Trong quý II/2022, trái ngược với những khoản lãi khủng của doanh nghiệp nhóm thủy điện, giá than và khí đốt tăng cao tiếp tục bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp nhiệt điện. Tới đây, nhóm này cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới.
Ngày 4/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5. Một nội dung được quan tâm trong sự kiện này là chỉ đạo "tăng gió, giảm than" đối với quy hoạch điện để thực hiện cam kết COP26.
Ảnh: VGP/Đức Tuân (baochinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió ngoài khơi.
Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm đạt 133,11 tỷ kWh - tăng 3,8% so với cùng kỳ trong đó thủy điện đóng góp 41,58 tỷ kWh (31,2%); nhiệt điện than 55,79 tỷ kWh (41,8%); tua bin khí 15,22 tỷ kWh (11,4%); năng lượng tái tạo 19,2 tỷ kWh (14,4%) và điện nhập khẩu 1,32 tỷ kWh (1%).
Dù đóng góp sản lượng điện ít hơn nhiệt điện than trong 6 tháng đầu năm song hầu hết các doanh nghiệp thủy điện lại ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt hơn nhờ điều kiện thủy văn tích cực trong khi nhiệt điện than lại gặp khó do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ.
Yếu tố thủy văn "đẩy" biên lãi ròng nhóm thủy điện
Trong quý II/2022, CTCP Sông Ba (Mã SBA - HOSE) là một trong những doanh nghiệp có lãi sau thuế tăng mạnh nhất ngành điện với mức tăng gấp gần 5 lần cùng kỳ lên mức 46 tỷ đồng; doanh thu thuần tăng gấp đôi lên 95 tỷ đồng.
CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (Mã VSH - HOSE) báo lãi sau thuế quý II tăng hơn 90% lên 257 tỷ đồng; doanh thu thuần tăng 32,7% lên 661 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Thủy điện Miền Nam (Mã SHP - HOSE) báo doanh thu thuần đạt 178 tỷ đồng - tăng 33%; lợi nhuận sau thuế tăng 90% YoY lên mức 78 tỷ đồng.
Một đại diện khác là CTCP Thuỷ điện miền Trung (Mã CHP - HOSE) cũng báo doanh thu quý II/2022 tăng 91% lên mức 287 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 146 tỷ đồng - gấp gần 3,5 lần YoY.
Ngoài ra, những cái tên như CTCP Thủy điện Thác Mơ (Mã TMP - HOSE), CTCP Thủy điện Thác Bà (Mã TBC - HOSE), CTCP Thuỷ điện Gia Lai (Mã GEC - HOSE), CTCP Thuỷ điện Nậm Mu (Mã HJS - HNX), CTCP Thuỷ điện - Điện lực 3 (Mã DRL - HOSE),… cũng đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số trong quý II.
Giá than "đốt lãi" nhóm nhiệt điện
Trong khi doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi lớn, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nhiệt điện lại bị “đốt cháy” bởi sự gia tăng giá vốn.
Quý II/2022, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (Mã POW - HOSE) báo doanh thu thuần giảm 6% còn 7.462 tỷ đồng; lãi sau thuế giảm gần 33% về mức 582 tỷ đồng.
Phía PV Power cho biết, bất lợi kép từ suy giảm sản lượng và giá nhiên liệu than, khí đốt lên cao trở thành nguyên nhân chính ảnh hưởng lợi nhuận.
Tương tự, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã PPC - HOSE) vừa báo lãi ròng quý II giảm 27,5% so với cùng kỳ về mức 75 tỷ đồng dù doanh thu tăng gần 6% lên 1.290 tỷ đồng.
Mức giảm tương tự cũng xảy ra với Tổng CTCP Phát điện 3 - Evngenco3 (Mã PGV - HOSE). Trong quý II, công ty ghi nhận doanh thu đạt 11.891 tỷ đồng - tăng 13%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 15% cùng chi phí tài chính gấp 2 lần cùng kỳ do lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 385 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của PGV giảm 51% YoY về còn 420 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhờ giá vốn giảm nên CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (Mã QTP - UPCoM) lại chứng kiến lợi nhuận quý II tăng mạnh 31,6% lên 254 tỷ đồng. Trong quý, công ty đạt doanh thu thuần 2.416 tỷ đồng.
Chi phí tài chính "cầm chân" nhóm năng lượng tái tạo
Ở mảng năng lượng tái tạo, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đang chứng kiến sự phân hóa. Theo đó, gánh nặng lãi vay đã ăn mòn lợi nhuận quý II của một số doanh nghiệp như Tập đoàn PC1 (Mã PC1 - HOSE), CTCP Điện Gia Lai (Mã GEG - HOSE).
Trong quý II, Điện Gia Lai công bố doanh thu thuần 506 tỷ đồng, tăng 58% chủ yếu nhờ các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại. Tuy nhiên chi phí lãi vay tăng 64% lên 145 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế của GEG giảm 46,7% về còn 39 tỷ đồng.
Tương tự với Tập đoàn PC1, công ty báo doanh thu hợp nhất quý II/2022 giảm phân nửa xuống 1.518 tỷ đồng. Do chi phí tài chính tăng gấp 2,8 lần lên mức 216 tỷ đồng (chi phí lãi vay tăng 83% lên 142 tỷ đồng),... khiến PC1 báo lãi 67,4 tỷ đồng - giảm 80,3% so với cùng kỳ.
Ngược chiều, dù là doanh nghiệp tay ngang song Tập đoàn Hà Đô (Mã HDG - HOSE) lại đang gặt hái được quả ngọt với doanh thu thuần quý II đạt 1.007 tỷ đồng - gấp đôi YoY; lãi ròng 418 tỷ đồng - gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng năm 2022, mảng thủy điện và điện mặt trời ghi nhận tăng 89% đạt 954 tỷ đồng - đóng góp hơn 56% vào tổng doanh thu gần 1.692 tỷ đồng.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý II/2022 của tổng thể ngành điện, có thể thấy nhóm thủy điện đang có biên lãi ròng vượt trội với mức trung bình 45 - 55% so với chỉ dưới 10% của phần còn lại. Tuy nhiên, câu chuyện tăng trưởng của nhóm này phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết trong khi với nhóm nhiệt điện sẽ là cung giá than - khí đốt đầu vào.
Tới đây, với chiến lược phát triển ưu tiên năng lượng hóa thạch đồng thời giảm điện than, tăng trưởng kinh doanh tại nhóm nhiệt điện có thể sẽ tiếp tục bị đặt dấu hỏi lớn...
Bảo đảm cung ứng than để huy huy động nhiệt điện ở mức cao trong năm 2025
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 220kV Đô Lương - Nam Cấm