Điểm đến

Kỳ bí tòa thành bằng đá cổ nhất Đông Nam Á: Xây dựng trong 3 tháng nhưng đã tồn tại hơn 600 trăm năm, nằm ngay tại một tỉnh miền Trung Việt Nam

Quỳnh Như 22/10/2023 14:01

Tòa thành bằng đá hơn 600 năm tuổi này tựa như một kho tàng của nghệ thuật xây dựng mà lớp thế hệ ngày nay đang đặt ra những dấu chấm hỏi.

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) nằm ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới.

Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.

Empty
Mô hình Vọng lâu Cổng Nam thành nhà Hồ.

Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành Nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.

Thời đó, thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ.

Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh. Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m.

Empty
Cổng Đông thành nhà Hồ.

Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2mx1mx0,7m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu (Cửa Tiền hay còn gọi là Cửa Nam, Cửa Hậu còn gọi là Cửa Bắc, cửa Đông Môn và cửa Tây Giai).

Trong đó cổng Nam là cổng chính. Toàn bộ cổng Nam dài hơn 34m, cao 10m, dày 15m. Cổng được xây dựng theo kiến trúc hình vòm với những phiến đá đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít nhau. Nối liền với cửa Nam là con đường Hoa Nhai (đường Hoàng Gia) lát đá dài khoảng 2,5km hướng về đàn tế Nam Giao (nơi nhà vua tế lễ) được xây dựng vào tháng 8/1402.

Empty
Cổng Nam thành nhà Hồ.

Cũng theo sử sách, trong thành còn rất nhiều công trình được xây dựng như Điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ (chỗ ở của Hồ Quý Ly), Đông cung, tây Thái Miếu, đông Thái miếu, núi Thọ Kỳ, Dục Tượng… rất nguy nga, chẳng khác gì kinh đô Thăng Long.

Tuy nhiên, qua hơn 6 thế kỷ tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành biểu tượng của thành nhà Hồ vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.

Empty
Phần Hào thành của thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ được xem là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.

Thành thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào. Theo các tài liệu, đá xây thành được lấy từ mỏ đá thuộc khu vực núi An Tôn, thôn Phù Lưu, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, cách chân thành nhà Hồ khoảng 2km về phía đông bắc. Các nhà khảo cổ của viện Khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hơn 20 phiến đá lớn. Những khối đá có hình dạng vuông vắn, được nhà Hồ chế tác phần thô tại chỗ, sau đó chuyển về xây dựng và hoàn thiện kỹ thuật.

Empty

Cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều bí ẩn mà các nhà khoa học, sử học chưa thể lý giải về quá trình xây dựng tòa thành đá này.

Ngày nay, bên trong thành, người dân địa phương vẫn canh tác bình thường. Qua các đợt khai quật tại đây, các nhà sử học còn phát hiện rất nhiều cứ liệu quan trọng giúp cho việc phục dựng, trùng tu lại những kiến trúc từng tồn tại dưới triều Hồ.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, tháng 6/2011, thành nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, thành được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.

Cầu xe lửa hình mái vòm nằm dưới chân "đệ nhất hùng quan": Được xây chủ yếu bằng đá, mang dáng dấp của "cánh cổng thiên đường"

Cầu xe lửa hình mái vòm nằm dưới chân "đệ nhất hùng quan": Được xây chủ yếu bằng đá, mang dáng dấp của "cánh cổng thiên đường"

Hùng vĩ cung đường Hạnh Phúc ở Hà Giang: Nơi đất đá hóa thành "hoa", thời tiết cũng chiều lòng người

Công trình đồ sộ bậc nhất tại Kinh đô của Phật giáo Việt Nam: Tổng đầu tư hơn 200 tỷ đồng với diện tích 6.000m2, có thể chứa cùng lúc 7.000 người

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ky-bi-toa-thanh-da-co-nhat-dong-nam-a-xay-dung-trong-3-thang-nhung-da-ton-tai-hon-600-tram-nam-nam-ngay-tai-mot-tinh-mien-trung-viet-nam-d110183.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Kỳ bí tòa thành bằng đá cổ nhất Đông Nam Á: Xây dựng trong 3 tháng nhưng đã tồn tại hơn 600 trăm năm, nằm ngay tại một tỉnh miền Trung Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH