tục phải khác để đáp ứng với sự thay đổi, linh hoạt, chuyển biến trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, chúng ta đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như chúng ta mong muốn.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu đã nêu thêm được một số thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Đơn cử, do thị trường thu hẹp nên tính cạnh tranh cao hơn. Vì vậy chúng ta cần phải quan tâm hơn đến chất lượng, giá cả và nhiều yếu tố khác. Nói chung, chúng ta cần phải nâng cao năng lực, đồng thời cải cách về thể chế để có thể giải quyết những khó khăn nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra trong phát triển kinh tế.

Quả thực Chính phủ điều hành vừa qua rất quyết liệt và đạt kết quả rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn có 2 lĩnh vực mà chúng ta thấy còn khó khăn. Đầu tiên là tiếp cận tín dụng còn khó dù các ngân hàng có vẻ thừa nhiều tiền. Tiếp theo là bất động sản vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tôi có nghe thị trường bất động sản Singapo hiện sôi động, khởi sắc lại. Xin được hỏi ý kiến của TS. Vũ Minh Khương, ông có góc nhìn từ bên ngoài với 2 lĩnh vực này như nào?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

TS. Vũ Minh Khương: Thực lực của người Việt Nam đủ khả năng tiếp thu, giải quyết được cả nhiều bài toán của thế giới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Vũ Minh Khương: Phải nói vấn đề bất động sản là một vấn đề hay mà chúng ta có thể dành nhiều thời gian để bàn. Nhưng vì ông Phan Đức Hiếu và Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra mấy vấn đề hay quá nên tôi đề cập bổ sung thêm một số điểm vì bản chất của phát triển là khả năng ứng đáp thành công những thách thức đặt ra, mà thách thức càng lớn thì tiến hóa càng mạnh, càng đi càng xa. Đây đúng là những cái chúng ta đang trăn trở, vượt ra khỏi cái truyền thống và còn mới nữa, khôn lường.

Trong kinh nghiệm mà chúng tôi nghiên cứu, cơ hội lớn nhất từ những khó khăn nhất, chứ không phải cơ hội thông thường. Sức mạnh lớn nhất bắt nguồn từ những cái mình dễ tổn thương nhất. Mình cảm thấy mình yếu nhất thì tạo ra sức mạnh mạnh nhất. Đấy là những điểm mình cần lưu ý.

Một đặc điểm nữa của cải cách sắp tới là: Cải cách thứ nhất chỉ đổi mới tư duy thôi, phá rào. Đấy là cách của trước đây. Bây giờ cải cách lần thứ hai là nắm bắt được những bài học hay nhất của thế giới để xây dựng nền tảng cho một quốc gia hiện đại trong vòng hai, ba thập kỷ tới. Thế giới thế nào, Việt Nam phải bằng hoặc hơn thế, để thế giới đến học mình chứ không phải mình loanh quanh với những cái phức tạp, khó khăn của mình rồi giải thích. Thực lực của người Việt Nam đủ khả năng tiếp thu, giải quyết được cả nhiều bài toán của thế giới. Tại sao mình không trở thành tiêu điểm, thành ngọn hải đăng, thiết kế hành trình đi đến tương lai, không chỉ cho bản thân nước mình mà cho cả thế giới? Việc Mỹ sang Việt Nam để nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện, Tổng thống Biden gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Việt Nam là một bước tiến vượt bậc, vị thế của Việt Nam rất lớn.

Quay trở lại vấn đề bất động sản, đây là bài toán có ngụ ý rất lớn cho Việt Nam trong thời gian tới. Bất động sản đến hiện giờ vẫn phát triển theo nhu cầu tự phát và có tính đầu cơ. Ở Singapore, bất động sản phải tạo ra giá trị, mà giá trị dựa trên 3 yếu tố. Một là quy hoạch rất tốt. Những phần đất xung quanh quy hoạch phải thuộc về Chính phủ, trả theo giá thị trường để bà con phấn khởi. Nếu bà con góp vốn vào đấy thì lại có thể đầu tư và sau được chia lợi. Cho nên quy hoạch là rất quan trọng. Mình không có quy hoạch thì đừng hy vọng bất động sản bùng lên.

Thứ hai là trong bối cảnh vừa qua các doanh nghiệp bất động sản cũng vay rất nhiều, tỉ lệ vốn bắt buộc trên vốn cho vay của Việt Nam thấp, ở dạng báo động so với nhiều nước nếu đọc các báo cáo Ngân hàng Thế giới.

Thứ ba là hạ tầng hỗ trợ tạo ra giá trị cho bất động sản. Bây giờ mua chỉ là đầu cơ, ở chưa tiện, cho nên buộc phải tạo ra giá trị của bất động sản. Các doanh nghiệp lần này phải nghĩ lại.

Quay lại cải cách thể chế. Cải cách thể chế lần này thay vì gọi là đỡ phiền hà doanh nghiệp thì phải là yểm trợ doanh nghiệp, tức là xem doanh nghiệp có vấn đề gì để yểm trợ doanh nghiệp đi lên.

Thứ hai là nâng cao sức cạnh tranh, không phải chỉ từng doanh nghiệp hạ giá thành mà cả hệ thống mới cạnh tranh được.

Thứ ba là từ thế thụ động chờ các nhà đầu tư đến thì chủ động tiếp cận. Mình dành phương án sẵn sàng có tiền mặt để hỗ trợ các dự án. Ở Ấn Độ tôi thấy tương đối thành công. Đào tạo nhân lực hay tất cả các vấn đề yểm trợ để họ đầu tư hiệu quả và trở thành địa bàn chiến lược. Đây là vấn đề chung cho cả vấn đề cải cách thể chế nhưng cũng hàm ý cho vấn đề bất động sản.

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 2.

Ông Shantanu Chakraborty: Chúng ta phải cải thiện, tăng cường việc quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý. Thứ hai là xanh hóa ngành bất động sản và ngành xây dựng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: TS. Khương nêu những ý rất quan trọng để có một thị trường bất động sản phát triển bền vững. Vấn đề đầu tiên là quy hoạch, tiếp theo là các tiện ích đi theo, phải bổ sung giá trị vào đấy chứ không chỉ có cái nhà. Có lẽ sắp tới để gỡ thì những chiến lược đó rất quan trọng.

Xin được hỏi ý kiến của ông Shantanu Chakraborty, ADB nhận định vấn đề thị trường bất động sản của Việt Nam thế nào? Để giải quyết những vấn đề khó khăn của thị trường bất động sản, Việt Nam nên có chính sách như thế nào?

Ông Shantanu Chakraborty: Thị trường bất động sản hiện nay cũng là một mảng rất quan trọng của nền kinh tế vì nó có tiềm năng có thể tác động đến rất nhiều ngành khác, ngành sản xuất cũng như các ngành từ thượng nguồn cho đến hạ nguồn. Tôi nghĩ trong thời gian qua, chúng ta thấy có những doanh nghiệp bất động sản rất lớn ở Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn như Evergrande cũng đang đứng trên bờ vực phá sản. Đấy là những doanh nghiệp từng có nguồn hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Ngành bất động sản nhận được những đòn bẩy, những hỗ trợ thông qua ngành ngân hàng. Chính vì thế khi chúng ta tăng cường cải cách ngành bất động sản, phải hỗ trợ cho ngành ngân hàng để cải thiện danh mục đầu tư của họ để kiểm tra, rà soát danh mục đầu tư cũng như khoản cho vay của họ, để đảm bảo rằng ngành nào đó không nằm trong nguy cơ tạo bong bóng.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến TS. Nguyễn Sĩ Dũng vừa nói, một căn nhà nếu chúng ta đúng có nhu cầu đầu tư để ở thì đó là nhu cầu thực sự. Còn chúng ta chỉ đầu cơ, đầu tư để đấy không ở thì đó là sự lãng phí tiềm lực, lãng phí tài nguyên. Tôi nghĩ đây cũng là một điểm chúng ta phải xem vai trò của doanh nghiệp cũng như nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, làm thế nào tăng cường năng lực của doanh nghiệp, đồng thời là năng lực của các cơ quan kiểm soát, cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý đóng vai trò hết sức quan trọng trong mảng này. Giống như ở Singapore chúng ta đã nói, Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quản lý lĩnh vực bất động sản, đảm bảo tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản.

Điểm thứ hai, phải đảm bảo làm sao khi chúng ta phát triển các cơ sở hạ tầng, chúng ta có lồng ghép tất cả các yếu tố về ứng phó biến đổi khí hậu, chống chịu với biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng mà các doanh nghiệp trong ngành bất động sản cũng phải tính đến bởi vì tác động của biến đổi khí hậu đã có thể thấy rất rõ rệt và rất lớn.

Chúng ta cần phải tính đến tất cả những nội dung đó. Tôi nghĩ thứ nhất chúng ta phải cải thiện, tăng cường việc quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý. Thứ hai là xanh hóa ngành bất động sản và ngành xây dựng.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng và Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6% cho năm 2023. Quý vị có cho rằng đây là mức phù hợp trong bối cảnh hiện nay? Trước hết, xin mời Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cung cấp thêm những luận cứ làm cơ sở để Bộ đưa ra kịch bản tăng trưởng này?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương (trái) và Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Báo cáo về các kịch bản GDP với Chính phủ là một trong những nhiệm vụ Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao từ đầu năm. Sau mỗi quý, Bộ KH&ĐT phải cập nhật lại kịch bản tăng trưởng gắn với kịch bản đã đề ra tại Nghị quyết 01 để phục vụ mục tiêu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng.

Tuy nhiên, tôi xin nói rõ: Kịch bản đó không phải kịch bản dự báo, mà là kịch bản để điều hành.

Bộ KH&ĐT đã tham mưu, báo cáo Chính phủ 03 kịch bản tăng trưởng, trong đó kịch bản thấp là 5%, kịch bản giữa là 5,5%, kịch bản cao là 6%. Bất kỳ kịch bản nào đều cần sự nỗ lực, cố gắng lớn. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng, chúng ta phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể trong năm 2023. So với bình diện chung của khu vực và thế giới, kết quả của chúng ta khá tích cực nhưng không phải vì thế mà hài lòng và ngừng phấn đấu. Phải nỗ lực phấn đấu và nỗ lực hơn nữa trong 3 tháng cuối năm để đạt kết quả mong đợi. Trên tinh thần ấy, Thủ tướng giao nhiệm vụ phải đạt mục tiêu cao nhất (6%).

Tất cả các giải pháp chúng ta đã đề ra từ đầu năm đến nay cũng như giải pháp tức thì trong 3 tháng cuối năm đều để cố gắng đạt các chỉ tiêu tốt nhất. Lạc quan một chút, nếu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Chúng ta đã chứng kiến con số 10% trong quý III của năm trước so với nền âm của năm 2021. Tuy nhiên, chúng ta có thách thức là nền tăng trưởng quý IV của năm 2022 khá cao, do vậy kết quả 10,6% trong quý IV năm nay là thách thức rất lớn, đòi hỏi có sự đột phá trong các động lực chính của tăng trưởng, đặc biệt là từ phía cung.

Trong đó, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xuất khẩu lớn của chúng ta là sản phẩm điện tử. Nếu có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực thì chúng ta có thêm động lực quan trọng.

Về cầu, đầu tư tiếp tục tăng trưởng dương nhưng tăng trưởng tiêu dùng hiện vẫn yếu. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ mới đạt 9%. Đối với các thời kỳ nước ta có mức độ tăng trưởng cao thì lĩnh vực này phải lên tới 12-13%. Như vậy, phải có giải pháp để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để kỳ vọng thị trường trong nước cũng sẽ là trụ đỡ cho tăng trưởng.

