Xã hội

‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia

Thái Hà 05/02/2025 - 15:26

Cung điện này được sử dụng chính thức khoảng 10 năm và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng.

Ly cung nhà Hồ còn được gọi là cung Bảo Thanh, gắn liền với tên tuổi của Hồ Quý Ly – một nhân vật lịch sử nổi bật vào thế kỷ XIV. Ông quê tại Đại Lộc, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, Thanh Hóa). Di tích này thuộc quần thể Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào mùa Đông năm Đinh Sửu (năm 1397), Hồ Quý Ly đã ép vua Thuận Tông dời đô về Thanh Hóa. Sau khi đến Yên Sinh bái yết các lăng, nhà vua cư trú tại Đại Lại, nơi được gọi là cung Bảo Thanh.

‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia - ảnh 1
Hành cung này nằm ở phía Tây Nam của núi Đại Lại (về sau Hồ Nguyên Trừng đổi tên thành núi Kim Âu). Ảnh: Báo Người Lao Động

Dù sử sách không ghi chép cụ thể về thời gian và quá trình xây dựng, nhưng các tài liệu cổ cho thấy cung Bảo Thanh được dựng trước Thành Tây Đô (tức Thành nhà Hồ). Khi quyết định dời đô, Hồ Quý Ly ra lệnh phá dỡ nhiều cung điện ở Thăng Long để tận dụng gạch, ngói, vật liệu, rồi vận chuyển theo đường thủy về xây dựng hành cung tại Đại Lại.

Ly cung tọa lạc tại một vị trí có địa thế phong thủy rất đẹp. Công trình tựa lưng vào núi Kim Âu, hai bên có hệ thống đồi núi bao bọc, trong đó cao nhất là núi Ca Để (350m), tạo thế tay ngai vững chắc. Trước mặt là sông Lèn (trước đây còn gọi là sông Đại Lại), chảy qua vùng này và hội tụ với sông Mã ở phía Tây, rồi đổ ra biển qua cửa Thần Phù.

Xa hơn về phía Bắc khoảng 10km là hệ thống núi đá vôi Tam Điệp, nơi được xem là cửa ngõ quan trọng của xứ Thanh thời bấy giờ. Muốn đi từ phía Bắc vào Nam, bắt buộc phải vượt qua những đèo dốc hiểm trở. Từ Ly cung, muốn ngược lên phía Tây chỉ có thể đi bằng đường thủy theo sông Lèn hoặc sông Đào.

‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia - ảnh 2
Khu vực được xem là chính điện của Ly cung được người dân dựng tạm để lấy nơi thờ cúng. Ảnh: Báo Người Lao Động

Ngoài ra, Ly cung có 4 mặt án ngữ bằng 4 quả núi lớn: phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Tây có núi Ngưu Ngọa và phía Nam có núi Đốn Sơn. Con đường nối giữa Thành nhà Hồ đến Ly cung chủ yếu bằng đường sông Bưởi chảy từ phía Đông tới hội tụ với sông Mã ở phía Tây chảy qua.

Ly cung được sử dụng chính thức khoảng 10 năm (1397-1407) và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng.

Năm 1398, Hồ Quý Ly ép con rể - vua Trần Thuận Tông thoái vị để nhường ngôi cho con trai mình, Hoàng thái tử Án (lúc đó mới ba tuổi, gọi Hồ Quý Ly là ông ngoại). Nhà vua bị buộc phải lui về làm Thái thượng hoàng.

Hoàng thái tử Án lên ngôi (tức Trần Thiếu đế) ở Bảo Thanh cung, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất, đại xá thiên hạ. Tuy nhiên, ngay sau đó, Hồ Quý Ly đưa Thiếu Đế về Tây Đô và biến cung Bảo Thanh thành nơi “giam lỏng” Thái thượng hoàng Trần Thuận Tông.

Đến năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức đoạt ngôi, lập nên triều đại nhà Hồ, đổi quốc hiệu thành Đại Ngu. Từ đó, Ly cung không còn được sử dụng mà Tây Đô trở thành trung tâm chính trị của vương triều. Các nhà sử học cho rằng, Ly cung không được chọn làm kinh đô vì địa hình nơi này không phù hợp cho một kinh đô nặng về tính quân sự.

‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia - ảnh 3
‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia - ảnh 4
Đến nay, dấu tích của Ly cung còn lại không nhiều. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Khi giặc Minh xâm lược Đại Ngu, Ly cung bị tàn phá nghiêm trọng. Mãi đến năm 1979, sau nhiều đợt khảo sát, các nhà khảo cổ học mới tìm ra dấu tích của Ly cung. Từ năm 1979 - 1985, bốn đợt khai quật với tổng diện tích 600m² đã được thực hiện.

Tại khu vực chính điện, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hàng đá xanh bó móng vuông vức, có lỗ đổ chì giúp liên kết vững chắc. Xung quanh nền đá là hàng gạch hoa bó vỉa, tiếp giáp với hàng gạch bìa xếp đứng.

Nền chính điện vẫn còn sót lại một số tảng đá lớn, minh chứng cho sự đồ sộ của cung điện. Phần sân điện có bố cục gần vuông, toàn bộ mặt sân được lát bằng đá phiến kích thước lớn, điểm xuyết gạch hoa bao quanh.

Năm 1997, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức công nhận Ly cung nhà Hồ là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, di tích vẫn chưa được đầu tư trùng tu. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, người dân địa phương đã chủ động quyên góp để xây dựng khu nhà tạm cho người trông coi di tích; xây dựng hệ thống tường rào bao quanh để tránh gia súc vào phá hoại; xây dựng cung thờ để người dân vào dâng hương dịp lễ...

‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia - ảnh 5
Tấm bia đá tại Ly cung. Ảnh: Tạp chí Văn hóa và Phát triển

Hiện tại, tại khu vực di tích còn lưu giữ một tấm bia đá lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tấm bia này do một văn sĩ thời sau khắc lên, khi ông có dịp đi qua Ly cung nhà Hồ và cảm nhận được giá trị lịch sử cùng vẻ đẹp hữu tình của vùng đất này.

>> Tòa thành đá hơn 600 năm tuổi của Việt Nam, từng được CNN bình chọn dẫn đầu 21 Di sản thế giới đẹp nhất

Tòa thánh Vatican công bố linh vật cho Năm Thánh 2025

Tòa thành cổ hơn 1.000 năm tuổi có tên gọi cực độc - lạ, được công nhận là Di tích Khảo cổ học Quốc gia

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thanh-thang-long-thu-nho-hon-600-tuoi-tai-thanh-hoa-duoc-cong-nhan-di-tich-cap-quoc-gia-136170.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Thành Thăng Long thu nhỏ’ hơn 600 tuổi tại Thanh Hóa, được công nhận Di tích cấp Quốc gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH