Di sản thế giới niên đại 627 năm tại tỉnh đông dân nhất Việt Nam sẽ mở cửa miễn phí dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
Ngoài tham quan miễn phí, Trung tâm Bảo tồn Di sản sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào đón năm mới.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ sẽ miễn phí vé tham quan cho toàn bộ du khách trong nước và quốc tế trong thời gian từ ngày 25/1 đến ngày 29/1 (Tức từ ngày 26 tháng Chạp đến hết mùng 1 Tết Ất Tỵ 2025).
Đồng thời, Trung tâm cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào đón năm mới với các hoạt động nổi bật. Từ tháng 1 đến tháng 3, tại khuôn viên di sản diễn ra trưng bày ảnh "Thành Nhà Hồ - Di sản và cộng đồng", giới thiệu cuộc sống bình dị của cư dân vùng di sản và các sản phẩm Ocop địa phương. Bên cạnh đó, du khách có thể thưởng lãm hoa và cây cảnh nghệ thuật độc đáo trong khuôn khổ trưng bày "Hoa xuân cố đô" từ ngày 14/1. Các hoạt động tái hiện văn hóa truyền thống cũng được tổ chức, bao gồm không gian "Tết xưa thành cổ" vào ngày 19/1, lễ thượng nêu và thả cá ông Công ngày 21/1, cùng với tổng kết và trao giải cuộc thi video ảnh "Rực rỡ cố đô". Đặc biệt, ngày 31/1, lễ hội thư pháp đầu xuân sẽ diễn ra với hoạt động viết thư pháp và cho chữ mang ý nghĩa tốt lành. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết (30/1 - 2/2), chương trình nghệ thuật "Sắc xuân thành cổ" sẽ kết nối cộng đồng qua các tiết mục biểu diễn đặc sắc. Cuối cùng, ngày 12/2, Lễ hội làng Đông Môn tại đình Đông Môn mang đến không khí vui xuân qua nhiều hoạt động truyền thống như chọi gà, kéo co và văn nghệ.
Nhân dịp đặc biệt này, du khách đến tham quan Thành Nhà Hồ sẽ được miễn phí hoàn toàn dịch vụ thuyết minh và có cơ hội trải nghiệm 10 sản phẩm du lịch cùng không gian văn hóa mới hấp dẫn. Những điểm nhấn bao gồm: Không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô, không gian trưng bày hiện vật ngoài trời, khu vực check-in tại cổng Nam với trưng bày đá xây thành, khu trưng bày danh nhân triều Hồ, mô hình súng thần công cùng những cải cách thời triều Hồ, kết quả khai quật khảo cổ học, không gian Đất và người Tây Đô, và triển lãm "Thành Nhà Hồ - lịch sử, truyền thuyết và khảo cổ học".
Ngoài ra, các tuyến tham quan độc đáo cũng được tổ chức, bao gồm tuyến tham quan tại điểm, tuyến tham quan Di sản và làng cổ, cùng tuyến du lịch văn hóa tâm linh, kết nối với các di tích, danh thắng và làng nghề truyền thống trong khu vực, đậm nét đặc trưng của Di sản Thành Nhà Hồ.
Với chuỗi hoạt động ý nghĩa và sôi nổi trong dịp "Mừng Đảng, mừng Xuân 2025", Di sản Thành Nhà Hồ hứa hẹn trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá mảnh đất Xứ Thanh, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về.
Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397 dưới sự chỉ đạo của Phụ chính Thái sư Hồ Quý Ly, là một công trình đặc biệt với thời gian hoàn thiện rất ngắn, chỉ trong vòng ba tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba cùng năm). Sau khi hoàn thành, Hồ Quý Ly đã quyết định dời kinh đô từ Thăng Long (Hà Nội) về Thành Nhà Hồ tại Thanh Hóa. Khu di tích này là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhân tạo và yếu tố tự nhiên, được thiết kế kỹ lưỡng để đảm bảo vai trò là trung tâm chính trị và kinh tế mới thay thế cho kinh đô Thăng Long.
Vào ngày 27/6/2011, Thành Nhà Hồ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Ngoài ra, CNN cũng xếp hạng công trình này là một trong 21 di sản nổi bật và vĩ đại nhất trên thế giới.