Liên quan đến xuất khẩu, chúng ta phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng đang nỗ lực, cố gắng để tìm kiếm đơn hàng dịp cuối năm, gia tăng sản lượng, hỗ trợ người lao động có việc làm, thu nhập.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Xin được hỏi thêm ý kiến của ông Phan Đức Hiếu về vấn đề này?

Ông Phan Đức Hiếu: Chúng ta phải hiểu rõ bản chất kịch bản của Chính phủ. Đây là kịch bản điều hành để ra quyết sách, giải pháp, không phải là thực thi vai trò một tổ chức dự báo về tăng trưởng.

Các vị khách mời cho rằng chúng ta có cơ hội để đạt được mục tiêu nhưng cũng rất nhiều thách thức. Cá nhân tôi khi nhìn vào 3 kịch bản này và điều hành của Chính phủ từ những năm trước cho đến nay, tôi cũng suy nghĩ ngay là Thủ tướng và Chính phủ sẽ chọn kịch bản cao. Với quyết tâm, hành động, mong muốn của Chính phủ trong suốt thời gian qua và nỗ lực ngày càng lớn, tôi cho rằng đây là lựa chọn hợp lý, cần thiết lúc này trong điều hành kinh tế từ nay đến cuối năm. Hàm ý là chúng ta phải nỗ lực cao hơn, cao nhất có thể.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Lựa chọn này thể hiện ý chí của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế. Trên thực tế, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam vừa qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành nghề mới, có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế nước ta, tham gia sâu hơn, cao hơn vào chuỗi giá trị của thế giới trong tương lai. Nhưng muốn đạt được điều đó, thúc đẩy phát triển nội lực là rất quan trọng, tôi hiểu trong tăng trưởng 6% có vai trò rất lớn về cơ sở hạ tầng, không chỉ là hạ tầng giao thông mà còn các loại hạ tầng khác để hướng đến phát triển bền vững hơn như Chính phủ mong muốn.

Xin được hỏi TS. Vũ Minh Khương, chuyển đổi nền kinh tế giá trị cao hơn với các ngành công nghệ cao, các ngành của kinh tế tuần hoàn của kinh tế xanh, thì khả năng Việt Nam như thế nào?

TS. Vũ Minh Khương: Phải nói là khả năng phía trước của Việt Nam rất xanh, nhìn từ giác độ của các quốc gia lân bang cũng như quốc tế cũng như các nhà nghiên cứu thì rõ ràng Việt Nam đang hội đủ các điều kiện để cất cánh ngoạn mục trong thời gian tới. Có khó khăn nhưng nó chứa đựng đầy cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt dành cho Việt Nam. Còn ta không làm được thì chịu thôi, nhưng rõ ràng những khó khăn như địa chính trị hay những vấn đề dầu khí đắt… buộc ta phải suy nghĩ một cách rất là thấu đáo.

Thứ hai là tâm thế cũng như ý chí của hệ thống chính trị Việt Nam để đưa đất nước đi đến phồn vinh rất mạnh. Khi làm việc với các cấp, các ngành, tôi đều thấy có lửa trong đó, chứ không phải chỉ là theo kiểu hiệu quả, mà thực sự hiệu lực, hiệu năng vươn tới tương lai khá mạnh mẽ. Làm việc ở TPHCM ta thấy cháy lên ngọn lửa đó, sẵn sàng có những đội quân tinh nhuệ của bộ, ngành, đặc biệt là chỗ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yểm trợ trong thời gian tới. Đấy là về tâm thế.

Cái thứ ba rất quý là vấn đề năng lực. Phải nói là năng lực của người Việt Nam đến giai đoạn này có bước phát triển tương đối vượt bậc. Khi bàn về vấn đề như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số chẳng hạn là Việt Nam có bước phát triển rất ấn tượng. Chẳng hạn, chúng ta đi sau về vấn đề thu phí tự động nhưng khi TASCO vào, họ đưa ra phần mềm phải nói là hay hơn cả Trung Quốc. Độ nhạy của cái barrie lên nhanh hơn, chỉ mấy phần trăm tích tắc. Tức là khi mình đã quyết tâm làm, chịu làm là làm được vì mình hoàn toàn có năng lực.

Nguồn lực chúng ta cũng không thiếu, kể cả làm tàu điện ngầm. Đất nước này không nghèo đâu, 100 triệu dân đủ để làm được rất nhiều việc.

Quay trở lại ngành bán dẫn hay một số lĩnh vực, tôi thấy Chính phủ cũng như hệ thống chính trị của chúng ta đặc biệt ưu tiên. Đầu tiên là vấn đề năng lượng, an ninh năng lượng là cái quan trọng. Làm sao để gió, mặt trời trở thành nguồn năng lượng khổng lồ của Việt Nam, và đặc biệt là ở trên biển. Mình có tiền năng 98 GW biển, làm sao để biến thành hydrogen cung cấp. Vấn đề điện là phải dồi dào và xanh. Nhưng mảng phát triển này phải cất cánh, nâng cấp chứ không phải phát triển mở rộng. Ngày xưa, ta thiếu điện thì thêm nhà máy, bây giờ hết rồi. Giờ tích hợp điện tái tạo vào hệ thống là một bài toán rất khó nhưng cũng rất hay. Vừa phải đầu tư vào nguồn vừa phải đầu tư vào đường dây cũng như hệ thống tích hợp. Đây là bài toán ta phải học rất nhiều.

Tôi nhắc lại là Việt Nam trong giai đoạn tới phát triển là học kinh nghiệm hay nhất của thế giới chứ chỉ đổi mới tư duy không đủ. Chỉ cố gắng, quyết liệt không đủ đâu, phải thấy thế giới làm thế nào chúng ta làm hay hơn mới là cái quan trọng. Đấy là điểm đầu tiên.

Thứ hai là công nghệ thông tin Việt Nam có thế mạnh rất nhiều. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển an ninh mạng rất mạnh, bởi vì an ninh mạng giúp bảo vệ cả thế giới. Bán dịch vụ đấy rất là lợi.

Thứ ba là ngành điện tử của chúng ta đi vào bán dẫn, tức là phải trở thành trụ cột của khu vực và thế giới. Việt Nam có thể làm được và cộng hưởng với các nhà đầu tư quốc tế gắn bó lâu dài.

Năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, kinh tế số và hệ thống điện tử, bán dẫn… đồng hành với Mỹ - đối tác chiến lược toàn diện, hoàn toàn có thể làm được. Đất hiếm chúng ta có, những điều kiện cần của ta cũng rất tốt. Cho nên nếu chỉ đạo, điều hành theo phong cách hiện nay và nỗ lực đổi mới của cả hệ thống trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ có bước đi rất ngoạn mục trong 2-5 năm tới. Tôi không lo tăng trưởng năm nay, có 5%, thậm trí 4,5% nhưng 3-5 năm tới, đến năm 2030, 7-8% là hoàn toàn có thể.

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cảm ơn TS. Khương với đánh giá rất là lạc quan. Xin được nghe ý kiến của ông Shantanu Chakraborty. Ông đánh giá thế nào về chuyển đổi, cơ hội của Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế ở chuỗi giá trị cao hơn?

Ông Shantanu Chakraborty: Một điểm chúng ta cần phải lưu ý là tăng trưởng của các ngành công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn hay là các ngành công nghệ số, không thể xảy ra riêng lẻ, một mình Việt Nam được. Chúng ta phải có sự hội nhập sâu rộng với các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Chúng ta phải lưu ý điểm đó, trước khi chúng ta nhảy cóc hay đi tắt, đón đầu các ngành công nghiệp của tương lai. Chúng ta cần phải đảm bảo chúng ta có một hệ sinh thái được xây dựng không chỉ đối với khuôn khổ khu vực công mà còn cả khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân.

Điểm đầu tiên cần phải làm liên quan đến việc cải cách. Chúng ta cần phải có chính sách về tín dụng cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Hiện nay, phần lớn những ưu đãi chúng ta cấp hiện nay là cho các ngành như sản xuất nông hộ hay là các lĩnh vực kinh doanh nông hộ. Chúng ta cần phải có những khoản tín dụng lớn hơn cho các ngành công nghệ chế tạo, các ngành công nghiệp mới.

Ngoài những chính sách khuyến khích như các khoản hỗ trợ về lãi suất thấp… phải có các hỗ trợ khác về tín dụng. Ở rất nhiều nước trên thế giới, trong những thập niên vừa qua, họ muốn phát triển những ngành công nghiệp, công nghệ thông tin hay công nghệ kỹ thuật số.

Điểm cuối cùng chúng ta cũng đã nói rất nhiều là xanh hóa, xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa nguồn năng lượng và chuyển đổi cũng như cải cách các hệ thống chuyển tải năng lượng. Đặc biệt, năng lượng tái tạo hiện nay có sự tham gia rất mạnh của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến khả năng hấp thụ nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo này.

Tóm lại, cần tập trung vào việc xanh hóa nền kinh tế, đặc biệt là xanh hóa nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao. Thứ ba là đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn tín dụng lớn, linh hoạt đối với các doanh nghiệp để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng cơ hội thì có nhưng phản ứng chính sách cũng rất quan trọng. Chúng ta phải cố gắng tạo ra được một hệ sinh thái bởi thiếu hệ sinh thái thì sẽ rất khó. Và để có hệ sinh thái đó thì cải cách tiếp theo là rất quan trọng, rồi tạo điều kiện cho khu vực tư vươn lên, có chính sách để hệ thống tín dụng vào được lĩnh vực này là rất quan trọng. Đó là những cái rất thiết thực.

Qua nhận định, phân tích thực trạng tình hình nêu trên, các vị khách mời đánh giá như thế nào về triển vọng rất tích cực của kinh tế Việt Nam những tháng tới, năm 2024, những năm tới (đặc biệt là dựa trên trên 3 yếu tố: nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối tốt; dư địa chính sách tài khóa còn lớn; khả năng thu hút đầu tư và chuyển giao trong các lĩnh vực công nghệ cao); đồng thời có những khuyến nghị, kiến nghị, tư vấn gì với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ? Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp gì?

CẬP NHẬT Tọa đàm: Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược' - Ảnh 1.

Các vị khách mời tham dự tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Với xu thế cũng như những dịch chuyển tích cực như hiện nay, có thể chắc chắn rằng trong 3 tháng cuối năm, các hoạt động của nền kinh tế sẽ sôi động. Tất nhiên còn nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm hơn, như mức độ đóng góp, mức độ tăng trưởng, các giá trị tạo ra ở mức độ nào, đóng góp bao nhiêu cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng điều đáng mừng là ít nhất chúng ta thấy rằng nền kinh tế sôi động, đó là mô men tốt để chúng ta bước sang năm 2024. Về mặt dự báo vẫn còn khó khăn nhưng cơ hội không phải là không có.

Do vậy, tôi cho rằng, với 3 tháng cuối năm, cái đầu tiên rất sôi động và có lẽ Chính phủ và Thủ tướng sẽ chỉ đạo quyết liệt là thúc đẩy đầu tư công. Chỉ 3 tháng nhưng chúng ta còn 50% vốn phải giải ngân.

Thứ hai là tín hiệu của khu vực công nghiệp và xây dựng, quý III đã tăng trên 5%, đây là tín hiệu khá tốt và có thể sẽ giữ được mô men này trong quý IV. Và tăng trưởng thêm nữa của lĩnh vực công nghiệp này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng GDP.

Thứ ba là tiêu dùng trong nước, chúng tôi kỳ vọng là thời điểm cuối năm, theo chu kỳ và nhân dịp Tết, các kỳ nghỉ lễ, tiêu dùng cuối năm sẽ lên cao hơn so với các quý trước.

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cũng chia sẻ với ý kiến của Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Xin bổ sung một điểm nhỏ là các chỉ số sản xuất công nghiệp trong cuộc điều tra 3 quý của Tổng cục Thống kê cho thấy các DN đều đánh giá khá tích cực về triển vọng tình hình sản xuất kinh doanh, đơn hàng cho quý III. Tôi cho rằng đây cũng là dấu hiệu tích cực liên quan.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm của tôi, một số hoạt động về công tác đối ngoại của chúng ta tạo ra động lực, niềm tin và khơi dậy sự quay trở lại của hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như khuyến khích DN bắt đầu suy nghĩ và có hành động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Ông Shantanu Chakraborty: ADB dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,8% trong năm nay. Chúng ta cũng thấy mong muốn cao của Chính phủ trong kịch bản điều hành là 6%. Để đạt điều đó, chúng ta phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP quý IV là trên 10%, đây là mong muốn rất cao. Phải nói rằng có rất nhiều rủi ro chúng ta phải đối mặt nằm ở yếu tố bên ngoài, từ những bất ổn do xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước,… nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta và khó dự báo. Tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng kể cả không đạt được 5,8% hay 6%, chỉ ở 5,6-5,7% cũng là nền tảng tốt, tích cực để chúng ta tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.

Điểm nữa tôi nghĩ chúng ta cần tập trung là thúc đẩy tiêu dùng trong nước, bởi nó nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, nó phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ. Chúng ta cần giải pháp mạnh mẽ của Chính phủ như tạo ra những động lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng cách tăng thu nhập của dân, giúp người dân có nhiều tiền hơn để tiêu dùng.

Như chúng ta đã đề cập, đầu tiên là chúng ta phải duy trì được động lực tăng trưởng về tài khóa hiện nay. Theo chúng tôi, để đạt được tốc độ tăng trưởng 6% như lựa chọn của Chính phủ, rất cần giải pháp tài khóa mạnh mẽ. Phải tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Dù giải ngân đầu tư công hiện được 51% là mức khá cao nhưng vẫn là chưa đủ so với mục tiêu đặt ra.

Tôi muốn nhấn mạnh lại, chúng ta cần giúp người dân có thêm tiền để tăng tiêu dùng trong nước và thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nỗ lực tái cơ cấu thị trường lao động. Một điểm nữa như đã nói là lạm phát đang được kiểm soát tốt, tỉ giá cũng đang được kiểm soát, Chính phủ đang có dư địa rất lớn đối với chính sách tài khóa, chính sách tín dụng. Do vậy cần phải phối hợp nhuần nhuyễn chính sách tài khóa và tín dụng để bảo đảm có nguồn tiền hiệu quả hơn đưa vào nền kinh tế.

Đối với tính bền vững về trung và dài hạn, việc xanh hóa nền kinh tế tập trung nhiều vào thích ứng với biến đổi khí hậu rất quan trọng. Chúng ta phải bảo đảm giá trị đồng tiền đầu tư và tập trung vào tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, xanh hóa nền kinh tế. Có thể không đem lại lợi ích tức thời trong 3 tháng tới nhưng đem lại lợi ích trung và dài hạn để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ông Shantanu Chakraborty đã nói một số việc mà tôi nghĩ cần nhấn mạnh. Thứ nhất là thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, yếu tố thực chất chúng ta có thể làm chủ được. Ông Shantanu đưa ra 6 khuyến nghị. Thứ nhất là kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện cho người dân có thêm tiền, các khoản trợ cấp, làm sao để khuyến khích tiêu dùng. Thứ hai là tăng đầu tư công, bởi không gian cho chính sách tài khóa còn rất rộng. Thứ ba là tiếp tục chính sách cắt giảm thuế GTGT, kéo dài hết cả năm sau chứ không chỉ là 3 tháng cuối năm này. Thứ tư là tiếp tục chính sách tiền tệ thuận lợi (nới lỏng). Thứ năm là phối hợp tốt hơn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để bảo đảm nguồn tiền vào nền kinh tế liên tục, không bị ngắt quãng. Cuối cùng là quan tâm tới nền kinh tế xanh, năng lượng xanh, những thứ phục vụ chống chịu biến đổi khí hậu.

TS. Vũ Minh Khương: Đầu tiên, phải khẳng định, chúng ta tăng niềm tin của cả hệ thống kinh tế từ người tiêu dùng đến nhà đầu tư, đến DN, làm sao tạo được niềm tin mạnh mẽ hơn nữa. Cuộc thảo luận hôm nay, tôi cho rằng có giá trị ít nhiều đóng góp vào suy nghĩ của các DN cũng như người dân để hiểu rằng chúng ta đang ở ngưỡng cửa của những phát triển đột phá trong thời gian tới. Từ niềm tin, làm sao để các DN biến khó khăn hiện tại trở thành chiến lược mang tính đột phá.

Tôi muốn nhấn mạnh việc xuất khẩu có tỉ trọng giá trị gia tăng thấp trong bối cảnh thị trường thu hẹp, nhưng việc nâng cấp chất lượng sản phẩm cần hơn. Ví dụ như ít tôm hơn nhưng giá cao hơn… Đấy là chiến lược phải rất coi trọng. Trong đó, vai trò yểm trợ của Chính phủ rất cần được chú ý, như đầu tư vào KHCN thế nào, đào tạo người lao động có tay nghề ra sao, thậm chí có ưu đãi để giảm giá thành cho họ để họ đầu tư mạnh vào máy móc thiết bị… Đây là đột phá và cần chuyên gia tư vấn… Lượng xuất khẩu của ta, nếu thị trường có tốt trở lại cũng không tăng được quá nhiều nữa, với 100 triệu dân, GDP như thế mà xuất khẩu cao tới gần 300 tỷ rồi thì phải xác định tốc độ tăng sẽ chậm dần, nhưng hàm lượng gia tăng của mình phải tăng rất nhiều vì hiện giờ lượng giá trị gia tăng của mình còn thấp.

Về những trụ cột giúp DN tốt lên: Có 3 trụ cột phải chú ý. Đầu tiên là quản trị DN còn yếu; chuyển đổi số phải mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta có thế mạnh về chuyển đổi số nhưng chưa khai thác hết. Thứ ba là chuyển đổi xanh. Đây là những mũi nhọn chúng ta yêu cầu các DN đều phải có chiến lược để nâng cấp vượt bậc trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Từ sự xâu chuỗi, hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn, đánh giá dưới góc nhìn đa diện, đa chiều của các vị khách mời tại Tọa đàm về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, chúng ta càng trân trọng và tự hào về những kết quả đạt được nhưng cũng không bao giờ cho phép mình được chủ quan, thỏa mãn, "ngủ quên trên vòng nguyệt quế" vì những khó khăn, thách thức, trở ngại phía trước theo dự báo còn rất lớn.

Qua tọa đàm, chúng tôi cũng xin được trân trọng cảm ơn những những kiến nghị, khuyến nghị, đề xuất hết sức sức sâu sát, có tính thực tiễn và khả thi cao của các vị khách mời... Những ý kiến này sẽ là những đóng góp thiết thực đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng trong quá trình bổ sung, hoàn thiện, xây dựng, hoạch định chính, đề ra giải pháp đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới… để tiếp tục đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập thành công, tiến cùng thời đại và hiện thực hóa khát vọng hùng cường, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân

Một lần nữa xin được trân trọng cảm ơn các vị khách mời./.

Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB: Đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam năm 2025

Thủ tướng đề xuất phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới tại tiểu vùng Mekong mở rộng

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/15h-toa-dam-kinh-te-viet-nam-vuot-nhung-con-gio-nguoc-102231005115525192.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Kinh tế việt Nam vượt những 'cơn gió ngược'
    POWERED BY ONECMS & INTECH